Trải nghiệm FPT Edu

MÔN HỌC TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO

26/04/2021
seo
12841

Gần đây, nhiều bậc phụ huynh thường nhắc tới cụm từ “môn học trải nghiệm sáng tạo”. Liệu trải nghiệm sáng tạo có phải một môn học? Các đặc điểm, hình thức của trải nghiệm sáng tạo là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về khái niệm mới mẻ này. 

1. Môn học trải nghiệm sáng tạo có phải là "môn học" không?

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (TNST) không gọi là môn học mà là hoạt động giáo dục. 

Môn học được tạo nên bởi một hoặc một vài lĩnh vực khoa học nên nội dung được cấu trúc chặt chẽ. Trong khi đó, hoạt động giáo dục sử dụng tích hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực để thực hiện mục tiêu hoạt động của mình.

2. Trải nghiệm sáng tạo là gì?

Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, trong đó học sinh, sinh viên được trực tiếp trải nghiệm trong nhà trường hoặc xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó, các bạn được phát triển tình cảm, đạo đức, các kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm cá nhân.

Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục được nhiều phụ huynh, HSSV yêu thích.

3. Các loại hoạt động môn học trải nghiệm sáng tạo

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở trường học được phân chia theo độ tuổi, khả năng tiếp nhận và đặc trưng môn học nhưng tựu trung thường có 2 loại:

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học

Hoạt động TNST trong từng môn học được hiểu là vận dụng một đơn vị (một phần kiến thức) nào đó vào thực tế đời sống. Điều này giúp học sinh phát hiện, hình thành, củng cố kiến thức, rèn kỹ năng một cách hiệu quả. Các hoạt động này được thực hiện trong lớp học, ở trường, ở nhà hay tại bất kỳ địa điểm nào phù hợp. 

Một sản phẩm trải nghiệm sáng tạo của học sinh lớp 7 trong môn Khoa học.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp

Hoạt động TNST mang tính tích hợp là vận dụng kiến thức, kỹ năng từ nhiều môn học, lĩnh vực khác nhau vào thực tế để HSSV trải nghiệm, từ đó phát hiện, hình thành kiến thức, rèn luyện kỹ năng hiệu quả. Hoạt động này có thể thực hiện cả trong và ngoài môi trường lớp học. 

Học sinh được trải nghiệm nhiều bộ môn khoa học tích hợp trong ngày hội STEM.

4. Các hình thức tổ chức trải nghiệm sáng tạo

Tổ chức trải nghiệm sáng tạo như thế nào cho hấp dẫn, thu hút học sinh mà vẫn truyền thụ kiến thức, kỹ năng hiệu quả là mối quan tâm của nhiều giáo viên. Dưới đây là một số hình thức tổ chức thường được áp dụng:

Hoạt động câu lạc bộ (CLB)

Câu lạc bộ là hình thức sinh hoạt ngoại khóa của những nhóm HSSV cùng sở thích, năng khiếu,… Dưới định hướng của nhà giáo dục, CLB trở thành môi trường trải nghiệm sáng tạo để HSSV chia sẻ kiến thức, rèn luyện các kỹ năng. Đó có thể là kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và biểu đạt ý kiến, lên ý tưởng, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,…

Hiện nay, các hình thức CLB tại trường học rất đa dạng, phong phú như CLB học thuật, CLB thể dục thể thao, CLB văn hóa nghệ thuật, CLB võ thuật, CLB hoạt động thực tế, CLB trò chơi dân gian,…

Học sinh tham gia CLB báo chí tại trường THPT.

Môn học trải nghiệm sáng tạo thông qua tổ chức trò chơi

Trò chơi là hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo với nội dung kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có tác dụng giáo dục "chơi mà học, học mà chơi”. Hoạt động này có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức như thi giải câu đố, thi thuyết trình, trò chơi vận động, thể thao,…

Trò chơi giúp phát huy tính sáng tạo, hấp dẫn và gây hứng thú cho HSSV, giúp các bạn dễ tiếp thu kiến thức mới. Ngoài ra, hoạt động này còn tạo cho các em tác phong nhanh nhẹn, đồng thời, là cách giải tỏa căng thẳng, thư giãn hữu hiệu. 

Tổ chức trò chơi là cách lôi cuốn HSSV tham gia vào hoạt động giáo dục.

Sân khấu tương tác

Sân khấu tương tác là một hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt động diễn kịch, trong đó vở kịch chỉ có phần mở đầu đưa ra tình huống, phần còn lại được sáng tạo bởi những người tham gia. 

Mục đích của hoạt động này là thúc đẩy HSSV đưa ra quan điểm, học cách xử lý tình huống, tăng khả năng sáng tạo và hứng thú học tập. Hiện nay, đã có khá nhiều trường học áp dụng hình thức này để HSSV trải nghiệm và sân khấu hóa một số tác phẩm văn học nổi tiếng như Chí Phèo, Thánh Gióng,…

Học sinh sân khấu hóa tác phẩm Thánh Gióng.

Tham quan, dã ngoại

Tham quan, dã ngoại là hoạt động đưa HSSV đi thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến thức ngoài thực tế, tiếp xúc với các di tích lịch sử, văn hóa, công trình, nhà máy,… Hoạt động môn học trải nghiệm sáng tạo giúp các em có được kinh nghiệm thực tế, kỹ năng sống, trải nghiệm kiến thức ngoài sách vở, học đường,…

Học sinh có thể đi tham quan, dã ngoại ở các địa điểm sau:

  • Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa
  • Công trình công cộng có tính kiến trúc hoặc ý nghĩa văn hóa, lịch sử
  • Nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp
  • Trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
  • Các cơ sở sản xuất, làng nghề
  • Viện bảo tàng

Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể dã ngoại, tham quan theo chủ đề, hoạt động cụ thể:

  • Dã ngoại theo các chủ đề học tập
  • Dã ngoại theo các hoạt động nhân đạo, tình nguyện

Học sinh dã ngoại tại trang trại. 

Hội thi, cuộc thi

Hội thi/cuộc thi là một hoạt động TNST mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, nhóm hoặc tập thể về nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Mục đích tổ chức hội thi/cuộc thi là nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu giải trí, tích lũy kiến thức và kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, giao tiếp, mở rộng quan hệ xã hội,... cho HSSV. 

Hội thi/ cuộc thi có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như:

  • Thi vẽ
  • Thi viết
  • Thi kiến thức
  • Thi giải ô chữ
  • Thi tiểu phẩm
  • Hội thi thời trang, học sinh thanh lịch
  • Thi kể chuyện
  • Thi chụp ảnh
  • Kể chuyện theo tranh
  • Sáng tác bài hát theo chủ đề

Tham gia cuộc thi khoa học giúp học sinh tích lũy thêm nhiều kiến thức hữu ích.

Tổ chức sự kiện

Tổ chức sự kiện là một hoạt động tạo cơ hội cho HSSV thể hiện những ý tưởng, khả năng sáng tạo, tổ chức hoạt động, thực hiện và kiểm tra giám sát hoạt động. 

Thông qua hoạt động tổ chức sự kiện, các bạn được rèn luyện tính cẩn thận, đầu óc tổ chức, tính năng động, kiên nhẫn. Chưa hết, ở các sự kiện, HSSV có khả năng mở rộng các mối quan hệ xã hội, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm,...

HSSV có thể tổ chức các sự kiện liên quan đến chủ đề nghệ thuật, văn hóa hoặc khoa học như: 

  • Chương trình âm nhạc
  • Triển lãm
  • Buổi giới thiệu sách
  • Hội thảo khoa học
  • Hội thao
  • Du lịch khảo sát thực tế
  • Hoạt động tìm hiểu về di sản văn hóa, về phong tục tập quán
  • Chuyến đi khám phá đất nước, trải nghiệm văn hóa nước ngoài,…

Sự kiện talkshow Dó Bay do sinh viên tổ chức.

Hoạt động giao lưu

Giao lưu là tổ chức, tạo điều kiện cho HSSV tiếp xúc, trò chuyện và trao đổi thông tin với những nhân vật điển hình trong các lĩnh vực khác nhau. Hoạt động đó giúp các em có tình cảm và thái độ phù hợp, có được những lời khuyên đúng đắn để vươn lên trong học tập, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách. 

Một số chủ đề giao lưu thời gian gần đây được nhiều HSSV quan tâm, yêu thích là Công nghệ 4.0 (AI, IoT…), cơ hội việc làm kỷ nguyên mới, cơ hội và thách thức đối với từng ngành nghề cụ thể, chăm sóc sức khỏe, nâng cao năng lực cá nhân,…

Chủ tịch FPT Telecom - Ông Hoàng Nam Tiến giao lưu cùng sinh viên

Hoạt động nhân đạo 

Trong các môn học trải nghiệm sáng tạo, Hoạt động nhân đạo là chương trình giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gồm người nghèo, người nhiễm chất độc da cam, trẻ em mồ côi, người tàn tật, khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa,… 

Hoạt động nhân đạo giúp HSSV được hiểu được các giá trị như như tiết kiệm, tôn trọng, chia sẻ, cảm thông, yêu thương, trách nhiệm, hạnh phúc,… Ngoài ra, các bạn còn có cơ hội tiếp cận các môn trải nghiệm sáng tạo khi tự mình lên ý tưởng, thực hiện các hoạt động quyên góp sách vở, thu gom vỏ chai lọ, bán hàng gây quỹ,... 

Một số hình thức hoạt động nhân đạo được nhiều HSSV yêu thích có thể kể đến là: 

  • Hiến máu nhân đạo
  • Xây dựng quỹ ủng hộ người nghèo
  • Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam
  • Quyên góp đồ dùng học tập cho học sinh vùng cao
  • Tổ chức trung thu cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa…

Sinh viên tham gia dạy học học cho các em học sinh nghèo. 

5. Ai là người dạy học sinh môn học trải nghiệm sáng tạo? 

Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo không bó hẹp trong phạm vi các môn học trên lớp. Do đó, giáo viên không phải người duy nhất có thể dạy học sinh TNST. Tuy nhiên, họ vẫn là nguồn lực chính trong các trường học có thể hướng dẫn học sinh.

Để có thể hướng dẫn học trò trải nghiệm sáng tạo tốt, ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên môn, giáo viên còn cần nhạy bén, sáng tạo nên những hình thức trải nghiệm mới, hấp dẫn. 

Đóng vai trò đồng hành, định hướng cho học trò, thầy cô giáo cần tìm hiểu cách thức tổ chức các hoạt động. Ngoài ra, giáo viên còn cần có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, bao quát để đánh giá sự tham gia của từng học sinh vào hoạt động.

Giáo viên là người hướng dẫn học sinh trải nghiệm sáng tạo.

Giáo viên không làm thay mà hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát cho tập thể hoặc cá nhân học sinh tham gia trực tiếp. Hoặc, thầy cô đứng ở vai trò tổ chức, giúp học sinh chủ động, tích cực đóng góp cho càng nhiều hoạt động càng tốt. 

Trong quá trình học sinh trải nghiệm sáng tạo, thầy cô giáo theo sát để hỗ trợ trong những tình huống khó khăn phát sinh. Để đánh giá kết quả hoạt động, giáo viên cần quan sát kỹ nhằm đưa ra những nhận xét công tấm nhất về năng lực của từng bạn.   

Môn học trải nghiệm sáng tạo không đơn thuần là “môn học” theo cách hiểu thông thường mà là một hoạt động giáo dục. Hoạt động này đem đến nhiều lợi ích về kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Để tìm hiểu thêm về môn học trải nghiệm sáng tạo và cách triển khai,  bạn có thể xem tại đây.

(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)

12841

Nhân vật