2000 người yêu Toán tại ĐBSCL tham dự buổi trò chuyện của GS Ngô Bảo Châu
Ngày 4/10, Ngày hội Toán học mở chính thức diễn ra tại trường Đại học FPT Cần Thơ với chuỗi hoạt động lý thú, học cùng trải nghiệm thu hút gần 2000 học sinh – sinh viên, thầy cô giáo và các chuyên gia trong ngành Toán học tham dự.
Phát biểu lễ khai mạc, Thầy Nguyễn Xuân Phong (Trưởng BTC Ngày hội Toán học mở 2020) cho biết: “Tập đoàn FPT và Toán học có mối cơ duyên đặc biệt. Chúng tôi yêu quý toán học đến mức lấy tên tòa nhà, thiết kế từng chi tiết trong đó đều dựa trên nền tảng toán học để kết nối học cùng trải nghiệm. Năm nay, Tổ chức Giáo dục FPT rất vui mừng khi được phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức, Sở Giáo dục – Đào tạo Cần Thơ tổ chức ngày hội Toán học mở 2020 – lần đầu tiên diễn ra ở miền Tây. Tôi rất hi vọng những năm tới vẫn có duyên được tổ chức và nhân rộng ngày hội quan trọng này”.
Tiếp đó, PGS.TS Lê Minh Hà (Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) cũng gửi lời cảm ơn tới Tổ chức Giáo dục FPT, Sở Giáo dục – Đào tạo Cần Thơ trong việc tổ chức sự kiện này. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh mong muốn được hỗ trợ, đồng hành với các thầy cô trong việc giảng dạy để Toán không chỉ là một môn học, một chướng ngại vật trong các kì thi mà rất gần gũi, tự nhiên trong hoạt động và đời sống, cùng nhau hướng tới một môi trường mà học sinh có thể học cùng trải nghiệm trực tiếp.
Buổi giao lưu của GS Ngô Bảo Châu đã thu hút gần 2000 học sinh – sinh viên, các thầy cô giáo dạy Toán đam mê học cùng trải nghiệm trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Mỗi khi có dịp nói chuyện với học sinh hay sinh viên ngoài chuyên ngành toán, GS Ngô Bảo Châu đều muốn các bạn có thể tiếp cận và hiểu được môn học này một cách cơ bản nhất nên đã lựa chọn chủ đề “Toán học từ cổ điển đến hiện đại”.
Đối với câu hỏi làm thế nào để học tốt khi bị “mất gốc” môn Toán, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Trong học toán có sự đột biến về tư duy, có người không gặp rào cản thì tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, có người thì bị lỡ nhịp từ một điểm tư duy nào đó và dừng chân ngay tại đó. Đây là lúc người thầy phải có ý thức giúp học sinh vượt qua. Còn với các bạn học sinh, hãy trao đổi với thầy cô để tìm xem điểm bị lỡ và tháo gỡ nó. Đừng để nỗi sợ làm dập tắt đam mê của bạn”.
Nếu bài giảng của GS Ngô Bảo Châu hướng tới mục tiêu khơi gợi hứng thú học Toán cho mọi đối tượng người nghe thì hai bài giảng của GS.TSKH Đỗ Đức Thái và TS Đỗ Thanh Hà lại được thiết kế chuyên biệt dành cho từng đối tượng khác nhau.
Trong bài giảng “Dạy học phát triển năng lực toán học theo Chương trình môn Toán mới: Một số vấn đề về lí luận và thực tiễn”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái đã trao đổi cùng các thầy cô giáo, chuyên viên của Sở Giáo dục – Đào tạo về quan điểm xây dựng chương trình môn toán; giải quyết vấn đề dạy học hình thành và phát triển năng lực toán học cho học sinh và phương pháp ứng dụng toán học vào thực tiễn – dạy học “vận dụng toán học vào thực tiễn.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh: “Toán học dứt khoát phải được dạy và dành cho mọi người, mọi trẻ em trên mọi vùng miền. Toán học dứt khoát không được trở thành xa xỉ phẩm dành riêng cho một số nhóm học sinh. Đối với các thầy cô giáo, đừng dạy cho học sinh cái mình có mà phải dạy cho học sinh cái các em cần trong cuộc đời sau này”.
Qua bài giảng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc sống: Hỗ trợ chẩn đoán bệnh qua dữ liệu hình ảnh”, TS Đỗ Thanh Hà khẳng định: “AI có giá trị to lớn trong lĩnh vực y tế và cụ thể là chẩn đoán bệnh sớm bằng hình ảnh”.
Khi nhận được câu hỏi rằng liệu việc để học sinh cấp trung học tiếp xúc với AI là quá sớm, TS đã trả lời học sinh cấp trung học hoàn toàn có thể nghiên cứu về AI: “Như đã chia sẻ trước đó, AI cũng sử dụng những công thức ma trận toán học, phép cộng trừ, tìm số trung bình, kỹ thuật luận suy toán học... Minh chứng rõ ràng nhất là những bạn vừa đặt câu hỏi cho tôi, có những bạn đang học FSchool Cần Thơ nhưng cũng đã có câu hỏi rất sắc sảo và cho thấy các bạn có thể hiểu, có đam mê và kiến thức về lĩnh vực này”.
Song song với các hoạt động chuyên môn, những người yêu Toán được có thể tìm tới khu vực Triển lãm “Những ô cửa Toán học” gồm các mô hình toán học được in bằng máy in 3D, vừa là trực quan toán học vừa như tác phẩm nghệ thuật.
Trải nghiệm “Trong xứ sở Toán học diệu kỳ” thu hút đông đảo các bạn trẻ khi được tự tay sáng tạo ra những sản phẩm của chính mình, cùng nhau tìm hiểu bản chất của rất nhiều các hiện tượng, thông tin thường nhật mà ta vẫn thường coi như là hiển nhiên. Qua đó, chúng ta sẽ nhận ra Toán học có thể trả lời được một cách thuyết phục những câu chuyện nảy sinh trong đời sống.
Các gian hàng của các đơn vị về giáo dục toán (Toán IQ, toán cho trẻ em, toán tiếng Anh, toán cho học sinh, toán cho sinh viên), về STEM (Robotics, American Stem, mô hình CLB Stem), các đơn vị xuất bản sách cũng góp mặt tại ngày hội với nhiều đầu sách hữu ích.
Một số hình ảnh khác trong ngày hội:
Huệ Anh