Đa dạng sắc màu quốc tế

7 ngày trải nghiệm của hai thầy giáo Philippines tại ngôi trường cách quê hương 4.000km

26/10/2017
Trần Thị Mai
6254

Thông qua chương trình liên kết giữa ĐH FPT và ĐH AUP (Adventist University of the Philippines), hai thầy giáo Philippines có cơ hội được giảng dạy cho sinh viên ĐH FPT trong 7 ngày. Nhờ chuyến trải nghiệm thú vị này, các thầy giáo ngoại quốc cảm nhận thấy một ngôi trường xa lạ trở nên thật gần gũi.

Giữa tháng 10, khí hậu tại Hà Nội dịu mát hơn Manila (Philippines) một chút. Hai thầy giáo Philippines được các thầy cô ngành Quản trị Kinh doanh đón tiếp tận tình tại ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc.

Thầy Salera P Jose (áo kẻ) đã cùng sinh viên FPT trải nghiệm những phương pháp học tập và giảng dạy khác biệt tại ĐH FPT.
Thầy Salera P Jose (áo kẻ) đã cùng sinh viên FPT trải nghiệm những phương pháp học tập và giảng dạy khác biệt tại ĐH FPT.

 

Thầy Ron Ivan Perdio và thầy Salera P Jose đều là giảng viên ngành Quản trị Kinh doanh tại ĐH AUP. Hai thầy đã quá quen với việc đứng lớp dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, chuyến trao đổi giảng viên lần này quả thực đã đem đến một thử thách mới cho hai giảng viên kì cựu. Thầy Jose và thầy Perdio cùng đảm nhiệm công việc dạy tiếng Anh cho các sinh viên ĐH FPT.
Sinh viên tại ĐH FPT khi mới bước vào trường, tùy thuộc vào trình độ tiếng Anh hiện tại, mỗi bạn sẽ được bố trí một khoảng thời gian nhất định để trau dồi môn ngoại ngữ này. Bởi lẽ, ở những kỳ học tiếp theo, tất cả sinh viên đều cần đạt tiêu chuẩn tiếng Anh để được bước vào học chuyên ngành. Vậy nên, ở học kỳ đầu, các SV FPT đều nỗ lực tận dụng các cơ hội giao tiếp và lĩnh hội kiến thức từ các giảng viên ngoại ngữ.
Do vậy, được học với hai thầy giáo Philippines là cơ hội với sinh viên FPT, nhưng là thách thức với giảng viên. Thầy Perdio nhớ lại những giờ giảng trên lớp: “Nhiều khi thầy nhận thấy sinh viên muốn phát biểu ý kiến, nhưng các bạn ấy chưa thể bung tỏa được hết ý tưởng của mình ra. Chính vì thế nên mình càng phải nỗ lực để sự tương tác giữa thầy và trò không bị hạn chế”.
Thầy cũng chia sẻ: “Dù ít nhiều còn rào cản ngôn ngữ nhưng các sinh viên FPT vẫn cố gắng giao tiếp thân thiện, cởi mở với thầy cô. Tôi nhìn thấy khao khát được trải nghiệm cách học mới của các bạn ấy”, thầy Jose cho hay.
Hai thầy giáo Philippines chia sẻ, tại ĐH AUP, các sinh viên Philippines có một số quy định học tập khác với sinh viên ĐH FPT. Là trường theo đạo nên nội quy tại AUP có phần khắt khe hơn. Khi đi học, các sinh viên được yêu cầu mặc đồng phục và trong lớp luôn giữ trật tự. Các thầy cô có thể dễ dàng nhớ tên và vị trí của từng sinh viên, bởi mỗi chỗ ngồi trong lớp đều cố định, sinh viên không được đổi chỗ khi chưa có sự chỉ định của thầy cô.
Thế nên, khi dạy sinh viên tại một ngôi trường như FPT, có lẽ cả hai thầy giáo Philippines đều bối rối trong những tiếp học đầu tiên. Sinh viên FPT có những sự tự do nhất định, cách tổ chức lớp học cũng khuyến khích sinh viên giao tiếp cởi mở với giảng viên. Vì vậy, song song với cách giảng dạy tại AUP, trong giờ học các thầy thường đưa vào nhiều hoạt động nhóm, chú ý trao đổi và hồi đáp những câu hỏi mang tính “tự do sáng tạo” của sinh viên nhiều hơn.
Mặc dù không thể nhớ được hết tên của các sinh viên vì tên tiếng Việt khá khó đọc, các sinh viên lại thường xuyên đổi chỗ ngồi, nhưng các thầy nhớ sinh viên từ những nụ cười, những lời hỏi thăm và từ cả dáng vẻ “ăn năn hối lỗi” xin vào lớp khi trót đến muộn.

Thầy Perido dành lời khuyên cho các sinh viên ĐH FPT: “Ngoài việc học tiếng Anh bằng cách nghe các chương trình TV và các bộ phim nước ngoài, các bạn cần có tự tạo một môi trường để bản thân có thể rèn luyện phản xạ và khả năng nói tiếng Anh. Hãy tập trung và thúc ép bản thân nói nhiều hơn. Nhớ là đừng dùng tiếng mẹ đẻ trong giờ học tiếng Anh nhé”.
Thầy Perido dành lời khuyên cho các sinh viên ĐH FPT: “Ngoài việc học tiếng Anh bằng cách nghe các chương trình TV và các bộ phim nước ngoài, các bạn cần có tự tạo một môi trường để bản thân có thể rèn luyện phản xạ và khả năng nói tiếng Anh. Hãy tập trung và thúc ép bản thân nói nhiều hơn. Nhớ là đừng dùng tiếng mẹ đẻ trong giờ học tiếng Anh nhé”.

Trong suốt 7 ngày giảng dạy, ấn tượng khó quên nhất với hai thầy có lẽ là hình ảnh của các sinh viên trong một ngày thời tiết xấu. Quả thực, với người Philippines những trận bão không phải là điều quá lạ lùng. Nhưng với những người dân miền Bắc Việt Nam nói chung và những sinh viên ĐH FPT – Hòa Lạc nói riêng, cơn lốc tháng Mười vừa quét qua là một hiện tượng quá bất ngờ.
Ngày hôm ấy, hai thầy đang dạy thì cả lớp bỗng dưng mất điện bởi có lốc đi qua. Cả thầy và trò đều ngỡ ngàng và có chút lo lắng vì chưa gặp tình huống này bao giờ. Buộc phải cho lớp nghỉ, hai thầy quay về kí túc xá thì nước mưa đã chảy vào phòng. Còn lúng túng chưa biết nên làm gì thì hai thầy đã được các sinh viên xắn quần xắn áo giúp thu dọn. Thầy Perdio cảm động chia sẻ: “Ý thức của sinh viên là điều khiến tôi ấn tượng nhất. Khi xảy ra tình huống bất ngờ, thay vì chờ các cô tạp vụ giúp đỡ, các bạn ấy đã nhanh chóng tự dọn dẹp”.
Không chỉ vậy, khi các buổi học phải tạm dừng do mất điện vì bão, các học sinh sinh viên không hoảng sợ, các bạn ấy còn mở nhạc cùng nhảy múa ở dưới sảnh. Hoạt động này đã giúp tinh thần tập thể thêm gắn kết.
Thầy Jose hài hước kể lại: “Các sinh viên ở đây khá giống với sinh viên AUP. Đúng là ở đâu cũng vậy, cứ mỗi khi được nghỉ học thì sinh viên đều vui mừng hào hứng”.
Dù chưa đủ thời gian để tìm hiểu hết văn hóa và chương trình học của sinh viên FPT, nhưng hai thầy giáo Philippines để ý có một môn học mà tất cả các sinh viên đều tham gia. Hàng ngày, các thầy thấy sinh viên thường mặc một loại võ phục màu xanh, thắt đai vàng, xanh nhạt, xanh đậm… mỗi nhóm sinh viên lại thắt một màu đai khác nhau.
“Đó là môn võ Vovinam đúng không? Thật tốt khi sinh viên được học những nét văn hóa cổ truyền trong một môn học thể chất. Môn này sẽ giúp các bạn có khả năng tự vệ khi gặp tình huống nguy hiểm”, thầy Perdio hào hứng khi nói về môn giáo dục thể chất tại ĐH FPT.
“Ở Philippines cũng có môn thể thao cổ truyền tên là Sipa. Tuy nhiên môn thể thao đó là một trò chơi rất đơn giản, vì vậy nhà trường đã không đưa sipa vào giảng dạy như một môn giáo dục thể chất”, thầy Jose chia sẻ thêm.
Trong quãng thời gian 7 ngày ngắn ngủi, hai thầy đã cảm nhận được phần nào văn hóa đặc trưng của sinh viên FPT. Ngoài ra, những buổi khám phá Hà Nội cùng các giảng viên và sinh viên ngành Quản trị kinh doanh cũng đã để lại cho hai thầy nhiều đoạn hồi ức đáng nhớ.
Trước khi gửi lời tạm biệt tới các sinh viên và mái trường FPT, thầy Perdio chia sẻ: “Ở đây, tôi được gặp nhiều sinh viên mới, mỗi người lại có một cá tính khác nhau. Dù không khác nhiều với sinh viên ở Philippines, nhưng các bạn vẫn cho tôi những kỉ niệm rất thú vị. Vốn là một người thích đi đây đó nên tôi rất thích chuyến đi nhiều trải nghiệm này. Sau này, khi dẫn sinh viên tới trao đổi ở ĐH FPT, tôi đã có thể giải thích cho sinh viên những điều mà mình đã thu lượm được rồi.”
Chia tay ĐH FPT trong một ngày thời tiết chuyển Thu mát mẻ, trở về với ĐH AUP chắc hẳn thầy Jose và thầy Perdio đã có những câu chuyện đáng nhớ để kể lại cho học trò của mình. Hy vọng, các sinh viên và giảng viên tại ĐH FPT sẽ sớm có cơ hội được “hội ngộ” hai người thầy dễ mến này trong những hoạt động liên kết giữa hai trường đại học sắp tới.

Trần Mai
Tổ chức Giáo dục FPT
Ảnh: NVCC

 

6254

Nhân vật