Thầy cô tiết lộ toàn bộ bẫy dễ mắc khi thiết kế logo
Các thầy cô đánh giá những designers ít kinh nghiệm thực chiến hầu như đều mắc phải một trong các lỗi sai cơ bản dưới đây. Hãy "xa lánh" những lỗi sai này để tìm ra hướng đi đúng cho bài dự thi "Logo hay, 10 triệu về tay" các bạn nhé.
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, giảng viên Thiết kế đồ hoạ, ĐH FPT Cần Thơ, để thiết kế một logo thành công, trước tiên các học sinh sinh viên cần phải nắm được những giá trị cốt lõi đại diện cho thương hiệu và xác định được điều quan trọng nhất mà thương hiệu muốn truyền tải tới đối tượng mục tiêu. Đừng bắt người xem phải phân tích quá nhiều để hiểu được nội dung, ý nghĩa logo. Đồng thời, nên tránh các lỗi cơ bản sau đây:
Thiết kế rườm rà, phức tạp
Khi kể chuyện bằng hình ảnh, một trong những lỗi sai mà các học sinh sinh viên hay gặp phải là minh hoạ quá dài dòng, rườm rà. Nhiều trường hợp vì "tham" ý tưởng mà đưa quá nhiều chi tiết vào thiết kế. Lỗi này gây ảnh hưởng đến việc in ấn và gây khó khăn khi chọn chất liệu cho sản phẩm. Ngoài ra, khi in logo ở kích cỡ nhỏ, những chi tiết phức tạp có thể biến mất hoặc mất dạng khi nhìn xa.
Sao chép, dùng hình ảnh có sẵn
Lỗi này rất hay gặp ở những thiết kế mới vào nghề và các học sinh sinh viên chưa nắm rõ quyền tác giả trong thiết kế. Do lười tư duy, sáng tạo nên một số newbie thường sử dụng các kho dữ liệu hình ảnh có sẵn trên mạng. Việc sao chép này khiến sản phẩm logo "na ná" với các mẫu logo của thương hiệu nổi tiếng, không có phong cách cá nhân.
Thiết kế cần có hiểu biết chuyên môn cũng như đảm bảo được tính nguyên tác độc quyền. Vì vậy, để tôn trọng thiết kế của các cá nhân khác và phát triển phong cách thiết kế của riêng mình, cô Tuyền khuyên các học sinh sinh viên nên tránh xa lỗi này ngay từ khi bước chân vào nghề.
Ý tưởng quá thật thà, hoặc quá mộng mơ
Hẳn là các thí sinh của cuộc thi "Logo hay, 10 triệu về tay" đều thắc mắc ý tưởng như thế nào sẽ được thầy cô đánh giá là một ý tưởng tốt? Theo thầy Võ Thành Thiên, chủ nhiệm bộ môn Thiết kế đồ hoạ, ĐH FPT Đà Nẵng, khi chọn ý tưởng các thí sinh nên tránh hai lỗi sai cơ bản như sau:
Thứ nhất, nghĩ gì thể hiện đó, có bao nhiêu ý "thật thà" thể hiện bấy nhiêu. Cách này sẽ dẫn thí sinh quay về với lỗi thiết kế rườm rà mà cô Tuyền đề cập trước đó.
Thứ hai là, nhiều học sinh sinh viên quá mộng mơ, bay cao bay xa trong khâu ý tưởng nên cũng dễ... bay ra khỏi yêu cầu của đề bài.
Không tuân thủ quy tắc thiết kế, không có mục đích rõ ràng
Khi thí sinh đã có ý tưởng và bắt tay vào thiết kế, theo cô Phan Mai Chi, giảng viên Thiết kế đồ hoạ ĐH FPT TP. Hồ Chí Minh, ở khâu này các học sinh sinh viên có thể "sa lưới" rất nhiều lỗi cơ bản.
Thông thường, các bạn học sinh sinh viên thường thiết kế logo dựa trên đường nét mà quên đi yếu tố hình mảng. Cô Mai Chi nhắc nhở các thí sinh của "Logo hay, 10 triệu về tay" không nên bỏ qua tầm quan trọng của tạo hình.
Bên cạnh đó, những khoảng trống được tạo ra bởi các tạo hình cũng là một yếu tố quan trọng mang lại tổng thể thống nhất, hài hoà cho logo. Cô Mai Chi cho rằng, đôi khi xử lý những khoảng trống để chúng có ý nghĩa và truyền đạt được thông tin còn khó hơn vẽ hình.
Ngoài ra, các yếu tố như font chữ, tỉ lệ logo và màu sắc đều là những yếu tố quyết định thành bại của một thiết kế.
Không chạy theo xu hướng
Xu hướng thiết kế logo hiện nay ngày càng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, một logo đẹp không nhất thiết phải đi theo xu hướng. Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Ngân, giảng viên Thiết kế đồ hoạ, ĐH FPT Cần Thơ, một logo đẹp cần phải có khả năng bước cùng năm tháng. Vì thế, chỉ cần tập trung thiết kế logo sao cho dễ nhìn, dễ nhớ, có tính logic. Nếu có thêm yếu tố độc đáo và sáng tạo thì logo sẽ được đánh giá cao.
Trần Mai
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn