HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA
Hoạt động ngoại khóa từ lâu đã là một mảng hoạt động giáo dục quan trọng, giúp HSSV phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ,… Dưới đây là những thông tin quan trọng giúp áp dụng đúng hoạt động ngoại khóa cho từng lứa tuổi cụ thể.
1. Hoạt động ngoại khóa là gì?
Hoạt động ngoại khóa là các hoạt động nằm ngoài chương trình học chính khóa, liên quan đến tất cả các hoạt động văn hóa - thể thao - giải trí - xã hội,… Đây là một trong những chương trình học sinh, sinh viên tự nguyện tham gia theo nhu cầu, khả năng của bản thân.
Mục đích của các hoạt động này là giúp HSSV giải tỏa căng thẳng sau giờ học và hỗ trợ phát triển nhiều kỹ năng sống quan trọng. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp phát triển óc sáng tạo, năng khiếu, rèn luyện nhân cách, mở rộng các mối quan hệ xã hội cho HSSV.
Đối với sinh viên, hoạt động ngoại khóa đóng vai trò rất lớn không chỉ trong quá trình tham gia học tập tại giảng đường đại học mà còn sau khi ra trường. Sinh viên tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa sẽ có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và kiến thức xã hội tốt. Đây là những kỹ năng quan trọng phục vụ cho công việc về sau.
Bên cạnh đó, các bạn có thể có được nhiều mối quan hệ xã hội tốt, cơ hội việc làm tốt nhờ hoạt động ngoại khóa.
Hoạt động ngoại khóa mang lại nhiều lợi ích về thể chất, tư duy cho HSSV.
2. Tại sao hoạt động ngoại khóa lại quan trọng?
2.1. Hoạt động ngoại khóa là cơ hội để học sinh thể hiện bản thân
Năng lực và năng khiếu của con người không chỉ thể hiện ở điểm số học tập trên lớp. Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp HSSV bộc lộ nhiều sở trường của mình, từ đó trở nên nổi bật, khẳng định được bản thân.
Nếu có năng khiếu về thể thao, HSSV có thể tham gia các đội tuyển bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, cờ vua,…
Nếu yêu thích nghệ thuật, các bạn có thể trổ tài ca hát, chơi nhạc cụ hoặc nhảy break dance, nhảy cổ điển ở những sự kiện của trường, các buổi prom, các cuộc thi năng khiếu…
Nếu giỏi thiết kế, học vẽ từ nhỏ, biết chụp ảnh, học thanh nhạc hay biết chơi nhạc cụ (guitar, piano, violin…), các em đừng quên thể hiện những tài lẻ đó ở các buổi sinh hoạt CLB.
Tham gia hoạt động ngoại khóa là cách HSSV thể hiện bản thân.
Các hoạt động ngoại khóa ở trường không đòi hỏi hoặc biến những kỹ năng đó của các em trở lập tức trở nên phi thường. Nhưng HSSV khi tham gia các hoạt động này sẽ dần tự tin hơn, thể hiện được những điểm mạnh khác biệt của bản thân mình.
Ví dụ, khi HSSV tham gia hát trong chương trình văn nghệ ở trường, dù không có giọng ca "vàng", các vẫn sẽ được đánh giá cao về sự tự tin nếu trình diễn hết mình trên sân khấu ạ.
2.2. Các trường đại học/ nhà tuyển dụng cần những học sinh/ứng viên toàn diện
Thực tế đã chứng minh các trường đại học lớn thường ưu ái, lựa chọn những học sinh có hồ sơ đa dạng các trải nghiệm hoạt động ngoại khóa thay vì chỉ có một bảng điểm đẹp.
Tương tự như vậy, các nhà tuyển dụng cũng sẽ thích những ứng viên nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế hơn những người chỉ có một tấm bằng giỏi.
Đơn giản vì việc tham gia hoạt động ngoại khóa giúp HSSV phát triển được những kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo, hòa nhập, tư duy sáng tạo. Đây đều là những kỹ năng rất cần thiết cho cuộc sống ở đại học và cho cả công việc sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra HSSV còn có thể khám phá ra được khả năng cũng như đam mê thật sự, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thông qua hoạt động ngoại khóa và phát triển chúng được toàn diện hơn.
Ví dụ, nhiều học sinh đã nhận thấy kỹ năng thuyết trình, phản biện của mình còn nhiều hạn chế sau khi tham gia các CLB và từ đó, có thêm động lực để rèn luyện và tiến bộ. Hay khi tham gia tổ chức sự kiện ở trường, các bạn HSSV sẽ có thể trải nghiệm công việc truyền thông - sự kiện, được thúc đẩy tinh thần lãnh đạo, học cách tự sắp xếp thời gian, giao tiếp, thương thuyết với khách mời,…
Sinh viên rèn luyện kỹ năng thuyết trình, phản biện khi tham gia cuộc thi tranh biện.
Bên cạnh đó, các bạn sẽ có thêm những người bạn mới, có những kỉ niệm, bài học và kinh nghiệm đáng nhớ, và trở thành một con người thú vị và toàn diện hơn trong cuộc sống qua những hoạt động ngoại khóa.
Những kỹ năng mềm được tích lũy qua quá trình tham gia các hoạt động ngoại khóa này sẽ giúp ích rất nhiều cho HSSV trong công việc tương lai.
2.3. Chứng tỏ cá tính của HSSV
Mỗi HSSV có tính cách khác nhau, là những cá tính riêng biệt. Tuy nhiên, nếu chỉ vùi đầu vào sách vở, các bạn sẽ khó tự do thể hiện cá tính đó và trở nên nổi bật. Lúc này, các hoạt động ngoại khóa với đa dạng về hình thức, phong phú về lĩnh vực sẽ giúp các bạn dễ dàng tìm được điểm mạnh, cá tính của bản thân để phát huy.
Với những bạn cá tính mạnh mẽ, nổi bật về tài năng lãnh đạo, các bạn nên tham gia ứng tuyển làm chủ nhiệm CLB, tổ chức sự kiện.
Những bạn có năng khiếu nghệ thuật có thể tham gia các cuộc thi tài năng, CLB nhạc cụ, văn nghệ xung kích.
HSSV yêu thích thể thao, có lợi thế về ngoại hình có thể đăng ký trở thành thành việc CLB bóng rổ, bóng đá, cầu lông, tham gia các giải đấu thể thao dành cho HSSV,…
Cách HSSV lựa chọn hoạt động ngoại khóa cũng phần nào cho thấy cá tính riêng biệt của các bạn.
Sinh viên thể hiện cá tính nghệ thuật trong cuộc thi nhảy cover các ca khúc Hàn Quốc.
3. Lợi ích của các hoạt động ngoại khóa
3.1.Giảm áp lực, tạo niềm vui, hứng thú
Với lịch học dày đặc và lượng bài tập lớn của chương trình chính khóa, HSSV dễ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thể chất của các bạn.
Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp các bạn có thể thư giãn, giải tỏa được tâm trạng, lấy lại hứng thú học tập. Từ đó, chất lượng học tập được cải thiện tốt hơn, HSSV cũng trở nên tích cực hơn trong các hoạt động khác.
Các em học sinh tiểu học trải nghiệm dã ngoại ở trang trại.
Nhiều trường ở Hà Nội hiện nay thường đưa học sinh đi dã ngoại, trải nghiệm khu di tích lịch sử Đền Gióng, thăm quan làng nghề gốm Bát Tràng, du lịch kết hợp học tập liên môn tại Văn Miếu Quốc Tử Giám,… Những điểm đến thú vị khiến các bạn HSSV thêm hứng thú với môn học, vừa được thư giãn, vừa có thêm kiến thức.
3.2. Nâng cao thể lực, rèn luyện kỹ năng
Khi tham gia hoạt động ngoại khóa, HSSV sẽ được tham gia các trò chơi thể lực, để rèn luyện ý chí, sức khỏe và tinh thần đồng đội. Các bạn sẽ được vận động cơ thể một cách toàn diện, từ đó giúp phát triển thể chất và nâng cao sức đề kháng.
Ở trường, HSSV thường tập luyện tại các CLB theo từng môn thể thao như CLB Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Street workout,… Ngoài ra, các bạn có thể tham gia nhiều giải đấu thể thao dành cho HSSV như Giải bóng rổ sinh viên toàn quốc, Giải Cầu lông HSSV TP. Hà Nội, Giải chạy S-Ray dành cho HSSV,…
Các giải chạy thường niên là hoạt động ngoại khóa được nhiều HSSV yêu thích tham gia.
Ngoài thể lực, hoạt động ngoại khóa còn giúp các bạn HSSV phát triển thêm những kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo, xử lý tình huống,...
Ví dụ, nhiều người vẫn cho rằng lớp trưởng, lớp phó, bí thư,… là những danh hiệu “minh chứng” cho khả năng lãnh đạo của một HSSV. Tuy nhiên, trong một lớp tối đa không quá 5 em trở thành thành viên ban chấp hành lớp, đoàn trường. Các bạn khác rất khó được làm quen và rèn luyện những kỹ năng trên.
Đây là lúc hoạt động ngoại khóa giúp các em dễ dàng rèn luyện kỹ năng này. HSSV có thể tham gia vào các hoạt động tổ chức, điều hành như tổ chức các dạ hội, các chương trình giao lưu giữa lớp/khối trước trường,… Những công việc tổ chức này tập cho các bạn cách làm việc có kế hoạch, có trách nhiệm và khả năng làm việc theo nhóm. Vì thế, đừng chỉ là những người tham gia cuộc vui, hãy là những người tạo nên cuộc vui.
3.3. Cọ xát thực tế, mở rộng kiến thức đời sống, xã hội
Nhiều du học sinh thừa nhận, dù họ đạt điểm tiếng Anh ở trường rất nhưng cho đến khi đặt chân tới nước ngoài mới có thể nói chuẩn tiếng Anh. Các tân cử nhân mới tốt nghiệp cũng chia sẻ, môi trường làm việc rất khác so với khi họ học trong trường. Và việc thiếu kinh nghiệm thực tế, khó hòa nhập với môi trường mới chính là rào cản lớn nhất khiến họ không thể thăng tiến nhanh chóng trong công việc.
Thực trạng này cho thấy rằng việc cọ xát thực tế, mở rộng kiến thức đời sống, xã hội là rất quan trọng nếu người trẻ muốn sớm thành công. Một trong những phương pháp để có được điều đó ngay khi còn trên ghế nhà trường là tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Ví dụ, HSSV có thể tham gia hoạt động ngoại khóa dẫn tour du lịch cho người nước ngoài - một hình thức học tiếng Anh khá nổi tiếng những năm trở lại đây. Theo đó, các bạn sẽ trở thành những hướng dẫn viên du lịch thực thụ, đưa khách nước ngoài đi thăm quan những điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Nhờ hoạt động ngoại khóa này, HSSV có thể được rèn luyện kỹ năng tiếng Anh với người bản xứ, thuyết trình, giao tiếp, cọ xát thực tế, chủ động tìm hiểu thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, quen biết nhiều bạn bè trong và ngoài nước,…
Rất nhiều bạn HSSV sau khi trở thành những hướng dẫn viên du lịch theo hình thức này cho Hanoikids, Hanoi Free Private Tour guide,… đã có thể tự tin nói tiếng Anh, thành thạo nhiều kỹ năng mềm,...
Thành viên CLB Hanoikids dẫn tour cho người nước ngoài.
3.4. Làm đẹp hồ sơ khi du học
Rất khó để học sinh vào được bất kỳ trường đại học nào ở Mỹ, Châu Âu nếu không có các hoạt động ngoại khóa.
Các trường đại học nước ngoài muốn thấy rằng sinh viên quan tâm đến nhiều khía cạnh khác ngoài việc học và các bạn đã tạo ra ảnh hưởng như thế nào đến xã hội. Trên thực tế, hoạt động ngoại khóa/dự án xã hội và khả năng lãnh đạo được các trường này đánh giá chiếm tỷ trọng khoảng 30% bộ hồ sơ.
Để có một hồ sơ du học “đẹp”, HSSV rất cần tham gia các hoạt động ngoại khóa có chọn lọc.
Như vậy, nếu HSSV muốn làm đẹp hồ sơ khi du học, hãy chú trọng đến hoạt động ngoại khóa bên cạnh điểm số. Nhưng đừng tham gia một cách “bừa bãi”, hãy lựa chọn những đam mê thật sự của bản thân và làm mọi thứ thật tâm huyết, chỉn chu.
Ví dụ, bên cạnh nghiên cứu khoa học, bạn còn yêu thích làm phim, vậy hãy tham gia các hoạt động như viết kịch bản, đạo diễn phim của chính mình. Hoặc các cuộc thi phim quốc tế, tổ chức đêm chiếu phim để quyên góp cho trẻ em nghèo,… cũng là gợi ý không tồi để HSSV thử sức.
Điều này sẽ làm tăng đáng kể cơ hội vào trường đại học mơ ước của bạn. Miễn là bạn tham gia vào các hoạt động ngoại khóa sâu sắc và ý nghĩa mà bạn đam mê, bạn sẽ có cơ hội.
4. Làm thế nào để biết tham gia hoạt động ngoại khóa có hiệu quả hay không?
Không phải bất cứ hoạt động ngoại khóa nào cũng phù hợp với HSSV. Ngoài ra, nếu không chọn lọc và biết cách tham gia hợp lý, cân bằng thời gian biểu, rất có thể bạn sẽ sa đà vào hoạt động này và dẫn đến phản tác dụng. Để xác định hoạt động ngoại khóa bạn đang tham gia có hiệu quả hay không, hãy tự trả lời các câu hỏi sau:
Bạn có thấy vui khi tham gia hoạt động ngoại khóa đó? Một trong những mục đích của hoạt động ngoại khóa là làm giảm áp lực, tăng hứng thú học tập. Nếu bạn không thấy vui mà ngược lại, cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì ôm đồm quá nhiều, rất có thể đây không phải lĩnh vực bạn thật sự yêu thích.
Bạn có học được kỹ năng mới? Một lợi ích quan trọng của hoạt động ngoại khóa là mang đến cho bạn nhiều kỹ năng mới. Nếu sau thời gian trải nghiệm, bạn vẫn không thể tự tin hơn, thuyết trình tốt hơn hay vẫn không thể học được cách lãnh đạo đội nhóm, thì hãy cân nhắc lại việc tiếp tục tham gia các hoạt động đó.
Bạn có cân bằng được thời gian? Hoạt động ngoại khóa mang đến nhiều kỹ năng nhưng không thể thay thế hoàn toàn chương trình chính khóa. Do đó, HSSV cần chú trọng cân bằng thời gian học và tham gia các hoạt động này.
Nếu bạn cảm thấy đang “quá tải”, hãy cân nhắc vì rất có thể hoạt động ngoại khóa bạn tham gia là không hiệu quả. Nếu cứ tiếp tục, học sinh có thể không đảm bảo được thời gian học tập, sức khỏe, tinh thần.
HSSV cần tham gia các hoạt động ngoại khóa có chọn lọc.
5. Các hoạt động ngoại khóa tiêu biểu
5.1 Hoạt động thể thao
Hoạt động thể thao ngoại khóa ở trường học là các hoạt động giúp HSSV rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Tại các trường học, hoạt động này thường được tổ chức dưới các hình thức như:
Tự tập luyện: Sinh viên tự tập luyện thể dục thể thao theo nhu cầu cá nhân, tự chơi những môn yêu thích. Đây là hình thức được nhiều HSSV lựa chọn vì không bó buộc thời gian, cường độ tập luyện, có thể chơi đa dạng nhiều môn,…
Ví dụ, sau giờ học, các bạn nam có thể lập nhóm chơi đá bóng ngay ở trường, tập bóng rổ. Các bạn nữ có thể chơi nhảy dây, đá cầu,…
Hoạt động CLB thể thao: Đây là hình thức phổ biến ở các trường đại học hiện nay. Các bạn HSSV khi tham gia CLB sẽ được sinh hoạt tập thể, tập luyện thể thao theo lịch của CLB và cùng nhau đi thi đấu tại nhiều giải đấu thể thao.
Bóng rổ là hoạt động thể thao khá phổ biến ở các trường ĐH.
Một số CLB thể thao tại các trường học thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh như CLB Bóng đá, CLB Cầu lông, CLB Vovinam, CLB Bóng chuyền,…
Hoạt động thi đấu: Tham gia vào các giải đấu cũng là một hình thức giúp HSSV luyện tập thể dục, thể thao. Không chỉ luyện tập “theo mùa” mỗi khi gần đến giải đấu, HSSV cần luyện tập chăm chỉ và đều đặn nếu muốn đạt giải cao. Một số giải đấu được nhiều HSSV yêu thích tham gia như Hội khỏe Phù Đổng, Giải Thể thao sinh viên, Giải Vovinam vô địch trẻ toàn quốc, Giải bóng chuyền sinh viên…
Tập luyện có hướng dẫn: Đây là hình thức hoạt động thể thao được bảo đảm nhất hiện nay, nhưng không phổ biến rộng rãi, chỉ áp dụng cho một số đội tuyển đi thi đấu. Hình thức này cũng mang tính nhất thời, khi có giải mới tổ chức lớp hướng dẫn. Một số các trường thường tổ chức các CLB Vovinam, Bóng đá, Bóng chuyền… riêng để bồi dưỡng HSSV có năng khiếu và gửi đến các giải đấu.
5.2 Hoạt động văn nghệ
Hoạt động văn nghệ là các hình thức sinh hoạt ca, múa, hát, các cuộc thi văn nghệ,… Mục đích là giúp HSSV rèn luyện năng khiếu, tự tin hơn, có nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, kỹ năng sân khấu,…
Hoạt động văn nghệ của HSSV hiện nay đã không chỉ giới hạn trong việc ca hát, nhảy múa truyền thống tại các sự kiện của trường. Các tiết mục được mở rộng với nhiều loại hình mới đa dạng và hấp dẫn hơn như nhảy hiện đại, Hip Hop, Nhảy đối kháng,…
Học sinh tỉnh Tuyên Quang tham dự chương trình giao lưu văn nghệ.
Một số hình thức đã được phát triển thành cuộc thi lớn như Giải thể thao sinh viên Việt Nam - VUG 2019 khu vực TP Hà Nội với bộ môn nhảy đối kháng. Trận chung kết tại Nhà thi đấu Đại học Sư phạm diễn ra sôi động và quyết liệt với sự tham gia của 8 đội đến từ các trường ĐH Phương Đông, ĐH Ngoại thương, ĐH Xây Dựng, ĐH FPT, ĐH Thương Mại, ĐH KHXH&NV- ĐHQG, HV Cảnh sát nhân dân và HV Ngân hàng.
5.3 Hoạt động hỗ trợ xã hội, cộng đồng
Đây là các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện nhằm đóng góp công sức xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, chia sẻ với nhiều mảnh đời khó khăn. Thông qua đó, HSSV cũng sẽ học được cách sống đẹp, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, rèn luyện nhiều kỹ năng mềm như quản lý thời gian biểu, tổ chức sự kiện, giao tiếp xã hội,...
Hoạt động tình nguyện vẫn luôn gắn với sức trẻ và nhiệt huyết của HSSV.
Các hoạt động hỗ trợ xã hội, cộng đồng thường được triển khai ở trường như:
-
Tổ chức sự kiện hiến máu nhân đạo
-
Gây quỹ, quyên góp tiền giúp đỡ người nghèo
-
Các chiến dịch Mùa hè xanh
-
Dọn rác trong thành phố
-
Vẽ tranh trên những chiếc thùng rác, bốt điện, giúp thành phố trở nên xanh, sạch, đẹp hơn...
5.4 Tham gia các câu lạc bộ
Sinh hoạt CLB đã không còn xa lạ với HSSV. Đây là nơi tập hợp các bạn trẻ có chung đam mê, sở thích để cùng nhau trao đổi, rèn luyện, sinh hoạt với nhau, từ đó, giúp các bạn có thêm kiến thức, kỹ năng.
Các CLB có thể thuộc loại học thuật như CLB AI (Trí tuệ nhân tạo), CLB Robotic, CLB Văn học, CLB Toán học, CLB Tiếng Anh, Tiếng Nhật,… Cũng có những CLB thiên về phát triển năng khiếu như CLB Viết báo, CLB Nhạc cụ dân tộc, CLB Nhiếp Ảnh, CLB Ảo thuật,…
Các thành viên CLB võ thuật tại một trường ĐH ở Hà Nội.
5.5 Hoạt ngoại khóa dã ngoại
Dã ngoại là hoạt động ngoại khóa dành cho mọi lứa tuổi HSSV. Ở đó, các bạn sẽ được tham quan nhiều vùng đất mới, có sinh thái đa dạng, tham gia các hoạt động thể chất và trí não (trò chơi vận động, giải câu đố, truy tìm kho báu,…).
Từ đó, các bạn có thể khám phá thế giới tự nhiên, gắn kết, giải trí và học hỏi các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo,... Hiện nay, có rất nhiều địa điểm phù hợp để tổ chức dã ngoại cho mọi lứa tuổi như các khu rừng sinh thái, Vườn quốc gia, Bảo tàng, trang trại…
Các hoạt động dã ngoại có thể được tổ chức với nhiều quy mô khác nhau, tùy vào số lượng học sinh, sinh viên tham gia.
Dã ngoại là hoạt động ngoại khóa dành cho mọi lứa tuổi.
Với quy mô gần 500 sinh viên, Cao đẳng tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đồng Tháp đã tổ chức chuyến tham quan, dã ngoại cho các bạn tại các khu lưu niệm, khu sinh thái… thuộc tỉnh Bến Tre.
Các bạn sinh viên đã được tham quan Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, trải nghiệm khu du lịch sinh thái Phú Lan Vương,... Nhờ đó, các bạn đã được bồi dưỡng thêm kiến thức lịch sử, địa lý, trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị trên mảnh đất Bến Tre.
Với quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng 50 học sinh, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội lại chọn Bảo tàng dân tộc học là địa điểm dã ngoại cho học sinh lớp 2.
Các bạn học sinh có cơ hội khám phá vẻ đẹp văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam thông qua các mô hình trưng bày tại bảo tàng. Ngoài ra, ở khu trưng bày ngoài trời, học sinh còn tham gia nhiều trò chơi dân gian như đá cầu, kéo co, ném còn, ném yến…
5.6 Hoạt động ngoại khóa lễ hội
Lễ hội được xem là một trong những hoạt động ngoại khóa thu hút nhiều HSSV tham gia nhất. Ngoài những lễ hội cổ truyền dân tộc, nhà trường, các CLB cũng thường tổ chức nhiều lễ hội du nhập từ nước ngoài, phù hợp với văn hóa người Việt.
Một số lễ hội nổi tiếng với giới trẻ như Halloween, Lễ hội Ẩm thực, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Hàn, Việt - Nhật,…
Tại đây, HSSV được trải nghiệm nhiều phong tục khác lạ của các nước khác nhau trên thế giới như hóa trang, diễu hành, những điệu múa truyền thống,… Các bạn cũng được thưởng thức nhiều món ăn ngon, đắm mình vào không gian văn hóa đa màu sắc, gặp gỡ nhiều bạn bè quốc tế,...
Qua các lễ hội này, HSSV không chỉ được giải trí, thư giãn, trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau mà còn học được các kỹ năng tổ chức sự kiện nếu tham gia vào thành phần ban tổ chức.
Lễ hội văn hóa Việt Nhật mang đến nhiều màu sắc và kiến thức văn hóa cho HSSV.
5.7 Hoạt động ngoại khóa chuyên đề
Hoạt động ngoại khóa chuyên đề là tổ chức các buổi chuyên đề, hội thảo, tuyên truyền nội dung phù hợp với từng độ tuổi của học sinh, sinh viên.
Tại các buổi ngoại khóa chuyên đề, học sinh có thể được tham gia các trò chơi, thảo luận, thi thuyết trình, đóng kịch tình huống,… theo từng chủ đề. Các hoạt động sẽ do giáo viên điều phối hoặc hướng dẫn, định hướng.
Qua các buổi ngoại khóa này, HSSV sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng quan trọng về từng lĩnh vực, môn học. Quan trọng hơn, các em còn được trải nghiệm thực tế, học cách giải quyết những tình huống cụ thể và trực quan.
Ví dụ trường Tiểu học Phan Đình Phùng, Kon Tum đã tổ chức một buổi ngoại khóa chuyên đề phòng cháy chữa cháy cho học sinh. Các em đã có dịp trải nghiệm việc cứu hỏa khẩn cấp, bổ sung các kỹ năng phòng cháy chữa cháy và học được cách thoát hiểm trong trường hợp gặp hỏa hoạn.
Học sinh Tiểu học Phan Đình Phùng trong buổi ngoại khóa chuyên đề.
5.8 Hoạt động thực tế tại các công ty
Thực tập tại các doanh nghiệp là chương trình được tổ chức cho các sinh viên cuối khóa, để các bạn có cơ hội trải nghiệm môi trường, văn hóa làm việc thực tế tại các doanh nghiệp, công ty. Từ đó, sinh viên sẽ có thêm kinh nghiệm làm việc, học cách áp dụng kiến thức vào thực tế.
Ngoài ra, hoạt động này cũng có thể triển khai từ sớm cho HSSV khóa dưới như trải nghiệm tham quan nhà máy sản xuất công nghệ cao, trải nghiệm một ngày tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các cơ quan báo chí, toàn soạn,… tùy theo ngành học hoặc nhu cầu của HSSV.
Công ty Samsung Việt Nam từng tổ chức cho gần 90 sinh viên của ĐHQG Hà Nội tham gia chương trình tham quan thực tế “Một ngày trải nghiệm tại doanh nghiệp”. Tại đây, các bạn sinh viên được quan sát cách thức làm việc và tìm hiểu kỹ năng cần thiết để hoàn thành từng vị trí công việc.
Sinh viên hào hứng tham gia trải nghiệm tại công ty Samsung.
Công việc thực tập ở doanh nghiệp với sinh viên có thể chỉ là những vị trí đơn giản như cộng tác viên, thư ký, nhân viên,… Nhưng qua mỗi công việc, các bạn sẽ được làm quen, hòa mình vào môi trường chuyên nghiệp và học được nhiều kỹ năng kinh nghiệm phong phú.
Chẳng hạn, làm một cộng tác viên ở tòa soạn báo, các bạn sẽ hiểu được áp lực tin bài mỗi ngày của phóng viên, rèn tính năng động, chủ động, sáng tạo. Làm thư ký, các bạn sẽ hiểu được sự bận rộn và những khó khăn mà sếp gặp phải, học được cách sắp xếp thời gian, công việc khoa học....
6. Cách lựa chọn hoạt động ngoại khóa phù hợp
Giữa rất nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng và phong phú, HSSV cần cân nhắc và lựa chọn những hoạt động phù hợp với cá tính và sở thích của mình. Một số tiêu chí để lựa chọn hoạt động ngoại khóa có thể là:
-
Lĩnh vực phù hợp với đam mê: Nếu muốn tham gia CLB, hãy xem xét liệu lĩnh vực này có phù hợp với đam mê bạn đang theo đuổi, đây có phải sở thích của bạn không. Nếu không, bạn sẽ chỉ lãng phí thời gian làm một việc mà mình không thích.
-
Phù hợp với năng lực bản thân: Nếu bạn muốn tham gia giải đấu bóng chuyền nhưng chiều cao lại không cho phép, hãy cân nhắc lựa chọn các môn thể thao khác. Năng lực của bản thân cũng là yếu tố quan trọng để lựa chọn hoạt động ngoại khóa.
-
Bạn có thể cân đối được thời gian: Nếu lịch sinh hoạt CLB, lịch thi đấu bóng rổ đang trùng với lịch học các môn quan trọng trên lớp, hãy cân đối lại bảng thời gian biểu của bạn bằng cách lựa chọn những hoạt động khác.
-
Mang đến kỹ năng bạn cần: Mỗi hoạt động ngoại khóa lại mang đến cho bạn kinh nghiệm và kỹ năng khác nhau. Tùy vào định hướng tương lai, bạn hãy lựa chọn những hoạt động ngoại khóa phù hợp. Ví dụ, bạn muốn tương lai làm một nhà báo giỏi, hãy thử tham gia CLB Tranh biện, viết báo để có thêm kỹ năng lập luận, thuyết trình, phản biện, viết lách,…
Mong rằng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết để HSSV có thể lựa chọn cho mình những hoạt động ngoại khóa phù hợp, phát triển nhiều kỹ năng hữu ích cho bản thân. Để cập nhật thêm những thông tin hữu ích khác về các hoạt động ngoại khóa dành cho HSSV, xem thêm tại đây.
(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)