Ứng dụng AI trong kinh doanh, sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội tạo giải pháp mới cho thị trường
Từ mong muốn bảo tồn di sản lịch sử, cải tiến trải nghiệm kho vận đến “gỡ rối” chuyện cưới hỏi bằng công nghệ, sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội đã đưa AI vào đề tài tốt nghiệp và nhận được đánh giá tích cực từ Hội đồng.
Yêu nước theo cách gen Z: Công nghệ kết nối di sản
“Viết tiếp câu chuyện hoà bình trong thời đại 4.0” là tinh thần mà nhóm sinh viên Bích Phượng, Hải Yến, Mạnh Cường, Đức Kiên, Minh Quân (ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH FPT Hà Nội) mang theo khi xây dựng ứng dụng “VietTrace – Hành trình di sản Việt”.

Không giống các nền tảng du lịch phổ biến như Klook, Traveloka hay một số dự án AR tại bảo tàng, VietTrace tập trung vào giáo dục trải nghiệm và bảo tồn giá trị văn hoá, giúp người dùng hiểu và tự hào về bản sắc dân tộc, giúp giá trị lịch sử không bị lãng quên mà được tái sinh theo cách phù hợp với cuộc sống hôm nay.
Cụ thể, VietTrace được trang bị tính năng AI, cho phép người dùng tra cứu thông tin cổ vật, hiện vật tại điểm đến; nghe kể chuyện lịch sử sinh động từ AI; cũng như cá nhân hóa hành trình du lịch theo sở thích, thời gian và ngân sách. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang bước qua các dấu mốc lịch sử quan trọng, dự án càng trở nên có ý nghĩa bởi khả năng kết nối cộng đồng với các giá trị truyền thống của dân tộc.

Bằng cách thể hiện độc đáo, hiện đại nhưng vẫn đậm chất Việt Nam, nhóm sinh viên đã định nghĩa lòng yêu nước bằng cách phát huy tinh thần dân tộc thông qua sản phẩm công nghệ hiện đại, góp phần quảng bá về một Việt Nam đổi mới, sáng tạo và giàu bản sắc.
Trải nghiệm thực tế kho cảng nhờ công nghệ thực tế ảo
Tại nhiều doanh nghiệp logistics, mỗi năm tiếp đón tới trăm lượt tham quan từ sinh viên đi thực tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tổ chức tour cũng thuận lợi và hiệu quả, nhất là với khách ở xa hoặc nhóm lớn. Vì vậy, dự án “Tour trải nghiệm doanh nghiệp thông qua công nghệ thực tế ảo (LogiVR)” ra đời đã giúp sinh viên tiếp cận quy trình vận hành kho bãi, nhà máy, trung tâm phân phối, cảng biển… một cách chân thực và tiện lợi.

Bên cạnh trải nghiệm hình ảnh 360 độ, LogiVR tích hợp các yếu tố tương tác, thông tin thời gian thực và trải nghiệm mang tính giáo dục, đào tạo chuyên sâu. Nhờ đó, sinh viên được tiếp cận hoạt động thực tiễn của ngành một cách dễ dàng; đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng hiệu quả truyền thông thương hiệu.
Dự án được phát triển thành mô hình khởi nghiệp bài bản với đầy đủ phân tích thị trường, chiến lược truyền thông – tài chính – rủi ro, mô hình kinh doanh, 7P marketing… Nhóm đã thử nghiệm các gói trải nghiệm VR tại trường đại học, thu thập phản hồi người dùng và điều chỉnh sản phẩm theo hướng tối ưu.

Có thể thấy rằng, dự án là minh chứng cho khả năng đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với nhu cầu doanh nghiệp của Trường ĐH FPT. Đồng thời góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên.
“Gỡ rối” tiền hôn nhân nhờ ứng dụng AI
Giữa hàng trăm lựa chọn dịch vụ, việc chuẩn bị cho ngày cưới khiến nhiều cặp đôi trở nên căng thẳng và nảy sinh mâu thuẫn. Xuất phát từ chính nhu cầu đó, Félie Wedding – nền tảng ứng dụng AI để cá nhân hóa kế hoạch cưới cho người dùng đã ra đời.
Félie Wedding được thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam, đáp ứng đặc thù văn hóa, tài chính và thói quen tiêu dùng trong nước. Với giao diện thân thiện và logic sử dụng đơn giản, nền tảng giúp các cặp đôi xây dựng kế hoạch cưới phù hợp với sở thích, ngân sách, lịch trình cá nhân; hỗ trợ ra quyết định, gợi ý dịch vụ phù hợp thay vì lạc trong “mê cung” lựa chọn; đồng thời kết nối nhanh chóng với hệ sinh thái nhà cung cấp như nhà hàng, studio ảnh, tổ chức sự kiện tiệc cưới…

Theo đại diện nhóm, Félie Wedding tập trung hướng đến nhóm khách hàng cá nhân, nhưng đồng thời mở ra tiềm năng hợp tác với các doanh nghiệp dịch vụ cưới thông qua mô hình sàn. Đây là điểm khác biệt so với nhiều đề tài công nghệ khác: sản phẩm không gói gọn trong phạm vi ý tưởng mà có chiến lược vận hành và mô hình kinh doanh rõ ràng.
Trong đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Spring 2025, sinh viên Trường ĐH FPT Hà Nội đã tích cực ứng dụng AI để kiến tạo các giải pháp thực tiễn từ giáo dục, kinh tế đến đời sống cá nhân. Đây là một điểm nhấn nổi bật, thể hiện việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ trong đào tạo, học tập của nhà trường và sinh viên.
Từ ngày 28/4 đến 13/5/2025, sinh viên Trường Đại học FPT sẽ bắt đầu tham gia đợt bảo vệ tốt nghiệp học kỳ Fall 2024 tại Hà Nội, phân hiệu tại TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Quy Nhơn. Đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Spring 2025 ghi nhận nhiều đề tài đa dạng, hướng tới các lĩnh vực trong đời sống. Trong đó đáng chú là các đề tài phát triển, ứng dụng AI. Theo dõi thêm thông tin về đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Spring 2025 tại website: https://fpt.edu.vn/ |
Huệ Anh
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn