Bí quyết truyền cảm hứng của giảng viên được yêu thích nhất kỳ Summer 2021 tại Swinburne Việt Nam
Cô Trần Thị Bích Hạnh – Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh là một trong những giảng viên được nhiều sinh viên Swinburne Việt Nam yêu quý bởi chuyên môn và tinh thần nhiệt huyết trong công việc. Mới đây, cô Bích Hạnh đã chia sẻ nhiều bí quyết truyền cảm hứng học tập cho sinh viên, ngay cả trong khoảng thời gian học tập trực tuyến.
Cũng như các thầy cô khác, khi triển khai việc dạy học trực tuyến, cô Hạnh cũng cần "chuyển mình" để thích nghi, nhất là khi bộ môn Kinh doanh cho cô phụ trách thuộc khối môn Khoa học xã hội, với hàm lượng nội dung lý thuyết trong mỗi bài tương đối nhiều. Bên cạnh đó, tại Swinburne Việt Nam, mỗi một môn học được triển khai trong 12 tuần học (tương đương 3 tháng), nên nội dung mỗi tiết học đều sẽ phải đảm bảo vừa khái quát, vừa cô đọng kiến thức.
Điều đó có nghĩa là, kể cả trong điều kiện học tập trực tuyến, cô và trò đều phải cố gắng đảm bảo việc học tập. Chính bởi vậy, cải thiện chất lượng tiết học và trải nghiệm học tập trực tuyến là điều mà cô Bích Hạnh vô cùng quan tâm.
Trong kỳ Summer 2021 vừa qua, ngoài các hoạt động tăng trải nghiệm cho học sinh như bài chia sẻ của các giảng viên tại Úc và chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, cô Hạnh còn đặc biệt chú trọng đến các hoạt động duy trì sự thích thú và tập trung cho các em trong giờ học.
Tại mỗi buổi học, bên cạnh nội dung giới thiệu các case study của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cô Hạnh còn chú ý tới việc đa dạng hóa hoạt động cho từng buổi học bằng các hình thức như làm việc nhóm, thiết kế, thuyết trình với các đề tài như: mô hình sáng tạo mở (open innovation), ảnh hưởng xã hội (social influences)…
"Sau một thời gian triển khai hoạt động này, bản thân mình tự nhận thấy rằng giảng viên nên đa dạng các hoạt động cho sinh viên, đặc biệt là các hoạt động sáng tạo và thực tế. Đồng thời, các hoạt động triển khai trên lớp không nên kéo dài quá lâu, sẽ khiến các em mất tập trung. Bên cạnh đó, giảng viên cũng nên đưa thêm nhiều tình huống thực tế vào mỗi tiết học, đặc biệt là các video về các case study tiêu biểu để các em cùng phân tích. Như vậy không chỉ kích thích được sự tò mò, khám phá, mong muốn giải quyết vấn đề của sinh viên mà còn tăng khả năng tập trung, tương tác của các em" – cô Bích Hạnh chia sẻ.
Cô Bích Hạnh cho biết, về phương pháp, cô cũng áp dụng phương pháp giảng dạy kiến tạo (Constructivism) đang được triển khai tại FPT Edu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đối tượng sinh viên, cô sẽ có những cách thức khác nhau. Đối với sinh viên năm nhất, cô Hạnh chú trọng việc giới thiệu, chia sẻ nhiều hơn để các em có kiến thức nền. Bên cạnh đó, cô Hạnh cũng đặt các câu hỏi sâu, nhấn mạnh phương thức để đạt được mục đích, kèm các dẫn chứng, case study có liên quan, đòi hỏi sinh viên phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu, thảo luận về bài học. Còn đối với các sinh viên khóa trên, cô Hạnh lại tập trung cho các em giải quyết nhiều tình huống đặt ra theo nhóm, để các em thỏa sức trình bày ý tưởng sáng tạo, giải quyết vấn đề của các em. Ngoài ra, cô cũng chú trọng vào các hoạt động yêu cầu sinh viên phải tạo ra sản phẩm nhiều hơn.
Bên cạnh việc liên tục nghiên cứu, thay đổi, phương pháp giảng dạy, để cải thiện chất lượng tiết học và trải nghiệm học tập của sinh viên ngay trong thời điểm học trực tuyến, cô Hạnh cũng thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ có sự tham gia của các khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực Kinh doanh. Một buổi chia sẻ gần đây nhất mà cô Hạnh tổ chức với chủ đề "Insight into patterns for achieving business excellence" có sự tham gia của ông John Spence – Giám đốc điều hành, Chuyên gia Kinh doanh toàn cầu và cũng là một diễn giả nổi tiếng đến từ Mỹ. Tại buổi học, ông John Spence cùng các bạn sinh viên đã dành thời gian để khám phá bốn nguyên tắc cơ bản của mọi tổ chức, từ xây dựng văn hóa đến thực thi kỷ luật để có thể xây dựng và duy trì thành công trong lĩnh vực kinh doanh.
Theo cô Hạnh, để tổ chức được những buổi chia sẻ như vậy, giảng viên cần tìm hiểu thông tin về khách mời, bao gồm lĩnh vực chuyên môn, những chương trình khách mời đã tham gia và những cuốn sách mà khách mời đã viết trước đó… Sau khi xác định rằng khách mời phù hợp với bài học, chương trình giảng dạy của môn học, cô Hạnh sẽ tiếp tục đề xuất một chủ đề, lĩnh vực thuộc thế mạnh của khách mời, đồng thời phù hợp với sinh viên của Swinburne Việt Nam và đi tới sự thống nhất về thời gian, chủ đề, nội dung của buổi chia sẻ với khách mời.
"Thế mạnh của mình khi tổ chức những buổi nói chuyện như thế này nằm ở mối quan hệ, nhưng tổ chức được các sự kiện thành công vậy phải kể đến sự ủng hộ, hỗ trợ nhiều từ lãnh đạo của Nhà trường và các anh em hỗ trợ cho sự kiện. Bản thân mình ở nước ngoài khá lâu, có cơ hội tham dự hội thảo quốc tế ở một số nước, đồng thời cũng có khoảng thời gian làm việc ở môi trường đa quốc gia nên mình có cơ hội được tiếp xúc và tạo mối quan hệ với một số chuyên gia người nước ngoài cùng lĩnh vực. Bên cạnh đó, mình cũng có được nhiều mối quan hệ với các khách mời đến từ các doanh nghiệp Việt Nam nhờ đồng nghiệp giới thiệu và kết nối giúp. Hoặc nhiều khách mời dù chưa từng quen biết nhưng cũng cởi mở trao đổi và đồng ý hợp tác vì hoạt động trong cùng lĩnh vực. Nhìn lại, mình thấy chính những cơ hội tham gia các hoạt động chuyên môn giúp mình mở rộng thêm network và biết thêm nhiều người trong ngành. Chính bởi vậy, dù công việc có phần bận rộn nhưng mình vẫn sẽ cố gắng sắp xếp để có thể tham gia các hoạt động chuyên môn trong thời gian tới và tổ chức thêm nhiều hoạt động gắn với thực tiễn cho các em sinh viên" – cô Bích Hạnh chia sẻ.
Vốn là một người thích tham gia các hoạt động, trải nghiệm, thích kết nối và lắng nghe mọi người chia sẻ, khi đi dạy lại được tiếp xúc với các em sinh viên trẻ trung, năng động nên cô Hạnh luôn có động lực để liên tục "update" bản thân. Đây cũng là một điểm mạnh để cô luôn giữ được năng lượng tích cực, sự nhiệt huyết, quảng giao để mở rộng kết nối và liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn, các công cụ phân tích số liệu, các tình huống kinh doanh trong và ngoài nước để có thể đưa thêm được vào bài giảng, mở rộng thêm và tăng chiều sâu cho các nội dung trong bài giảng.
Hiện tại, cô Bích Hạnh vẫn không ngừng tìm kiếm các cơ hội tăng cường trải nghiệm và làm mới bản thân để đem tới cho sinh viên những bài học thêm phần thú vị trong tương lai.
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình. Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình. |
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn