Nghe “hội tiền bối” ĐH Greenwich (Việt Nam) mách nước phương pháp học online hiệu quả
Không ai hối thúc, xung quanh lại là bao cám dỗ nên nhiều SV thường than thở, chán ngán với việc học online. Thế nhưng SV ĐH Greenwich (Việt Nam) với sự thông minh và sáng tạo của mình lại “phát minh” ra không ít cách hay để học online mà vẫn vui “be like” trên lớp.
Tưởng tượng việc học online giống như tham gia một nền tảng mạng xã hội
Đây là một tuyệt chiêu “nhỏ mà có võ” được bật mí bởi bạn Nguyễn Trung Việt, SV ĐH Greenwich (Việt Nam): “Mọi người thường cho rằng học online dễ gây nhàm chán vì mất đi sự tương tác trực tiếp với thầy cô và các bạn. Mất đi sự tương tác trực tiếp là đúng, nhưng nhàm chán hay không còn phụ thuộc vào góc nhìn và phương pháp học tập của mỗi người. Với mình, mình tưởng tượng việc học online giống như tham gia vào một nền tảng mạng xã hội, nơi thầy trò, bạn bè có thể kết nối trực tuyến, cùng học tập, trò chuyện, nhiều khi thấy cũng vui chẳng kém đi học offline ở trường. Hàng loạt hội nhóm, group chat, trải nghiệm teamwork qua Google Meet, thuyết trình trên Zoom… khó đến thế mà chúng mình còn thành công thì đến khi đi học offline, thử thách gì cũng nhẹ nhàng đi vài phần rồi đó”.
Cũng theo Trung Việt, có 2 kinh nghiệm để biến chuỗi ngày học online trở nên hứng khởi và thú vị hơn bao giờ hết, đó là “biết làm chủ” và “biết kết nối” với mọi người xung quanh. “Nếu việc học hành của bạn chỉ xảy ra khi có nhân tố bên ngoài (thầy cô, bố mẹ…) tác động thì dù offline hay online cũng không mang lại hiệu quả gì. Động lực học tập cần được xuất phát từ chính bản thân chúng mình, vậy nên bạn cần pick up khung thời gian học tập cá nhân và follow nó một cách nghiêm túc. Trước khi đi ngủ, mình thường viết ra mục tiêu học tập cho ngày hôm sau, lưu ý ghi càng chi tiết càng tốt, bởi mục tiêu càng nhỏ sẽ càng dễ thực hiện. Mỗi lần hoàn thiện, bạn sẽ có cảm giác như mình đạt được thành tựu, bước sang mục tiêu tiếp theo với gấp đôi tinh thần “chiến đấu””, nam sinh chia sẻ.
Tận dụng sự ‘welcome’ của thầy cô đối với mọi câu hỏi
Bạn Nguyễn Ngọc Yến Nhi, SV ĐH Greenwich (Việt Nam) cho biết các thầy cô đều rất “welcome” với mọi câu hỏi của sinh viên trong quá trình học online giải đáp rất tận tình và chi tiết. “Tận dụng điểm đặc biệt này, bí kíp học tập của mình đó là luôn nghiêm túc và tập trung cao độ trong giờ học. Dùng hết sức mạnh của bộ não để phân tích các vấn đề và đặt câu hỏi cho giảng viên, nhằm nắm rõ kiến thức ngay tại lớp. Sau giờ học thì có thể bung lụa tùy thích, nhưng đương nhiên là nhớ sắp xếp thời gian chạy deadline cho phù hợp, tùy theo tốc độ làm việc và năng lực của bản thân.
Trong mùa dịch này, SV tụi mình học online nên không tránh khỏi một số hạn chế như tốc độ đường truyền mạng, chất lượng âm thanh… gây ảnh hưởng đến việc nghe giảng cũng như tương tác với thầy cô và các bạn. Vì vậy mình phải chủ động liên hệ với giảng viên nhiều hơn bao giờ hết, chỗ nào chưa nghe rõ, chỗ nào chưa hiểu thì phải email/chat với thầy cô ngay.
Trước khi bắt đầu một môn học mới, bạn có thể liên lạc trước 1-2 tuần với giảng viên phụ trách để hỏi về nội dung, nhờ thầy cô gợi ý những topic mình có thể tự nghiên cứu, tìm hiểu trước. Khi lên lớp, cả offline và online, hãy cố gắng tương tác nhiều với giáo viên để thầy cô biết mình đã hiểu và chưa hiểu gì. Quan trọng nhất là khi mình có mục tiêu thì động lực học tập sẽ tăng theo cấp số nhân, vậy nên hãy nghĩ xem mục tiêu của bạn là gì để hành động tương ứng”, Yến Nhi cho biết.
Bật chế độ không sợ deadline, đến là đón!
Tuy là “hung thần không lưỡi hái” nhưng deadline vốn chẳng chừa một sinh viên nào. Áp lực “chạy deadline” càng thêm căng thẳng khi bạn đang trong mùa trực tuyến, dễ bị xao nhãng bởi những thứ hấp dẫn khác trên mạng. Từ kinh nghiệm “chạy deadline” mùa online của mình, bạn Trần Minh Khải, SV ĐH Greenwich (Việt Nam) cho rằng yếu tố quan trọng nhất để về đích đó là phải lên kế hoạch cụ thể và luôn để ý đến thời gian. “Mặc dù quá chú tâm vào thời gian sẽ khiến bạn chán nản và dễ cuống, nhưng đừng vì thế mà cố tình làm ngơ, chép miệng thời hạn còn nhiều, mai kia làm vẫn kịp. Nhất là trong bối cảnh học trực tuyến, lỡ bạn gửi bài vào thời điểm sát nút và “bùm”, mạng lag đúng lúc thì bạn sẽ trễ deadline”, Minh Khải chia sẻ.
Nam sinh này bật mí, hội “tân binh” nếu chưa quen với việc chạy deadline ở trường đại học thì có thể “chiêu mộ” một số “trợ thủ 4.0” để quản lý công việc, nhắc nhở hoàn thiện deadline hiệu quả. Đó là các ứng dụng như Trello, Focus To-do, TickTick… “Luôn nắm rõ và follow up deadline thì dù chạy online hay trên lớp cũng không còn đáng sợ. Bạn cũng có thể hỏi giảng viên hướng dẫn để có cái nhìn tổng quan và chi tiết nhất về bài vở, trên cơ sở đó vạch ra chiến lược “chạy deadline” sao cho chất lượng và đúng kế hoạch nhất”.
Tập thói quen đúng giờ và không được lơ là việc học ngoại ngữ
Khẳng định sự tự giác là yếu tố số 1 quyết định tính hiệu quả của việc học online, bạn Hồ Bình Luận, SV ĐH Greenwich (Việt Nam) cho biết mình luôn sắp xếp một thời gian biểu chi tiết để không xao nhãng, lười biếng dù học trực tuyến. “Trong mỗi tiết học, kinh nghiệm của mình đó là phải thực sự tập trung nghe thầy cô giảng, không biết là phải hỏi liền vì chỉ cần xếp qua một bên là sẽ quên ngay lúc nào không biết. Kể cả khi học trực tiếp thì phương pháp dạy ở ĐH Greenwich (Việt Nam) cũng rất chú trọng sự tự giác, chủ động, tự học của sinh viên. Vậy nên khi học online ở nhà, bạn chỉ cần giữ vững tinh thần này, chủ động học tập theo thời gian biểu cá nhân thì không lo kém hiệu quả.
Ngoài ra, dù là học online hay offline thì các bạn tân SV cũng nên rèn luyện khả năng Tiếng Anh của mình ở mọi nơi, mọi lúc, vì chương trình học tại ĐH Greenwich (Việt Nam) hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Đây cũng là một hành trang quan trọng giúp chúng mình thành công hơn trong công việc sau này nữa đó”, nam sinh chia sẻ.
Sau tất cả, dù là online hay offline, học trên bảng hay qua máy tính không phải yếu tố quyết định hiệu quả học tập. Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở "tâm thế" của người học và phương pháp học tập sao cho phù hợp và hiệu quả. Tâm thế học càng thay đổi tích cực thì càng thích nghi và phát huy tối đa hiệu quả của hình thức học mới.
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình. Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình. |
Linh Phương
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn