FPT Edu - Tin tức chung

Chuyện người thầy không ngừng... đi học

28/12/2021
Bùi Linh Phương
1249

Xa gia đình để đi học và nghiên cứu ở nước ngoài giữa bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, song vẫn đảm bảo vừa học tập vừa giảng dạy trực tuyến, đồng hành cùng SV tại các cuộc thi, đó là cách GV Ngô Tùng Sơn (Bộ môn CNTT, ĐH FPT Hà Nội) nỗ lực hết mình và tích lũy thật nhiều trải nghiệm đặc biệt trong năm 2021. 

Thử thách gấp đôi, nỗ lực gấp bội

Việc dạy - học trực tuyến kéo dài khiến 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức cho cả thầy và trò. Nhưng có lẽ còn khó khăn hơn gấp bội đối với những người thầy không ngừng "đi học" như GV Ngô Tùng Sơn. Ra nước ngoài để học nâng cao trình độ chuyên môn giữa lúc dịch bệnh bùng phát, GV này cho biết, khó khăn lớn nhất mà anh phải đối diện đó là sắp xếp thời gian để làm tốt cả việc dạy học và nghiên cứu. 

"Ở nước tôi học - Malaysia thì tình hình dịch bệnh cũng căng thẳng lắm, thi thoảng còn bị gọi là tâm dịch Đông Nam Á. Họ cũng ban bố tình trạng khẩn cấp ở khắp nơi, cách ly, hạn chế đi lại cũng gắt gao lắm. Do đó tôi cũng phải cố gắng nhất có thể để tránh rơi vào những tình huống bị lây bệnh hoặc bị cách ly. Nói chung không tương tác và di chuyển được bình thường cũng gây khó khăn rất nhiều. Cũng may là ở Malaysia, hệ thống thông tin của họ rất tuyệt vời, hầu như rất ít các việc phải gặp mặt trực tiếp, trừ những thủ tục liên quan tới hải quan, y tế, công chứng", thầy Sơn chia sẻ.

Vừa học vừa làm, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu tuy không còn là một hình thức mới mẻ, nhưng nó vẫn luôn là thách thức thực sự đối với bất cứ ai. Bởi lẽ, không phải cứ dám làm, cứ lao vào thực hiện là xong mà để hoàn thành tốt nhiều đầu việc song song, ngoài năng lực chuyên môn cần có sự nỗ lực, kiên trì, sắp xếp hợp lý về thời gian cũng như cân đối bao chuyện công - tư khác. 

Thầy Sơn cho biết, để hoàn thành được công việc thì ngoài sự cố gắng của bản thân, anh không thể không nhắc tới sự giúp đỡ từ gia đình, đồng nghiệp. “Nếu không có các chính sách cho nhân viên đi học của Đại học FPT, anh em đồng nghiệp không thông cảm, tạo điều kiện thì tôi khó lòng mà làm tốt được việc dạy và học. Từ bản thân tôi, tôi cũng phải nỗ lực gấp nhiều lần để có được kết quả nghiên cứu khiến Giáo sư hướng dẫn hài lòng và cùng với đó tôi cũng nhận được sự hỗ trợ ngược lại từ phía Giáo sư để tôi có thể bố trí được thời gian đứng lớp. Ngoài ra, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình thì tôi cũng chẳng thể nào yên tâm mà đi học. Tôi nghĩ mọi việc là sự tổng hòa từ nhiều phía”.

Cũng theo GV này, vào những lúc rảnh rỗi, thay vì đi khám phá nước bạn thì anh cũng bớt lại để có thời gian làm việc cho bản thân và hướng dẫn sinh viên, “vừa tránh được dịch bệnh, lại đỡ buồn”. “Trong quá trình dạy học online, mỗi lần phỏng vấn sinh viên, hay sinh viên hỏi bài bật mic webcam lên, nghe và nhìn thấy môi trường xung quanh cũng làm cho tôi hiểu được hoàn cảnh của sinh viên phần nào. Nhìn thấy nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn tập trung học hành, cũng cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hẳn”, anh tâm sự. 

Động lực “vượt sóng” từ nhiều phía

Bản thân nỗ lực, đồng nghiệp hỗ trợ hay gia đình ủng hộ là một chuyện, nhưng nếu không có sẵn đam mê học hỏi, nhiệt huyết cống hiến thì hẳn người thầy ấy cũng khó có thể cùng lúc hoàn thành tốt việc vừa học vừa dạy trong bối cảnh nhiều cái khó như hiện nay. 

Chia sẻ về tinh thần “học, học nữa, học mãi” này, quan điểm của thầy Sơn đó là dù bất cứ ai, dù làm ở lĩnh vực gì nhưng nếu muốn vươn lên trong sự nghiệp hay đơn giản là hoàn thiện bản thân thì đều cần phải học. “Thế giới này thay đổi rất nhanh với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Những gì kiến thức chúng ta biết, kỹ năng chúng ta đang thành thạo của ngày hôm nay cho công việc hiện tại, sớm muộn cũng sẽ trở nên lỗi thời. Việc học là một cách để mỗi người tự nắm bắt và để bản thân có cơ hội thay đổi kịp thời với tốc độ phát triển trong lĩnh vực của họ. Có thể đâu đó những người đi dạy thì nhu cầu học tập lại thể hiện rõ hơn vì họ đang làm việc với đối tượng là 'người đang học'. Người ta bảo học hành là chuyện cả đời chắc là không sai đâu. Cá nhân tôi thấy học cũng là một cách làm mới bản thân, tự cho mình một hy vọng để có cuộc sống tốt hơn”.

Chia sẻ về kinh nghiệm tự học, tự trau dồi và nâng cao trình độ chuyên môn, thầy Sơn cho biết việc tự học là muôn hình vạn trạng bởi mỗi người có một điều kiện sống, hoàn cảnh khác nhau. Do đó cách chúng ta tìm nguồn kiến thức, chọn lựa hình thức tiếp cận việc học cũng khác nhau. 

“Đối với một người hiện tại là trụ cột kinh tế của gia đình, lại thêm có con nhỏ như tôi, thì lại cần lựa chọn hình thức học tập tối ưu. Ví dụ ở FPT Edu có chương trình học tập thông qua nguồn MOOC, tôi cũng tham gia và thường tự chọn những khóa học gần với cái mình đang cần để học. Tôi phát hiện ra là học cùng với sinh viên, những người trẻ tuổi thì tốc độ học hỏi cũng được cải thiện đáng kể. Mỗi tuần tôi đều dành ra 2 - 5 buổi gặp mặt đối với các nhóm sinh viên đang làm nghiên cứu cùng trong phòng SAP-LAB FPT, cũng không nhớ là mỗi lần thầy trò cùng trao đổi, làm việc trong bao lâu, nói chung xong việc thì nghỉ thôi. Nắm bắt và điều hướng được công việc cả nhóm đang thực hiện cũng là áp lực đòi hỏi mình phải tìm hiểu ít nhất là đủ nhiều để không mất đi sức hấp dẫn khi làm việc với các bạn. Cuối cùng, duy trì các mối quan hệ với những người bạn đang làm việc ngoài doanh nghiệp cũng là nguồn kiến thức quan trọng, ngoài chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bức tranh cuộc đời/ nghề thì thi thoảng hợp tác cũng hay, cũng học được nhiều”, anh Sơn nói.

Người thầy càng học hỏi được nhiều thì càng có thêm tư liệu để phục vụ công tác giảng dạy. Trò cũng nhìn theo gương thầy để nuôi dưỡng tinh thần tự học, tự nghiên cứu và phát triển bản thân. Thầy Sơn bật mí, quá trình dạy học với anh bao gồm 2 phần: chuyên môn và sư phạm. Phần sư phạm càng dạy nhiều thì càng cải thiện được, nhưng phần chuyên môn mà không được mài giũa thì tới một lúc nào đó sẽ không còn đủ sắc bén để thích ứng với sự phát triển của thời cuộc nữa. 

Bởi vậy mới có chuyện người thầy không quản ngại vượt khó, vừa dẫn dắt sinh viên, vừa vượt Covid-19 để đi học nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy thêm những trải nghiệm mới để áp dụng vào công tác giảng dạy. Thế nhưng khi ai đó bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những nỗ lực vượt trội ấy, thầy giáo của ĐH FPT Hà Nội vẫn khiêm nhường cười bảo mình còn cần phải cố gắng hơn nhiều. 

Chưa vội nói đến những thành tích, khen thưởng đạt được nhưng chỉ riêng việc không ngừng nghiên cứu cùng sinh viên, đồng nghiệp; vượt qua những khó khăn do tình hình dịch bệnh để đi học ở nước ngoài, nâng cao trình độ, kỹ năng của anh Ngô Tùng Sơn cũng là một câu chuyện truyền cảm hứng tích cực. Bởi, suy cho cùng, thước đo thành công trong một bối cảnh đặc biệt như năm 2021, đôi khi chính là sự vượt trội của một thế giới quan mới có được từ việc “không ngừng đi học”. 

Linh Phương

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn
 

1249

Nhân vật