Trải nghiệm học online | 4 Lợi ích và 5 vấn đề chưa thể giải quyết
Trải nghiệm học online đã không còn xa lạ với học sinh sinh viên kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Đến hiện tại, khi hoạt động dạy học trực tiếp trở lại thì học online vẫn giữ vai trò quan trọng, trở thành xu hướng giáo dục tương lai. Tuy vậy, hình thực học này vẫn còn những vấn đề chưa thể khắc phục. Theo dõi bài viết dưới đây nếu bạn muốn có trải nghiệm học online tốt nhất!
1. 4 Lợi ích mà trải nghiệm học online mang lại
Học online là hình thức học sử dụng các thiết bị điện tử được kết nối qua internet. Qua đó, người dạy và người học có thể trao đổi, tương tác trực tuyến mọi lúc mọi nơi mà không bắt buộc phải tới trường hay ngồi cùng nhau trong không gian một lớp học. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức học online càng chứng tỏ được giá trị của mình khi cung cấp 4 lợi ích riêng biệt, thích nghi với điều kiện xã hội như sau:
Thứ nhất, tiết kiệm thời gian di chuyển: Các lớp học online cho phép bạn học ngay tại nhà hay bất cứ nơi đâu bạn muốn, chỉ cần có máy tính/smartphone kết nối internet. Bạn sẽ không lo kẹt xe, khói bụi, thời gian di chuyển, cả người dạy và người học đều có thể tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại nhờ dạy và học online.
Thứ hai, học viên có thể chủ động và tự tin hơn trong việc học: Khi học offline, nếu sĩ số lớp học quá đông thì một số học sinh có thể sẽ không theo kịp tiến độ bài giảng, kiến thức ghi trên bảng của thầy cô. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và tiếp thu kiến thức. Trong khi đó, học online sẽ giúp cả lớp dễ dàng theo dõi toàn bộ bài giảng qua slide. Nếu học sinh không theo kịp tiến độ bài giảng có thể dùng chức năng ghi âm, nghe lại hoàn toàn miễn phí.
Học online qua màn hình máy tính nên nhiều học sinh sinh viên cũng cảm thấy tự tin và thoải mái hơn khi bày tỏ quan điểm của mình trong một không gian riêng. Cảm giác e ngại sợ sai, lo lắng về thái độ, biểu cảm của mọi người khi mình phát biểu sẽ không còn nữa, thay vào đó là sự chủ động tương tác và tự tin tham gia xây dựng bài.
Thứ ba, bài giảng phong phú hơn: Nhờ sự kết hợp sử dụng các ứng dụng hỗ trợ học tập, phần mềm, mini game với đồ họa thú vị mà tiết học online trở nên phong phú và thu hút người học hơn. Ví dụ tại Trường THPT FPT Đà Nẵng thuộc FPT Education (FPT Edu), không chỉ có Zoom, Google Meet, các thầy cô còn ứng dụng những phần mềm như Jamboard hay Padlet để học sinh có thể tạo các chủ đề xoay quanh bài học và cùng nhau thảo luận, cùng với đó là việc thường xuyên tổ chức mini game giữa giờ để thay đổi không khí học tập như: Time to Climb (Trắc nghiệm có tính thời gian), Test memory (Test trí nhớ)…
Thứ tư, dễ dàng tiếp cận: Ở mọi nơi, mọi lúc, bạn chỉ cần có thiết bị và đường truyền mạng là có thể học online, người học cũng không cần tập trung ở một chỗ mà vẫn có thể tương tác, thảo luận nhóm… Khi dạy và học trực tuyến, giáo viên cũng có thể mời một số các khách mời vào lớp học để chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm cho các bạn học sinh. Khi đó, khách mời chỉ cần bỏ ra một khoảng thời gian để “join link” thay vì phải dành ra hẳn một ngày để lên lớp.
2. 5 Vấn đề mà trải nghiệm học online chưa thể giải quyết
Ngoài những ưu điểm, tiện ích nói trên thì trải nghiệm học online cũng còn tồn tại một số vấn đề chưa thể giải quyết, nổi bật là 5 hạn chế dưới đây:
- Hạn chế về mặt tương tác xã hội: Mặc dù các công cụ học online có cung cấp tính năng trao đổi trực tiếp giữa người dạy và người học thông nhưng cũng khó mà đầy đủ và sinh động bằng việc trao đổi trực tiếp trên lớp theo cách thức truyền thống.
- Không gian cá nhân chưa phù hợp: Học online có thể làm phát sinh nhiều yếu tố gây nhiễu tại vị trí người học (tạp âm, mất tập trung, người ngoài tác động, người học không có không gian riêng...), làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức.
- Quản lý lớp học online khó khăn: Giảng viên khó có thể thể kiểm soát chặt chẽ việc người học làm gì sau màn hình máy tính, vậy nên học online đòi hỏi tinh thần tự giác, chủ động và tập trung ở người học hơn hẳn so với phương pháp dạy và học truyền thống.
- Học online không dành cho tất cả đối tượng: Trường hợp người học không có điều kiện trang bị công nghệ hỗ trợ hoặc có khiếm khuyết về thể chất thì khó có thể tham gia các lớp học online.
- Học online dễ bị tác động/gián đoạn: Khi đường truyền mạng gặp vấn đề, thiết bị điện tử hạn chế... đều sẽ gây ảnh hưởng đến việc dạy và học online.
3. Review trải nghiệm học online từ học sinh các cấp
Từ năm học 2020 - 2021, học online đã trở thành giải pháp giúp duy trì công tác giáo dục đào tạo, kết nối người dạy và người học trong bối cảnh giãn cách phòng chống Covid-19. Mặc dù còn cho thấy một số hạn chế, nhưng không thể phủ nhận học trực tuyến cũng mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt là tạo ra những trải nghiệm thú vị cho học sinh các cấp.
3.1. Review trải nghiệm học online cho học sinh tiểu học
Dạy và học online đối với học sinh tiểu học là chuyện không dễ dàng, bởi các bạn học sinh còn quá nhỏ và rất cần có người kèm cặp, hướng dẫn. Nhất là với những học sinh lớp 1 mới chuyển cấp từ mẫu giáo, tâm lý đang được vui chơi là chính nên khi phải học trong một môi trường quy củ hơn sẽ không dễ tập trung. Khi học sinh đến lớp, thầy cô có thể tận tay uốn nắn, hướng dẫn các con tác phong học tập này, nhưng với học online thì điều này lại không đơn giản.
Để khắc phục tình trạng đó, giáo viên tiểu học phải xây dựng bài giảng hấp dẫn để thu hút sự chú ý của học sinh. Giữa các tiết học, thầy cô cần có hoạt động giúp trẻ hào hứng. Như tại trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy thuộc FPT Edu, nhà trường đã ứng dụng các phương pháp giúp các con khối 1 thích ứng và học tập tốt. Các bạn nhỏ sẽ có 1 tuần học định hướng, làm quen với việc học trực tuyến, các thiết bị công nghệ và kỹ năng sử dụng, cũng như nhận thức rõ ràng các quy tắc của lớp học, như: vào học đúng giờ, không làm việc riêng hay gây ra tiếng ồn trong giờ học, cách ghi chép bài…
Với một số môn như Vovinam, mỹ thuật, giáo viên có thể xây dựng bài học bằng video gửi cho phụ huynh để giúp con thực hiện theo khung giờ phù hợp. Ngoài ra, giáo viên cũng thường xuyên tổ chức những buổi trò chuyện, các thử thách liên quan đến bài học để các con thực hiện như vẽ tranh về trường, làm hướng dẫn viên du lịch… nhờ đó giúp trẻ có thể tương tác với nhau, giờ học bớt nặng nề.
3.2. Review trải nghiệm học online cho học sinh trung học
So với học sinh Tiểu học, việc triển khai dạy và học online đối với học sinh THCS ít gặp khó khăn hơn, thầy cô không cần mất quá nhiều thời gian để giới thiệu, nhắc nhở hay hướng dẫn các bạn về tác phong, nội quy học tập. Tuy nhiên, nhiều học sinh cấp 2 khi học online lại dễ bị hấp dẫn bởi, tác động bởi những yếu tố bên ngoài, không hào hứng với lớp học online vì thiếu sự tương tác với thầy cô, bạn bè như khi được đến lớp.
Bạn Doãn Phương Thảo, học sinh lớp 9A1 Trường TH & THCS FPT Cầu Giấy thuộc FPT Edu vô cùng hào hứng khi chia sẻ về những trải nghiệm tuyệt vời khi học online, đặc biệt là trải nghiệm mà cô bạn có được khi tự tay làm ra những sản phẩm.
Phương Thảo cho biết: “Tiếng Anh là môn học khiến mình hứng thú nhất khi học tập online. Tiếng Anh vốn dĩ là một môn rất hay rồi, nhưng cùng với sự nhiệt tình và sáng tạo trong giảng dạy của cô Giang mà môn học này không những không bị yếu tố “online” cản trở mà ngược lại còn khiến mình có phần hào hứng hơn với môn học nhờ có áp dụng các phần mềm thú vị”.
3.3. Review trải nghiệm học online cho học sinh cấp 3
Trải nghiệm học online cho học sinh cấp 3 thường rất phong phú, đa dạng, tuy nhiên các bạn học sinh và phụ huynh thường lo lắng hình thức học này sẽ làm hạn chế tương tác, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn ôn thi vào Đại học.
Đối với bạn Nguyễn Hà Cao Kỳ, học sinh trường THPT FPT Quy Nhơn thuộc FPT Edu, thử thách khi học online của cậu bạn là vượt qua được những khó khăn trong việc tương tác với thầy cô, hay xử lý những lỗi gây gián đoạn buổi học như thiết bị, đường truyền.
Chính bởi vậy, bí kíp nho nhỏ của Cao Kỳ để học tập tốt ngay cả trong điều kiện học từ xa là không ngại học hỏi từ cả thầy cô và bạn bè. “Mình luôn cố gắng kết bạn với thật nhiều người vì mình tin rằng càng có nhiều mối quan hệ, mình càng có nhiều cơ hội để học tập. Ngoài ra, mình còn luôn lắng nghe những bài học mà thầy cô giảng trên lớp, tích cực giơ tay phát biểu để hiểu rõ bài và tương tác với thầy cô càng nhiều càng tốt”, Cao Kỳ chia sẻ.
3.4. Review trải nghiệm học online cho sinh viên
Không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp mà ngay từ khi nhập trường, sinh viên Đại học FPT thuộc FPT Edu đã được làm quen với hình thức học online, do đó khi bước vào cả năm học trực tuyến kéo dài, các bạn sinh viên Đại học FPT không hề bỡ ngỡ. Từ kỳ Summer 2021, sinh viên trường F còn được học kiến tạo trên nền tảng EduNet - nền tảng học tập trực tuyến dành riêng cho sinh viên Đại học FPT. Nền tảng này cho phép tạo ra các "nhóm học tập" có thể trao đổi với nhau qua tin nhắn hoặc video trực tuyến song song, cùng với đó là các tính năng như đánh giá chéo, phát hiện chuyên gia, tích hợp học liệu...
"EduNext giúp chúng em làm việc nhóm nhiều hơn, được bày tỏ ý kiến cá nhân và còn được nhận đánh giá từ các bạn khác trong lớp. Ngoài ra, việc thầy cô giáo bài trên EduNext theo từng tiết học cũng rõ ràng hơn. Chúng em có thể bình luận ngay dưới câu hỏi để các giảng viên thấy ngay và đánh giá dễ dàng hơn", sinh viên Vũ Mai Trang, K15 ngành Kinh doanh quốc tế (Đại học FPT Hà Nội thuộc FPT Edu) chia sẻ.
4. Cách cải thiện trải nghiệm học online hiệu quả
Học online tuy không còn là hình thức mới lạ nhưng khá nhiều học sinh sinh viên vẫn cảm thấy khó khăn để thích ứng. Vậy đâu là bí kíp để học trực tuyến hiệu quả, học sinh sinh viên có thể tham khảo 9 cách cải thiện trải nghiệm học online dưới đây:
1 - Chủ động hơn trong việc học: Trong quá trình học tập, bạn nên chuẩn bị đầy đủ tập sách, note nhanh những ý quan trọng vào vở hoặc các thiết bị công nghệ bạn có. Với đối tượng học online là học sinh cấp 1, phụ huynh nên sắp xếp thời gian để theo sát các giờ học, kịp thời hướng dẫn và kèm cặp con.
2 - Tạo những nhóm học tập nhỏ để tăng tương tác: Hầu hết các nền tảng hỗ trợ học trực tuyến như: Facebook, Padlet, Google Meet, Google Chat, MS Teams,... đều có tính năng tạo nhóm học tập để bạn dễ dàng thảo luận, teamwork… Nếu khai thác và sử dụng tốt những nền tảng này, bạn sẽ không còn cảm thấy nhàm chán và "cô đơn" trên môi trường học tập số.
3 - Chuẩn bị trang thiết bị học tập đầy đủ: Để quá trình học online diễn ra hiệu quả và không bị gián đoạn do các vấn đề kỹ thuật, người học cần chuẩn bị những thiết bị học tập như: kết nối internet với đường truyền ổn định, tai nghe với khả năng cách âm tốt, máy tính/máy tính bảng, mic tốt để khi nói không bị rè hay mất tiếng, thẻ nhớ USB để sao lưu bài tập (nếu cần)...
4 - Chọn không gian học tập thoải mái nhất, tránh bị làm phiền: Chọn không gian học tập riêng tư, thoải mái, đủ ánh sáng, hạn chế tạp âm là một cách hiệu quả để bạn có thêm động lực và sự tập trung khi bước vào những giờ học online. Tốt nhất, bạn nên lựa chọn những vị trí riêng tư như phòng riêng, hoặc vị trí mà các thành viên trong gia đình ít lui tới.
5 - Tạo một lịch trình học tập - nghỉ ngơi phù hợp: Việc học online kéo dài dễ gây mệt mỏi vì người học phải nhìn vào màn hình máy tính hàng giờ. Hãy chủ động sắp xếp những giờ nghỉ ngơi hoặc vận động để sức khỏe được cải thiện tốt hơn, hiệu quả học tập cao hơn nhé!
6 - Thường xuyên tương tác với bạn bè trong giờ học: Chủ động tương tác với thầy cô, bạn bè trong group chat hoặc tích cực phát biểu trong giờ học trực tuyến cũng là một cách hiệu quả để cải thiện trải nghiệm học online. Trước mỗi buổi học, học sinh sinh viên nên tìm hiểu trước tài liệu liên quan đến bài học, thảo luận nhóm với bạn bè để luôn có cảm giác kết nối, có động lực và hứng thú học bài hơn. Ngoài ra, trong quá trình học online, bạn cũng nên tắt các thông báo từ mạng xã hội, tin nhắn... để tập trung cho việc học.
7 - Tạo thói quen ghi chép bài và ghi âm bài giảng: Tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ, học sinh sinh viên nên tạo thói quen ghi chép và ghi âm bài giảng online, mục đích để nghe lại và ôn luyện bài vở, hoặc tìm hiểu sâu hơn về những kiến thức mà mình chưa nắm vững. Lưu ý, các tạp âm như tiếng quạt lớn, tiếng nói từ bên ngoài phòng có thể làm ảnh hưởng đến âm thanh trong video bài giảng của bạn lúc ghi âm. Vì vậy, hãy chọn một không gian yên tĩnh nhất có thể để tập trung học online, đồng thời giúp cho file ghi âm bài giảng đạt chất lượng tối ưu.
8 - Đảm bảo đường truyền Internet tốt nhất để việc học không bị gián đoạn: Đường truyền mạng là cơ sở quan trọng thiết yếu khi học online, vậy nên bạn cần đảm bảo đường truyền internet tốt nhất để việc học trực tuyến không bị gián đoạn. Nếu bạn dùng 3G, 4G để học thì hãy đăng ký gói cước dung lượng cao để có đường truyền ổn định, cũng đừng quên giữ cho các thiết bị như laptop, điện thoại có đủ pin trong lúc học trực tuyến.
Mặc dù trải nghiệm học online vẫn còn những hạn chế nhất định chưa thể khắc phục nhưng không thể phủ nhận, dạy và học trực tuyến là giải pháp thiết thực, thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như bối cảnh xã hội trong thời gian vừa qua. Hình thức học tập này cũng đã mang đến những trải nghiệm mới lạ, thú vị cho học sinh sinh viên, giúp các bạn tăng tính chủ động, tự giác trong học tập và rèn luyện. Để lại bình luận ở dưới nếu đọc đến đây bạn vẫn còn băn khoăn nhé!
Xem thêm trải nghiệm học tập online của học sinh các cấp tại đây.
Ảnh: Internet, FPT Edu