FPT Edu - Tin tức chung

HSSV FPT Edu “mở cửa hạnh phúc” nhờ tư vấn tâm lý học đường

31/10/2020
Nguyễn Huệ Anh
1487

“Con cảm ơn cô vì tất cả những gì cô đã làm cho con trong năm học qua nhưng buổi gặp mặt cuối cùng này có thể con không cần nữa, con đã có thể tự mình đứng lên và đối mặt với khó khăn rồi ạ. Một lần nữa con cảm ơn cô!”, đó là tâm sự của một bạn học sinh sau một thời gian tham gia tham vấn tâm lý cùng CB Tư vấn tâm lý HSSV Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy.

Tư vấn tâm lý học đường là một trong những hoạt động học cùng trải nghiệm của Tổ chức giáo dục FPT. Tại mỗi cơ sở, các cán bộ tư vấn tâm lý học sinh sinh viên đồng hành cùng các bạn trẻ “chữa lành” vết thương tâm lý, cải thiện môi trường học đường, nâng cao chất lượng giáo dục và giúp học sinh – sinh viên có định hướng tốt hơn trong tương lai.

Đương đầu với khó khăn, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình

Hơn một năm làm việc tại Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy, chị Phạm Thị Yến – CB Tư vấn tâm lý HSSV đã từng hỗ trợ rất nhiều bạn học sinh vượt qua “bóng đen” tâm lý. Được biết, đa số các bạn học sinh sẽ gặp biến động về mặt tâm lý khi bước vào độ tuổi vị thành niên như: áp lực học tập đè nén, các mối quan hệ với gia đình và bạn bè bị xáo trộn, băn khoăn về định hướng của bản thân và công việc trong tương lai hay chuyện tình cảm với bạn khác giới,… Nếu người lớn không nắm bắt và có định hướng đúng đắn thì sẽ khiến các bạn nhỏ gặp phải những tình huống đáng tiếc.

“Từng có một bạn học sinh THCS đến gặp mình trong tình trạng cực kỳ tiêu cực, luôn có suy nghĩ muốn tự tử vì bị bắt nạt trong suốt thời gian học Tiểu học và không chia sẻ với gia đình vì nghĩ có thể tự giải quyết được vấn đề này. Lúc đó, mình chỉ làm một điều rất nhỏ thôi nhưng lại có tác động rất lớn, đó chính là lắng nghe cùng với tham vấn tạo động lực để bạn ấy nhận ra mình không đơn độc và có đủ năng lực để vượt qua khó khăn này”, chị Yến chia sẻ.

Các bạn học sinh có thể gửi thư hoặc “hẹn hò bí mật” với cô Yến tại phòng 111 – Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc bảo mật và quyền được tôn trọng

Bên cạnh việc tư vấn cho học sinh, chị Yến cũng liên hệ với gia đình để tìm hiểu gốc rễ vấn đề và có sự phối hợp giữa hai bên để điều chỉnh tâm lý cho học sinh. Sau một thời gian được bố quan tâm nhiều hơn, được mẹ lắng nghe và cùng giải tỏa cảm xúc mỗi ngày cũng như bố trí lại lịch sinh hoạt, bạn học sinh này đã phản hồi lại với chị Yến rằng “Con đã ổn rồi!”.

“Trong quá trình tham vấn, mình sẽ là người đồng hành và lắng nghe, tôn trọng chia sẻ của các bạn học sinh dưới góc độ của một nhà chuyên môn. Nhưng sau cùng, các bạn ấy mới chính là người thực sự hành động để tạo ra sự thay đổi. Một tiến trình hỗ trợ tâm lý thành công là khi học sinh có thể tự mình giải quyết vấn đề mà không cần đến sự hỗ trợ từ các CB tư vấn tâm lý”, chị Yến cho biết.

Các vấn đề cũ có thể vẫn quay trở lại hoặc các vấn đề mới sẽ tiếp tục nảy sinh nhưng chị Yến hay các CB tư vấn tâm lý khác tại Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy vẫn sẽ tiếp tục sát cách bên học sinh. Để rồi khi nhìn lại một chặng đường, các bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn so với mình của trước kia và dần dần trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Giúp học sinh giải quyết được những vấn đề tâm lý, lấy lại cân bằng trong cuộc sống và học tập là mục đích của phòng Tư vấn tâm lý HSSV Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy

Gỡ rối mối quan hệ học đường qua từng ca tư vấn

Nhiều người cho rằng, sinh viên là đối tượng trưởng thành nên không cần đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Nhưng khi bước vào môi trường đại học cũng như lần đầu tiên phải xa gia đình, nhiều bạn sinh viên có thể sẽ không biết cách sắp xếp thời gian biểu cá nhân hợp lý; cảm thấy mình không tự tin với bạn bè đồng trang lứa; mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên chưa được gần gũi, mâu thuẫn tăng cao ảnh hưởng đến vấn đề học tập,… Đó là lúc những sinh viên này cần gặp tìm tới CB Tư vấn tâm lý HSSV.

Anh Nguyễn Tâm Phương Vũ – CB Tư vấn tâm lý HSSV tại Trường Đại học FPT TP.HCM cho biết: “Có trường hợp sinh viên vì phải ghép nhóm học tập với các bạn học giỏi hơn mà cùng lúc phải chịu 3 áp lực: bị các bạn học giỏi khó chịu vì làm thành tích nhóm đi xuống, bị các bạn ở lớp để ý vì học lại 2 lần, tự cho rằng bản thân mình yếu kém.

Trong suốt quá trình tư vấn, mình đã hỗ trợ bằng cách tiếp cận dựa trên hệ thống theo Tâm lý học đường và cách tiếp cận dựa trên điểm mạnh theo lý thuyết của Tâm lý học Tích cực, tìm ra điểm mạnh để bạn tự tin vào bản thân, tác động tới giảng viên và sinh viên khác để cùng hỗ trợ sinh viên này. Sau vài ca tư vấn, bạn ấy đã tự tin hơn, lên lớp đều đặn hơn và thành tích học tập cũng tốt hơn”.

Các bạn sinh viên được giúp đỡ và đồng hành trong suốt khoảng thời gian học tập

Cũng theo anh Vũ, do mỗi thế hệ sinh viên, mỗi cá nhân lại có điểm khác biệt về tâm lý, tính cách và cách phản ứng với xã hội nên phòng Tư vấn tâm lý học sinh – sinh viên sẽ xây dựng các nội dung tư vấn và lựa chọn phương pháp phù hợp với từng nhóm sinh viên. Quá trình hỗ trợ cho 1 sinh viên có thể kéo dài nhiều ca, trong nhiều tuần/tháng với thời lượng 90 phút/ca tư vấn và toàn bộ thông tin chia sẻ đều được ký cam kết bảo mật. 

Các cán bộ tư vấn của FPT Education tại các đơn vị không chỉ là những chuyên gia tâm lý mà còn là người chỉ bảo, góp phần định hướng tương lai cho các thế hệ học sinh – sinh viên. Dù không trực tiếp đứng trên bục giảng, nhưng những cán bộ này được học sinh, sinh viên coi như những người bạn lớn, những người thầy giúp “gỡ rối” các vấn đề tâm lý. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã tới gần, các bạn học sinh – sinh viên áo cam đều dành tình cảm và sự tri ân sâu sác tới các  cán bộ tư vấn và đó cũng là dịp mà các bạn chợt nhận ra: một lời cảm ơn là không bao giờ đủ.

Huệ Anh

1487

Nhân vật