Không ít sinh viên FPT Edu đã khởi nghiệp thành công, trở thành triệu phú USD sau vài năm ra trường
ICTNews - Phó Hiệu trưởng Đại học FPT Nguyễn Xuân Phong nhận định, các kỹ sư CNTT có chuyên môn sâu về AI, An toàn thông tin, dữ liệu lớn, IoT cùng với khả năng ngoại ngữ tốt đặc biệt tiếng Nhật, đang là những nguồn lực “hot” nhất trên thị trường.
Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu, cùng với đó sự dịch chuyển nhu cầu outsourcing phần mềm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và sự chuyển hướng sang mảng công nghệ của một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng đang khiến cho nhu cầu nhân lực CNTT tăng đáng kể. Nhiều chuyên gia cho rằng ngành CNTT đang có sức hút rất lớn và nhu cầu nhân lực công nghệ sẽ còn gia tăng mạnh trong vài năm tới.
Với mong muốn mang đến cho độc giả thêm một góc nhìn của đơn vị đào tạo CNTT về xu hướng phát triển của thị trường nhân lực CNTT Việt Nam, ICTnews vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học FPT:
Từ thực tế công tác tuyển sinh những năm gần đây, ông đánh giá thế nào về sức hút của các ngành đào tạo nhân lực CNTT?
Ngành CNTT các năm qua đều có sức hút lớn với thí sinh và phụ huynh, nhưng đặc biệt trong 3 năm trở lại đây khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng tới các lĩnh vực trong nền kinh tế, nhu cầu nhân lực của ngành này đã tăng cao hơn trước. Với Đại học FPT, sức hút này thể hiện khá rõ ràng, đặc biệt là năm nay, bởi trường là một trong rất ít các cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam có đào tạo các ngành đang khan hiếm nhân lực cung cấp cho thị trường của cách mạng công nghiệp 4.0 như IoT hay AI.
Có ý kiến cho rằng nhân lực CNTT được đào tạo chuyên sâu trong những chuyên ngành hẹp đang có nhu cầu phát triển lớn sẽ có triển vọng nghề nghiệp rất tốt thời gian tới đây. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi nghĩ đây xu hướng tất yếu. Các lĩnh vực xã hội và cuộc sống của con người trong 10 - 20 năm tới đây được dự báo sẽ tràn ngập các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)… Không một ngành nghề hay lĩnh vực nào có thể thoát ra khỏi xu hướng chung này. Sức cạnh tranh của các nền kinh tế, của các doanh nghiệp cũng sẽ nằm ở việc ứng dụng sâu và rộng đến đâu các công nghệ này. Vì thế, nhu cầu nguồn lực chuyên sâu về các chuyên ngành này chắc chắn sẽ rất lớn trong thời gian tới.
Đại học FPT cũng có thuận lợi lớn của mình khi thường xuyên làm việc với doanh nghiệp, cung ứng nguồn nhân lực CNTT cho thị trường trong nước và quốc tế, nên nhà trường biết được nhu cầu về nhân sự của ngành cũng như biết được thật sự doanh nghiệp muốn gì ở người làm CNTT. Do đó, Đại học FPT đáp ứng khá tốt với tốc độ biến đổi nhu cầu của thị trường nhân sự ở Việt Nam và một số nước mà trường cung cấp nhân sự cho như Nhật Bản, Singapore, Mỹ. Ngay trong năm nay, nhà trường cũng đã có các ngành học sâu đang hiếm nhân lực được đào tạo bài bản hiện giờ là IoT.
Xin ông chia sẻ rõ hơn về sự quan tâm của các thí sinh và phụ huynh đối với 3 chuyên ngành được trường mở mới từ năm 2019 là AI, IoT và Digital Marketing?
Các chuyên ngành mới này đều được thí sinh và phụ huynh quan tâm đặc biệt. Chúng tôi cho rằng có được điều này là do xu hướng chọn trường chọn ngành của thí sinh và phụ huynh càng ngày càng dựa trên việc lắng nghe các nhu cầu của thị trường nhân sự, quan tâm đến xu hướng ngành nghề cập nhật.
Theo Phó Hiệu trưởng Đại học FPT Nguyễn Xuân Phong, mức lương trung bình khởi điểm của các sinh viên CNTT Đại học FPT đạt tới 11 triệu đồng/tháng ở Việt Nam và cao hơn rất nhiều lần khi ra nước ngoài, đặc biệt là không ít sinh viên FPT đã khởi nghiệp thành công, trở thành triệu phú USD chỉ sau vài năm ra trường (Ảnh minh họa) |
Liên quan đến thu nhập của nhân sự CNTT, số liệu của VietnamWorks, TopDev cho thấy kỹ sư CNTT luôn nằm trong nhóm nhân lực được trả lương cao. Vậy với các sản phẩm do FPT đào tạo ra, sự đón nhận của thị trường như thế nào, thưa ông?
Tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT của Đại học FPT là rất cao, gần đạt tới mức 100%. Mức lương trung bình khởi điểm của các em đạt tới 11 triệu đồng/tháng ở Việt Nam và cao hơn rất nhiều lần khi ra nước ngoài. Không ít sinh viên của trường đã khởi nghiệp thành công, trở thành triệu phú USD chỉ sau vài năm ra trường. Bằng tốt nghiệp của Đại học FPT hiện đang nằm trong danh sách ưu tiên tuyển dụng hoặc là tiêu chí lọc tuyển của nhiều doanh nghiệp. Đây là minh chứng tốt nhất cho việc sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp Đại học FPT ra được thị trường chào đón như thế nào.
Ông dự báo thế nào về sức nóng của thị trường nhân lực CNTT trong những năm tới?
Với ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 và việc công nghệ hiện diện trong mọi mặt của đời sống, nhu cầu với CNTT sẽ ngày càng lớn. Với làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra tại các quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức, tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người sẽ chuyển dịch dần sang môi trường số. Nhu cầu kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực này chắc chắn sẽ ngày càng tăng thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải vì nhu cầu quá lớn về số lượng mà đòi hỏi đối với chất lượng nhân lực sẽ giảm. Ngược lại, càng ngày nhu cầu về nguồn nhân lực chuyên sâu sẽ càng lớn, các công việc đơn giản hơn sẽ dần bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, kể cả với những công việc có độ khó tương đối hiện nay như lập trình viên.
Hơn thế nữa, công nghệ đang thay đổi càng lúc càng nhanh. Những kiến thức kỹ năng ngày hôm nay đang cần có thể sẽ lạc hậu chỉ sau vài năm. Do vậy nếu các kỹ sư CNTT không được đào tạo tốt, không được trang bị những kỹ năng thích ứng với sự thay đổi và khả năng học tập suốt đời thì cũng vẫn có thể sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi.
Xin cảm ơn ông!
Theo ICTNews
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn