FPT Edu - Tin tức chung

Vòng sơ loại gay cấn của FPT Edu Hackathon 2021

13/03/2021
Hồ Thị Khánh Như
2369

Ngày 13/3, tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ, 28 đội thi FPT Edu Hackathon 2021 đã bước vào vòng Sơ loại căng não với phần thi lập trình và bảo vệ ý tưởng trước Hội đồng BGK cuộc thi. Vòng Sơ loại sẽ chọn ra 14 đội bước vào chung kết.

Vòng sơ loại Hackathon 2021 được tổ chức kết hợp giữa hình thức offline và kết nối trực tuyến. Tại phần thi buổi sáng, 28 đội thi lập trình offline tại 4 đầu cầu FPTU Hà Nội, FPTU Đà Nẵng, FPTU TP.HCM và FPTU Cần Thơ.

Các đội thi tại đầu cầu FPTU Hà Nội
Các đội thi tại đầu cầu FPTU Đà Nẵng
Các đội thi tập trung cao độ giải quyết những bài toán lập trình hóc búa từ BGK
Tại đầu cầu FPTU TP.HCM, không khí vòng Sơ loại cũng rất gay cấn
Đội thi tại đầu cầu FPTU Cần Thơ

Tại phần thi buổi chiều, các hội đồng thi được kết nối với nhau bằng công nghệ teleconference và các đội thi lần lượt thuyết trình bảo vệ ý tưởng với BGK của FPT Edu Hackathon 2021 toàn quốc.  Mỗi nhóm có 5 phút thuyết trình và 5 phút Q&A với Ban giám khảo.

Mở đầu phần bảo vệ ý tưởng là đội thi X-Series đến từ FUNiX với ý tưởng sử dụng công nghệ AI và Deep Learning để trích xuất thông tin từ các hóa đơn viết tay, giải quyết vấn đề cho bộ phận kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp, giúp tiết kiệm 50% nhân lực. Model của nhóm sử dụng OCA system giúp trích xuất thông tin chính xác 100%.

Tiếp tục phần thi là team Hunet của FPTU Cần Thơ. Nhóm mang đến vòng Sơ loại ý tưởng về ứng dụng chẩn đoán các bệnh trên da dựa bằng công nghệ Deep learning.

Với ứng dụng của nhóm, người dùng chỉ cần sử dụng camera điện thoại chụp hình và gửi chẩn đoán. Bằng các thuật toán, ứng dụng sẽ giúp người dùng bước đầu chẩn đoán bệnh, sau đó kết nối với phòng khám, bệnh viện, giúp tiết kiệm chi phí đi lại, tiền bạc, giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi tình hình bệnh nhân.

Cũng là một đại diện đến từ FPTU Cần Thơ, đội IDBFree lại mang tới ý tưởng về việc áp dụng AI vào chẩn đoán bệnh tiêu hóa, đường ruột. Nhóm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ Hội đồng BGK.

Các đội thi tại Cần Thơ chăm chú theo dõi vòng Sơ loại qua màn hình Teleconference

DSC của FPTU Đà Nẵng với những đội viên “kỳ cựu” tại FPT Edu Hackathon mang đến ứng dụng giải quyết bài toán rất thời sự: Sử dụng AI phát hiện các bệnh nhân Covid-19 qua ảnh chụp CT phổi. Nếu thành công, ứng dụng sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian, công sức xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ nhiệm Covid-19.

Ý tưởng thú vị đã khiến Hội đồng Ban giám khảo rất hào hứng tại phần Q&A và dành cho nhóm nhiều câu hỏi cũng như lời khuyên để phát triển ứng dụng.

Nối tiếp vòng thi Sơ loại là Root Team đến từ ĐH Greenwich (Việt Nam) – Đà Nẵng. Ý tưởng của nhóm cũng là chẩn đoán các bệnh về da sử dụng công nghệ AI. Ngoài việc chẩn đoán bệnh, kết nối với phòng khám, nhóm còn đưa ra một số lời khuyên và đơn thuộc cho bệnh nhân để chữa trị bệnh nhanh chóng nhất.

Là một đại diện khác tới từ Đà Nẵng, DTLH tới từ FSchool Đà Nẵng đã chứng minh tài không đợi tuổi khi mang đến sản phẩm I will guide you giúp người khiếm thị có thể di chuyển dễ dàng và an toàn hơn. Dựa vào công nghệ AI, ứng dụng sẽ nhận diện, phân tích các vật cản và hướng dẫn người dùng bằng giọng nói.

Hội đồng BGK khá bất ngờ trước khả năng của những thí sinh nhỏ tuổi nhất FPT Edu Hackathon 2021 và không tiếc lời khen ngợi dành cho nhóm.

Nối tiếp vòng thi là 2 “em út” khác của cuộc thi đến từ FSchool Đà Nẵng – đội Wind Hill với ý tưởng của nhận diện và phân loại chất lượng hoa quả, phục vụ cho ngành Công nghiệp thực phẩm và đội SuicidalMannequins với ý tưởng nhận diện và quản lý học sinh trong quá trình học tập, phân tích và cảnh báo các tình huống gian lận thi cử. Các ý tưởng được BGK nhận xét là khá thú vị.

Đại diện cuối cùng của FSchool Đà Nẵng – Illuminati Eye mang đến vòng Sơ loại FPT Edu Hackathon 2021 một ý tưởng nữa để hỗ trợ cuộc sống của người khiếm thị. Ứng dụng giúp người khiếm thị nhận diện vật thể, đọc báo, được cảnh báo khi có người lạ vào nhà…

Tiếp tục vòng Sơ loại là đại diện FPoly Đà Nẵng – Đội Have Hope. 4 thành viên mang đến ý tưởng về ứng dụng giúp cảnh báo người dùng về các vấn đề bệnh ngoài da.

Những “chiến binh” đầu tiên của ĐH FPT TP.HCM là đội Unsupervised Kids với ứng dụng giúp chẩn đoán bệnh ung thư vú. Đây là căn bệnh đang xu hướng ngày càng tăng và mức độ nguy hiểm đã được Y học thế giới cảnh báo.

Theo nhóm, hiện chưa có mô hình nào sử dụng AI để giải quyết vấn đề này. Bằng việc áp dụng AI phân tích ảnh chụp X ray, ứng dụng sẽ giúp dự đoán xem người dùng có nguy cơ mắc ung thư vú hay không, những lời khuyên và kết nối họ với bác sĩ, các trung tâm y tế.

Đội thi tiếp theo của ĐH FPT TP.HCM là đội La Peau. Ý tưởng mà nhóm mang đến là ứng dụng chẩn đoán bệnh ngoài da.

Flex, VN2T và King of Technology là các đội thi của FPoly TP.HCM, tiếp tục vòng Sơ loại. Các đội đều mang đến những ý tưởng thú vị khi ứng dụng AI vào nhà ở, đèn giao thông thông minh và chẩn đoán bênh dạ dày. Các ý tưởng được Ban giám khảo đánh khá cao.

Khác với những “đồng môn” của mình, Cipherian và Vocabook (FPoly TP.HCM) lại mang đến những ý tưởng về chẩn đoán bạch cầu, ung thư máu và hỗ trợ tra từ điển cho người học ngoại ngữ.

4AM là đại diện thứ 2 của FUNiX tại vòng Sơ loại này. Nhóm mang đến ý tưởng về phân tích ảnh chụp khối u có độ chính xác cao. Với phong cách tự tin, sự chuẩn bị kỹ càng, nhóm đã có phần phản biện khá sắc sảo cùng ban giám khảo.

Mở màn cho phần thi của các đội đến từ Hà Nội, nhóm Hope (FPTU Hà Nội) mang tới ý tưởng hỗ trợ người già khi gặp nguy hiểm hoặc chấn thương từ những cú ngã. Ứng dụng của nhóm giúp gửi những cảnh báo nguy hiểm, gửi tín hiệu SOS khi tai nạn xảy ra cũng như liên hệ bệnh viện hoặc cơ sở gần với nạn nhân nhất.

Đội Hope thuyết trình trước Hội đồng Ban giám khảo

Nối tiếp vòng chung kết là đội N.G.U của BTEC FPT Hà Nội với ứng dụng giúp điểm danh nhận diện khuôn mặt, tích hợp nhận diện khi người dùng đeo cả khẩu trang. Cùng tuyên bố đầy cá tính “Không thắng không về” và phong cách thuyết trình tự tin, nhóm khiến Hội đồng Ban giám khảo vô cùng ấn tượng. Nhóm cũng cho biết, nếu ý tưởng thành công và được vào vòng sau, nhóm sẽ cải tiến và bổ sung thêm các chức năng như đo thân nhiệt và nhận diện cảm xúc người dùng cũng như mở rộng phạm vi sử dụng. 

Đội N.G.U đến từ BTEC FPT Hà Nội

Dimo (FPTU Hà Nội) là cái tên tiếp theo thuyết trình tại vòng Sơ loại. Ý tưởng của nhóm là ứng dụng nhận diện tình trạng của người lái xe để đưa ra những cảnh báo an toàn cho họ khi tham gia giao thông. Ứng dụng cũng sẽ giám sát thái độ và hành vi của lái xe đó, cảnh báo nếu họ đi lạc đường...

Với sự điềm đạm và kiến thức vững chắc, Dimo dễ dàng vượt qua những câu hỏi phản biện hóc búa từ ban giám khảo. 

Đội Dimo đến từ FPTU Hà Nội

Là đại diện duy nhất của ĐH Swinburne (Việt Nam), Push en Pop mang tới ý tưởng nhận diện người mắc Covid-19 và gửi đến cảnh báo cho cộng đồng cũng như giúp các cơ quan chức năng dễ dàng truy vết F0, F1, giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung...

The Coders (ĐH Greenwich (Việt Nam) – Hà Nội) và Celap (FPTU Hà Nội) là 2 cái tên cuối cùng của bảng A tại vòng Sơ loại và cùng mang đến ứng dụng cho trẻ em. The Coders mang đến ý tưởng dùng công nghệ AI hỗ trợ trẻ nhỏ học ngoại ngữ bằng cách chụp ảnh đồ vật xung quanh mình. Ứng dụng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau. Còn Celap gây ấn tượng với ứng dụng giúp ngăn chặn những nội dung trên mạng không phù hợp cho trẻ nhỏ bằng cách dùng AI nhận diện.

Thành viên của The Coders thuyết trình trước BGK
4 chàng trai của Celap đầy bản lĩnh tại vòng Sơ loại

ATS-13 là cái tên tiếp theo thuyết trình tại vòng Sơ loại với ý tưởng về nhận diện hình ảnh tế bào bất thường của người bệnh. Không chỉ mang đến ý tưởng nổi bật, nhóm còn gây ấn tượng với khả năng tiếng Anh tốt và phong cách tự tin.

Một đại diện khác của BTEC FPT Hà Nội là Techie Tribe. Nhóm mang đến ý tưởng nhận diện người lái xe không đủ tỉnh táo để tham gia giao thông. Với những ưu điểm trong công nghệ nhận diện, nhóm nhận được những phản hồi tích cực từ ban giám khảo cũng như nhận xét đóng góp để hoàn thiện sản phẩm hơn.

Cái tên cuối cùng của bảng B tại vòng Sơ loại FPT Edu Hackathon 2021 là FPLHN-SCVP của FPoly Hà Nội. Nhóm sáng tạo ứng dụng nhận diện hình ảnh để tự động nhập điểm của HSSV tại các cơ sở giáo dục. Ý tưởng được BGK đánh giá khá tốt.

Khép lại vòng chung kết là ý tưởng của Phoenix đến từ FUNiX. Nhóm đã cho thấy bản lĩnh của những chú Phượng hoàng qua ý tưởng độc đáo: Dùng Ai nhận diện và cảnh báo các ống đặt y tế có được đặt đúng hay không. Ý tưởng có giá trị lớn trong thời điểm dịch Covid đang căng thẳng và nhu cầu chữa trị, đặt ống y tế cao. 

Team Phoenix đến từ FUNiX tại vòng Sơ loại

Kết thúc ngày thi Sơ loại đầy cân não, các thí sinh đều trông đợi mình lọt vào danh sách thi đấu của vòng Chung kết. BTC FPT Edu Hackathon 2021 cho biết, kết quả vòng sơ loại sẽ được BTC công bố sau 3 ngày thi. Theo đó, 14 đội sẽ bước tiếp vào vòng mentoring, chuẩn bị sẵn sàng cho Chung kết FPT Edu Hackathon 2021 vào ngày 17-18/04 tới đây, tại Campus FPT Edu tại Hòa Lạc, TP Hà Nội.

Khánh Như

2369

Nhân vật