Chỉ làm quen với trống 5 tuần, sinh viên FPT Edu đã biểu diễn xuất thần
Chiều ngày 21/08/2019, tại buổi lễ Báo cáo Trống, hơn 20 sinh viên theo học nhạc cụ dân tộc đã đồng diễn nhiều tiết mục âm nhạc đặc sắc. Đặc biệt hơn, những tiết mục này có sự phối kết hợp với đệm trống - môn học mới được đưa vào giảng dạy chỉ 5 tuần.
Buổi lễ có sự tham gia của TS. Nguyễn Kim Ánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, chị Nguyễn Thị Thu Nga - Trưởng phòng Truyền thông Tổ chức Giáo dục FPT cùng các giảng viên bộ môn Nhạc cụ dân tộc. Tại buổi lễ, khách tham dự đã được thưởng thức 9 tiết mục đàn đặc sắc, trong đó có 1 tiết mục trống và 8 tiết mục có sự kết hợp giữa trống và các loại nhạc cụ khác.
Đối với sinh viên FPT Edu, môn học liên quan tới Nhạc cụ dân tộc là một trong những môn học thách thức. Không chỉ phải làm quen với tiết tấu của nhạc phẩm, các bạn còn phải học cách phối hợp cùng các loại nhạc cụ khác. Trong buổi lễ lần này, việc phối hợp với Trống trong các tiết mục cũng là một thách thức khi thời gian được học riêng với trống chỉ là 5 tuần, nhiều bạn thậm chí còn chưa từng chơi đàn cùng nhịp trống.
Buổi lễ được mở đầu bằng tiết mục hòa tấu Xàng Xê với sự góp mặt của hơn 20 bạn sinh viên với 6 loại nhạc cụ: đàn tam thập lục, đàn bầu, đàn tì bà, đàn nguyệt, sáo và trống. Đây cũng là tiết mục có sự tham gia của nhiều thành viên nhất trong buổi lễ.
Bên cạnh Xàng Xê, tại buổi lễ, khách tham dự còn được thưởng thức nhiều tiết mục quen thuộc nhưng được biến tấu lạ tai với sự kết hợp của trống như Trống cơm, Lý cây đa, Bèo dạt mây trôi, Hoa thơm bướm lượn... Dù mới chỉ được học trống 5 tuần, và hầu như chưa từng học kết hợp các loại nhạc cụ nhưng các em sinh viên đã thể hiện rất tốt các giai điệu, đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Bạn Nguyễn Thị Trà My - sinh viên K14, Trường Đại học FPT, đảm nhận vị trí trống trong dàn hòa tấu chia sẻ: “Em có niềm yêu thích đặc biệt với âm nhạc từ khi còn nhỏ. Vậy nên khi vào trường, em đặc biệt có hứng thú với bộ môn nhạc cụ dân tộc. Đối với em, tập trống không khó, chỉ cần tập trung nghe nhịp và dành thời gian cho nó là mình có thể chơi được. Hôm nay cũng là lần đầu tiên em chơi trống kết hợp với các loại nhạc cụ khác. Thực sự thì cũng có chút lo lắng, nhưng em cảm nhận hôm nay mình đã làm rất tốt so với mọi hôm rồi”.
Bạn Đỗ Đình Nghĩa - sinh viên chuyên ngành An toàn thông tin, K14, chơi đàn nhị, thì tâm sự: “Em đến với đàn nhị một cách rất vô tình. Ban đầu em cũng không có nhiều thiện cảm với âm thanh của đàn nhị, nhưng một lần, em được nghe cô giáo chơi bài Thần thoại và một số bài nhẹ nhàng sâu lắng thì em cảm nhận được niềm yêu thích với loại nhạc cụ dân tộc này. Em vốn là người thích nghe các thể loại nhạc buồn, nên mỗi khi chơi đàn, em lại có cảm xúc rất sâu lắng, giống như là đứng trước biển lặng vậy. Chơi đàn kết hợp với trống là một trải nghiệm rất mới của em ở trường. Âm thanh của 2 loại nhạc cụ này kết hợp với nhau khiến cho giai điệu trở nên ấn tượng hơn”.
Bạn Vũ Vân Trang, sinh viên K14, chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện, chơi đàn tỳ bà: “Em học đàn tỳ bà cũng mới được khoảng 2 tháng. Đây là một trong những loại nhạc cụ được đánh giá là khó chơi nhưng em rất mê loại đàn này vì nó có nhiều tông, từ tông trầm rồi chạy xuống là tông cao. Thực sự thì việc kết hợp đàn tỳ bà với việc chơi trống là rất khó bởi đặc điểm của đàn tỳ bà là tiếng của nó hơi nhỏ, thường sẽ bị tiếng trống lấn át. Nên trong một số tiết mục thiên về đàn tỳ bà, cô trò chúng em đã quyết định bỏ trống, chỉ kết hợp với trống trong một số tiết mục có các loại đàn khác”.
Việc làm quen với một loại nhạc cụ trong thời gian chỉ vài tuần cho tới vài tháng đã là một trải nghiệm đầy thách thức. Nhưng tại buổi lễ, cả khán phòng đã được nhìn thấy sự nỗ lực của các bạn sinh viên khi không chỉ chơi thành thạo loại nhạc cụ trong môn học của mình mà còn phối hợp nhuần nhuyễn với các loại nhạc cụ khác để tạo nên những bản hòa tấu đầy ấn tượng.
Hải Ngân