FPT Edu - Tin tức chung

Diễn giả Educamp 2022 “hiến kế” giáo dục cảm xúc gắn với mục tiêu phát triển bền vững

24/12/2022
Bùi Linh Phương
3583

Để tạo nên một môi trường học tập hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người (theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc - SDGs) thì giáo dục kiến thức phải luôn song hành với giáo dục cảm xúc, đào tạo chuyên môn gắn với phát triển đời sống tinh thần cho học sinh.

Quan điểm này đã được 3 GV FPT Edu là thầy Trương Văn Tiễn (FSchool Bắc Ninh), thầy Nguyễn Phi Hiền (FSchool Cần Thơ) và cô Kiều Thị Thu Chung (ĐH FPT TP. HCM) chia sẻ tại Hội thảo Educamp 2022, thông qua 3 bài nghiên cứu chuyên sâu cùng nhiều đề xuất sáng tạo và có tính ứng dụng thực tiễn.

Tăng cường giáo dục cảm xúc nơi trường học với mô hình SEL

Trình bày tại hội thảo Educamp 2022, thầy Trương Văn Tiễn  (GV FSchool Bắc Ninh) nhận định năng lực cảm xúc - xã hội (Social and Emotional Learning - SEL) là một phần không thể thiếu đối với sự phát triển của mỗi con người. Chính vì vậy, giáo dục cảm xúc-xã hội cho học sinh là một trong những cách giúp các em hoàn thiện bản thân trên cơ sở ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và thái độ vào thực tế, nhằm phát triển bản sắc cá nhận lành mạnh, quản lý cảm xúc và đạt được mục tiêu cá nhân, nhóm; cảm nhận và thể hiện sự thấu cảm với người khác; thiết lập và duy trì các mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, cũng như đưa ra những quyết định có tính trách nhiệm, thể hiện được sự quan tâm. Đồng thời sẽ hạn chế đi những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần mà học sinh có thể phải đối mặt.

Thầy Trương Văn Tiễn chia sẻ về giáo dục năng lực cảm xúc - xã hội tại FPT Educamp 2022.

Tuy nhiên, để có thể đưa giáo dục cảm xúc-xã hội một cách có hiệu quả và mamg lại lợi ích thiết thực cho giáo dục thì cần có những giải pháp cụ thể mang tính đồng bộ. Một số đề xuất giải pháp được thầy Tiễn đưa ra trong bài chia sẻ của mình như sau: lồng ghép giáo dục năng lực cảm xúc - xã hội vào các môn học như: Đạo đức, Tiếng Việt, Ngữ Văn, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý… biến tiết sinh hoạt lớp vào cuối tuần trở thành một tiết học tập năng lực cảm xúc - xã hội thông qua các trò chơi, hoạt động thay thế cho những tiết sinh hoạt lớp mang tính truyền thống...

Trong số những đề xuất nêu trên, nhiều ý tưởng đã và đang được hiện thực hóa tại FSchool Bắc Ninh và thu về những tín hiệu tích cực. Thầy Tiễn vui mừng chia sẻ với người tham dự FPT Edu Educamp về các chương trình giáo dục cảm xúc nổi bật của FSchool Bắc Ninh như: Sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề; Chương trình trải nghiệm 12 giá trị sống, Chương trình kết nối bàn tròn chia sẻ cho học sinh tiểu học, Hoạt động tuyên truyền, chia sẻ về phòng ngừa sức khỏe tâm thần học đường… Thầy Tiễn kỳ vọng những thành công bước đầu của FSchool Bắc Ninh trong việc áp dụng mô hình giáo dục cảm xúc SEL sẽ là tiền đề, động lực để các cơ sở đào tạo khác của FPT Edu có thể nghiên cứu phát triển cũng như ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp với đơn vị mình.

Xây dựng khung quy tắc ứng xử với bạn đồng trang lứa cho học sinh

Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng, phỏng vấn và bảng hỏi để khảo sát 255 học sinh tại FSchool Cần Thơ, thầy Nguyễn Phi Hiền đã thu được nhiều kết quả đáng quan tâm về thực trạng ứng xử của học sinh với bạn đồng trang lứa và các yếu tố ảnh hưởng đến ứng xử. Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn học sinh có kiến thức về các nội dung ứng xử, có thái độ tôn trọng, lịch sự và hành vi đúng đắn, phù hợp trong ứng xử với bạn đồng trang lứa. Học sinh có những ứng xử tích cực với bạn như giúp đỡ bạn bè, tôn trọng sự khác biệt giới, sử dụng ngôn từ giao tiếp phù hợp và lịch sự… Tuy nhiên, một số ít học sinh được khảo sát có những ứng xử tiêu cực ở mức độ thỉnh thoảng như bạo lực với bạn, kỳ thị và phân biệt đối xử, miệt thị ngoại hình, sờ mó, đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát chỉ ra rằng, phần lớn những ứng xử liên quan đến giao tiếp, biết giúp đỡ, lắng nghe bạn bè haytôn trọng sự khác biệt được học sinh lĩnh hội từ gia đình. Những ứng xử liên quan đến tình yêu tuổi học trò, LGBTQ+ và miệt thị ngoại hình được học sinh lĩnh hội nhiều nhất ở môi trường mạng xã hội, sau đó là nhà trường.

Thầy Nguyễn Phi Hiền (FSchool Cần Thơ).

Từ kết khảo sát và nghiên cứu, thầy Hiền cho rằng cần đưa ra một khung quy tắc ứng xử đồng trang lứa phù hợp với tình hình tại trường hiện nay. Những quy tắc này cần rõ ràng, khách quan, không chung chung khó hiểu. Tổ chức các hoạt động về tình bạn đẹp nói không với bạo lực và bắt nạt học đường, ứng xử trước sự đa dạng trong học đường hướng đến xây dựng một môi trường bình đẳng, tôn trọng và hội nhập. Hướng đến một môi trường học tập văn minh, tích cực, nơi học sinh đồng trang lứa ứng xử lịch sự, cảm thông và biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, đó cũng là một trong những nội dung mà mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục của Liên hợp quốc hướng tới.

Thay đổi cách nhìn, cảm xúc của SV với môn Triết học

Nhắc đến triết học là nhắc đến những triết lí hàn lâm, trừu tượng mà không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt được. Môn Triết học vì thế mà trở thành một trong những nỗi ám ảnh, nghe danh là đã lo "trượt môn", "thi lại" của sinh viên. Để chuyển hóa cảm xúc dè chừng, sợ hãi này thành động lực để vui học - học vui môn Triết, các thầy cô bộ môn này ở ĐH FPT TP. HCM đã sáng tạo nên hẳn một chương trình có tên Tuần lễ Triết học - Philosophy Talk, với 7 chuỗi seminar tính tới hiện tại, mỗi chuỗi kéo dài xuyên suốt 1 tuần với những chủ đề Triết học đa dạng khác nhau. Chia sẻ về phương pháp dạy và học Triết sáng tạo này tại Educamp, cô Kiều Thị Thu Chung (một trong 2 người xây những viên gạch đầu tiên cho Philosophy Talk) bày tỏ: "Sự ra đời của Philosophy Talk nhằm đưa Triết học đến gần hơn với sinh viên, thay đổi và mở rộng góc nhìn về Triết học, ứng dụng kiến thức triết học vào cuộc sống và góp phần vào hành trình tự học của sinh viên".

Thay đổi góc nhìn, cảm xúc của sinh viên với bộ môn Triết học là "trái ngọt" cho những nỗ lực của chị Chung (bên trái) và đồng nghiệp khi tổ chức Philosophy Talk.

Được biết, Philosophy Talk là nơi diễn ra những lớp học độc, lạ, với sinh viên làm diễn giả và thầy cô cùng các khách mời, người tham dự (CBGV, sinh viên trong trường, phụ huynh) làm giám khảo. Diễn giả sẽ có cơ hội thoải mái chia sẻ những chủ đề mà các bạn quan tâm dưới góc nhìn Triết học như: Bàn về Triết học trong truyện Kiều, bàn về cặp phạm trù nội dung - hình thức thông qua các tác phẩm âm nhạc, thơ ca...

Không khí tương tác cởi mở, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau ở Philosophy Talk đã khiến cho môn học này trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với sinh viên, các khái niệm cũng trở nên dễ hiểu, dễ nhớ hơn do được gắn với những chia sẻ và ví dụ minh họa cụ thể, giúp sinh viên có thể ứng dụng kiến thức đã học để giải thích và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. "Ví dụ như khi các bạn thần tượng, yêu thích một ai đó thì yếu tố về triết học sẽ giải thích vấn đề đó như thế nào? Hay khi các bạn đọc một quyển sách, các bạn sẽ thấy tinh thần triết học trong đó ra sao. Sau Tuần lễ Triết học, các bạn có thể nói về âm nhạc, phim ảnh hay bất cứ điều gì xung quanh mình dưới góc nhìn Triết học", cô Chung chia sẻ. 

Linh Phương

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

3583

Nhân vật