Trải nghiệm FPT Edu

TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO TỪ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA

26/04/2021
seo
8279

Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa ngày càng được nhiều trường học ứng dụng bởi tính thiết thực mà nó đem lại. Hãy cùng tìm hiểu 5 hoạt động sáng tạo dưới đây để nắm rõ vì sao phương pháp giáo dục này lại được cả thế giới và Việt Nam ưa chuộng.

Xem thêm:

1.Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa là gì?

Trải nghiệm sáng tạo không phải một môn học mà là hoạt động giáo dục. Học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động trong đời sống gia đình, nhà trường và xã hội với tư cách là chủ thể dưới sự hướng dẫn của giáo viên. 

Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa là chương trình thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của học sinh. Các em tự khám phá tri thức, tích lũy các kỹ năng sống cần thiết cho bản thân như kỹ năng kết nối, quan sát – tổng hợp – phân tích vấn đề, xử lý tình huống,…

Trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh rèn luyện nhiều kỹ năng có ích cho cuộc sống.

2. Vai trò của trải nghiệm sáng tạo từ các hoạt động ngoại khóa

Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh. Ngoài ra, hoạt động này còn có vai trò cốt yếu quyết định chất lượng giáo dục trong nhà trường. 

Đối với thể chất, trí tuệ của học sinh

Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa là môi trường để học sinh lĩnh hội kiến thức, kỹ năng mới hoặc tiếp cận vấn đề cũ dưới góc nhìn độc đáo hơn. Việc này góp phần thúc đẩy sự trưởng thành về trí tuệ, tư duy và cách nhìn nhận cuộc sống của các em ở hiện tại.

Hoạt động này cũng thường đòi hỏi học sinh vận động nên có tác dụng tích cực đến phát triển thể chất mỗi em. Nói cách khác, trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa đóng vai trò hỗ trợ cải thiện, nâng cao sức khỏe của các bạn. 

Kinh nghiệm thực tế có được từ những hoạt động trải nghiệm sẽ là hành trang cho các bạn học sinh tự tin bước vào tương lai. Càng trải nghiệm nhiều, hành trang của các em càng phong phú. Nhờ đó, học sinh có thể chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích nghi với các tình huống cuộc sống trong tương lai xa. 

Quan trọng hơn, kinh nghiệm đó là nền tảng để các em trưởng thành hơn nữa khi bước vào đời. Dù làm ngành nghề nào, lĩnh vực nào, học sinh cũng có thể hoàn thành tốt công việc của mình nhờ vào những kỹ năng đã rèn dũa từ trải nghiệm sáng tạo. 

Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa đóng vai trò tích cực trong sự phát triển toàn diện về năng lực và tinh thần cho học sinh.

Đối với hoạt động dạy và học ở nhà trường

Trải nghiệm sáng tạo giúp hoạt động dạy và học trong trường hấp dẫn, mới mẻ hơn. Ở hiện tại và tương lai gần, những giờ học trải nghiệm này thu hút học sinh, giúp chương trình học triển khai thuận lợi. Giáo viên cũng hào hứng khi được làm mới giáo án, đổi mới cách dạy học. 

Về lâu dài, triển khai trải nghiệm sáng tạo sẽ giúp hình thành một phương thức mới trong đào tạo. Áp dụng ở nhiều môn học, việc làm này góp phần đổi mới cả chương trình giáo dục trên quy mô lớn. 

3. Lợi ích của trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa

Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa mang lại lợi ích thiết thực trong việc lĩnh hội và ứng dụng kiến thức của học sinh, cụ thể như sau.

Giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn

Các hoạt động trải nghiệm như thi vẽ tranh, thi làm thơ, tham quan dã ngoại,... gần gũi với hoạt động trong đời sống, lại lồng ghép được bài học, giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn. Các bạn không còn thấy nhàm chán mà sẽ chủ động tìm hiểu, từ đó, ghi nhớ kiến thức lâu, hiệu quả hơn. 

Giúp học sinh thực hành kiến thức thuần thục hơn

Được tự nghiên cứu, tìm hiểu, thực hành trong những giờ học ngoại khóa giúp học sinh vận dụng kiến thức tốt hơn. Thực hành thường xuyên cũng tăng khả năng chủ động, sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm của các bạn.

Với trải nghiệm sáng tạo, kiến thức mà các bạn học sinh tiếp thu được sẽ không nằm yên trên sách vở. Các em sẽ sử dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống, nhiệm vụ thực tế, chẳng hạn như thực hiện thí nghiệm Hóa học, Vật lý, khảo sát địa lý,...

Học sinh học trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa có khả năng thực hành, vận dụng kiến thức tốt hơn.

Giúp giờ học trở nên thú vị, hấp dẫn

Học qua trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa như thực hành nói, thi tài tranh biện, trò chơi, dã ngoại,... giúp học sinh thoải mái, hào hứng hơn. 

Cách làm này giúp giảm áp lực thầy đọc – trò chép như cách truyền thống. Thay vào đó, học sinh được trao quyền chủ động trong giờ học. Các bạn không còn tham gia tiết học với tâm lý đối phó, chán nản mà nhìn nhận đó là cơ hội để thể hiện bản thân. 

4. Các hình thức tổ chức trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa 

Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa được xây dựng phù hợp với từng độ tuổi, từng cấp học và diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. 

4.1. Hình thức có tính khám phá

Thực địa, thực tế, tham quan, dã ngoại, cắm trại,… là hình thức tổ chức trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa có tính khám phá, hấp dẫn đối với học sinh. 

Học sinh được tổ chức thành nhóm hoặc lớp, di chuyển tới địa điểm tham quan dã ngoại. Tại đây, các em được thực hành hoạt động hoặc được giới thiệu thông tin văn hóa, lịch sử, gắn với các kiến thức phù hợp với độ tuổi, chương trình học. 

Ví dụ điển hình cho hình thức trải nghiệm mang tính khám phá là chương trình “Tớ làm nông dân”. Đây là chương trình trải nghiệm sáng tạo thú vị dành cho học sinh khối 3, 4, 5 của trường Tiểu học Khai Minh, TP Hồ Chí Minh. 

Các bạn học sinh phấn khích vì được thỏa sức khám phá những điều mới mẻ về nông nghiệp qua chương trình “Tớ làm nông dân”.

Đến với nông trại Happy Farm, các bạn được mặc áo bà ba và thực hiện các hoạt động đúng chất nông dân thứ thiệt như gieo mạ, đi cầu khỉ, chèo xuồng, làm xà phòng thiên nhiên, thu hoạch khoai mì và làm bánh khoai mì, tìm hiểu về cách thức trồng cây theo phương pháp Aquaponics (trồng cây không dùng đất).

Chương trình này tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với những công việc thường ngày của người nông dân. Qua đó, các em có thêm hiểu biết về một nghề nghiệp phổ biến trong xã hội. Học sinh cũng sẽ có thêm kiến thức về khoa học xã hội, địa lý nhờ trải nghiệm thực hành này.

4.2. Hình thức có tính triển khai

Các hình thức tổ chức trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa có tính triển khai như dự án nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học – kỹ thuật, hội thảo, câu lạc bộ,… được ứng dụng phổ biến tại các cấp học tại Việt Nam.

Không chỉ đứng ra thành lập các câu lạc bộ, nhiều trường học khuyến khích học sinh – sinh viên chủ động xây dựng các sân chơi riêng. Thậm chí, một số trường học trải nghiệm còn đầu tư kinh phí để các bạn tổ chức sự kiện, hoạt động quy mô toàn trường, toàn thành phố. Một trong số đó là CLB Margroup (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh).

CLB Margroup tổ chức các sự kiện để sinh viên có cơ hội học hỏi quy trình tổ chức, cách vận hành sự kiện,…

Với 24 năm thành lập và phát triển, mỗi năm, Margroup tổ chức 10 chương trình khác nhau để sinh viên có điều kiện thực tập, quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp. 

Gia nhập CLB, sinh viên được thử sức ở nhiều mảng như: truyền thông, nhân sự, sự kiện, nghiên cứu và phát triển, kết nối,... Tham gia CLB giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ, hình thành và hoàn thiện các kỹ năng quan trọng để phát triển công việc sau này.

Bên cạnh đó, các cuộc thi nghiên cứu – sáng tạo khoa học cũng phổ biến tại các cấp học. Thầy cô đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ để người học hiện thực hóa ý tưởng của bản thân. Thông qua các cuộc thi như vậy, mỗi học sinh đều phát triển bộ kỹ năng, phẩm chất cần thiết như tư duy sáng tạo, tính kiên trì, nhẫn nại, khả năng đối mặt và đứng lên sau thất bại,…

Các cuộc thi khoa học – kỹ thuật kích thích phát triển tư duy sáng tạo và những phẩm chất quan trọng như nỗ lực, bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại,… cho học sinh, sinh viên.

4.3. Hình thức các hội thi, cuộc thi

Học sinh, sinh viên hiện nay được đánh giá cao bởi tính cách năng động. Không bó hẹp hoạt động trải nghiệm trong khuôn khổ giờ học, các bạn còn tích cực tham gia hội thi, cuộc thi kiến thức khoa học hàn lâm hoặc năng khiếu như hùng biện, kể chuyện, thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật, tiểu phẩm hài, nhiếp ảnh,…

Ở hình thức này, bên cạnh việc thể hiện năng khiếu cá nhân và kiến thức của bản thân, học sinh – sinh viên còn nhận được những lợi ích như:

Rèn luyện kỹ năng

Những kỹ năng tích lũy được từ các cuộc thi hoàn toàn có thể bổ trợ cho công việc sau này. Ví dụ, nếu học sinh thích làm MC, hãy tìm cuộc thi liên quan đến thuyết trình, hùng biện, dẫn chương trình. Nếu bạn trẻ thích công việc Sales/Marketing, hãy thử thách bản thân mình qua các cuộc thi đòi hỏi khả năng lập chiến lược, kế hoạch.

Trong quá trình thi, học sinh, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc nhóm, thảo luận, lập chiến lược, kế hoạch, tăng khả năng chịu áp lực cao về thời gian, trao dồi kỹ năng giải quyết vấn đề trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” của cuộc thi.

Tham gia cuộc thi giúp học sinh, sinh viên tích lũy những kỹ năng quan trọng mà trường học không thể trang bị đầy đủ.

Làm nổi bật CV

Các cuộc thi là cơ hội tốt để học sinh, sinh viên thu thập thành tích và kinh nghiệm đánh dấu sự trưởng thành của bản thân để đưa vào CV xin việc sau này. Đứng trước nhà tuyển dụng trong tương lai, hãy tự hào kể lại những kỷ niệm khó phai, những bài học đáng giá mà bạn góp nhặt được qua cuộc thi.

Gặp gỡ người tài

Trong cuộc thi, các thí sinh không chỉ là đối thủ trên đấu trường mà còn là những nhân tố sáng giá, tài năng, nhiệt huyết,… để học sinh, sinh viên kết bạn và học hỏi. 

Hơn nữa, với mỗi cuộc thi, các bạn sẽ có cơ hội làm quen với giám khảo, huấn luyện viên - những người sẽ chia sẻ trải nghiệm, kinh nghiệm của họ để học sinh học hỏi. Đây chính là những mối quan hệ có ích cho bạn trẻ, mở ra cơ hội hợp tác, làm việc với người thành đạt.

Gặp gỡ, thiết lập mối quan hệ với những người tài giỏi giúp bạn trẻ có thêm cơ hội học hỏi kiến thức, kinh nghiệm làm việc

4.4. Hình thức có tính trình diễn

Nếu học sinh, sinh viên muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp, phản biện và ứng biến linh hoạt một cách nhanh chóng, đừng ngại tham gia các diễn đàn, buổi giao lưu – đối thoại trực tiếp hoặc các trò chơi. 

Tại đây, giáo viên sẽ đóng vai trò là người lập kế hoạch và tư vấn cách tổ chức hoạt động. Học sinh – sinh viên sẽ đảm nhận nhiệm vụ trọng tâm là triển khai và đảm bảo nhịp độ, diễn biến của hoạt động đó đúng với mục tiêu đề ra.

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tự tay tổ chức từ A – Z buổi giao lưu trực tuyến với rapper Gừng. 

Chẳng hạn, với hoạt động Tổ chức Talkshow trực tuyến trên báo mạng điện tử của trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sinh viên sẽ làm chủ toàn bộ quy trình. 

Các nhóm cùng nhau lập kế hoạch chung, phân bổ nhân sự, lên danh sách khách mời, thiết kế ấn phẩm truyền thông và phủ sóng chương trình trên quy mô toàn trường,… Trong buổi talkshow, sinh viên sẽ phải trực tiếp xử lý các tình huống phát sinh như khách mời tương tác kém, khán giả quá khích, lỗi đường truyền internet,…

 Qua đó, mỗi sinh viên báo chí không chỉ nâng cao năng lực nghề nghiệp mà còn hình thành các kỹ năng cần thiết. Đó là kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, chia sẻ quan điểm, phỏng vấn,... - yếu tố quan trọng cho cuộc sống và công việc sau này dù theo đuổi nghề báo hay không.

4.5. Hình thức có tính cống hiến, tuân thủ

Mỗi hoạt động diễn ra trong cuộc sống đều mang lại bài học nhất định. Bởi vậy, những việc nhỏ bé như vệ sinh nhà cửa, vệ sinh trường lớp, tham gia tình nguyện trồng cây xanh,… cũng đem đến trải nghiệm sáng tạo cho học sinh – sinh viên.

Việc chủ động tham gia và lập phương án vệ sinh nhà cửa, trường lớp, trồng cây… thể hiện tinh thần tự giác của học sinh. Tinh thần này góp phần tạo nên nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ và ý thức góp phần xây dựng gia đình, xã hội tốt đẹp hơn.

Những buổi vệ sinh khu vực công cộng giúp học sinh thấy được ý nghĩa của công việc lao động hàng ngày và có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung. 

Mỗi mùa hè đến, Trường Tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn (Hà Nội) lại tổ chức hoạt động ngoại khóa để học sinh trải nghiệm sáng tạo. Vừa qua, các bạn học sinh lớp 5A10 đã có dịp ghé thăm chùa Đại An làm công tác dọn dẹp vệ sinh. 

Trước buổi lao động, các bạn được thầy cô đưa vào chào sư thầy, thắp hương và làm lễ tại các ban trong chùa. Sau đó, từng nhóm bắt tay ngay vào công việc quét dọn sân vườn, nhặt lá và lau chùi bàn ghế, cánh cửa và các đồ gỗ khác trong chùa. 

Hoạt động này giúp các bạn rèn tinh thần lao động, sự chủ động. Đồng thời, những bài học đạo đức, giáo dục công dân trong sách vở qua đây cũng được thực tế hóa để học sinh hiểu rõ hơn về giá trị và đức tính mà mỗi người cần có.

4.6. Trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa tại FPT Edu

Tại trường học trải nghiệm FPT Edu, các hoạt động ngoại khóa được chú trọng thực hiện nhằm mang lại môi trường học tập năng động nhất cho học sinh, sinh viên trải nghiệm sáng tạo. Trong đó, có thể kể tới các trải nghiệm điển hình như:

Sinh hoạt câu lạc bộ

Mỗi cấp học tại FPT Edu đều có những câu lạc bộ được xây dựng phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu của người học. ĐH FPT thuộc FPT Edu là một trong số trường học nổi bật với hơn 20 CLB từ học thuật, hàn lâm đến ca hát, nhảy múa, từ dẫn chương trình đến các hoạt động thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá,... 

Mỗi CLB giúp các bạn tân sinh viên phát triển đam mê và tô điểm những sắc màu rực rỡ của tuổi thanh xuân.

Khi tham gia CLB, học sinh, sinh viên có điều kiện trải nghiệm nhiều hoạt động tập thể, gặp gỡ bạn bè, học hỏi nhiều kiến thức xã hội. Ví dụ, khi tham gia CLB Vì cộng đồng IGo, sinh viên FPT Edu được mang sức trẻ đi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên mọi miền Tổ quốc. 

Các chương trình tình nguyện tại trại trẻ mồ côi, hoạt động gây quỹ của các tổ chức phi chính phủ hay việc kết hợp với các đơn vị, nhà trường tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo,… giúp IGo lan tỏa tình yêu thương đến nhiều ngõ ngách hơn.

Các thành viên CLB Vì cộng đồng Igo lan tỏa yêu thương tới mọi miền tổ quốc. 

FTIC là một CLB về học thuật về bộ môn nhạc cụ dân tộc được thầy cô và các bạn sinh viên ĐH FPT yêu mến. Đây là nơi các bạn sinh viên thỏa mãn niềm đam mê với đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc. 

Những màn biểu diễn, hòa tấu nhạc cụ đặc sắc của FTIC cho các sự kiện đã góp phần tôn vinh văn hóa Việt Nam. Đồng thời, hoạt động này cũng giúp thành viên FTIC có cơ hội tham gia các chương trình giao lưu văn hóa khu vực và thế giới.

FTIC là một trong số những CLB mang tới trải nghiệm sáng tạo được các thầy cô và sinh viên ĐH FPT yêu thích. 

Tham gia chuỗi cuộc thi hoành tráng

“Chỉ sợ bạn không đủ sức chứ không sợ FPT Edu thiếu cuộc thi để tham gia” – đó là niềm tự hào mỗi khi sinh viên FPT Edu nhắc về tổ chức giáo dục của mình. Xuyên suốt năm học, học sinh và sinh viên có thể thử sức ở các cuộc thi thuộc lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ,… 

Bước ra từ cuộc thi khởi nghiệp FPT Edu Biz Talent, sinh viên có thêm bản lĩnh để khởi nghiệp nhờ những kỹ năng, bài học được trau dồi sau mỗi vòng thử thách.

Sinh viên CNTT không thể bỏ qua cuộc thi FPT Edu Hackathon được áp dụng mô hình Hackathon đình đám thế giới. Tại cuộc thi, các “coder” trẻ được thỏa mãn đam mê lập trình, teamwork ăn ý với đồng đội và rèn sức bền qua những vòng thi “code xuyên đêm”.

Áp lực về thời gian sẽ tạo nên động lực cho những ý tưởng sáng tạo công nghệ ra đời

Nếu học sinh, sinh viên đam mê Thiết kế đồ họa, cuộc thi FPT Edu Color Up chính là sân chơi của các bạn. Không những được trổ tài với các hình thức vẽ tay, vẽ máy, làm phim 2D/3D, các bạn còn được giao lưu với các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Mỹ thuật số, Hoạt hình kỹ thuật số cũng như rèn luyện kỹ năng thuyết trình, lập kế hoạch truyền thông,…

Combo” kỹ năng mà các cuộc thi mang lại giúp học sinh, sinh viên FPT Edu tự tin, bản lĩnh khi bước vào guồng quay của xã hội.

Thử sức với Nghệ thuật hình thể

Dù không phải hệ thống trường học đào tạo nghệ thuật nhưng FPT Edu luôn có những lớp học giảng dạy các loại hình nghệ thuật từ kịch hình thể, sân khấu ngẫu hứng tới kịch câm, thu hút nhiều sinh viên tham gia. 

Không cần chờ đến khi có khóa học định kỳ, sinh viên FPT Edu thường xuyên tự tổ chức lớp học, workshop nghệ thuật từ kịch hình thể, sân khấu ngẫu hứng tới kịch câm. Các bạn còn mời diễn giả là những nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm diễn xuất đến hướng dẫn các bạn làm quen với các bộ môn này.

Giảng viên hướng dẫn kịch hình thể cho sinh viên FPT Edu.

Những bài học nghệ thuật giúp các bạn sinh viên giải phóng bản thân, giải phóng cảm xúc, học cách bày tỏ và thể hiện cá tính của mình. Qua đó, các bạn học cách kết nối với những người xung quanh, với cuộc sống và chấp nhận sự khác biệt. 

Phát triển toàn diện từ tư duy, kỹ năng, nhân cách và phẩm chất cho học sinh, sinh viên là lợi ích quan trọng mà trải nghiệm sáng tạo từ hoạt động ngoại khóa đem lại. Đó là lý do phương pháp giáo dục này ngày càng được ưa chuộng. Để tìm hiểu thêm về phương pháp đó, bạn có thể cập nhật thông tin tại đây.

(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)

8279

Nhân vật