Trường học trải nghiệm

Thầy cô FSC Cầu Giấy sử dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, tăng trải nghiệm cho học sinh

22/10/2021
Hà Hải Ngân
4258

Các thầy cô tổ STEM và Công nghệ - Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy hiện đang sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến một cách hiệu quả và sáng tạo, cải thiện trải nghiệm học tập của học sinh.

Thầy Phạm Xuân Bách – Giáo viên Công nghệ Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy là một trong những giáo viên tích cực tìm hiểu và sử dụng các công cụ hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến. Trong đó, thầy Bách thường xuyên sử dụng website skribbl.io – một ứng dụng giúp giáo viên có thể tổ chức trò chơi dạng vẽ hình cho học sinh. 

Trong trò chơi trực tuyến Skribbl.io, giáo viên có thể tổ chức vẽ tranh và cho học sinh đoán xem người khác đang vẽ cái gì. Đặc biệt, phòng riêng trong Skribbl là phòng mà người chơi chỉ có thể tham gia bằng liên kết. Vậy nên, phòng này sẽ hữu ích khi ứng dụng khi tổ chức trong phạm vi lớp học bởi người khác sẽ không thể vào phòng chơi nếu không nhận được liên kết.

Chân dung thầy Phạm Xuân Bách – Giáo viên Công nghệ, Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy

"Phần mềm này cũng khá đơn giản để sử dụng. Thông thường, giáo viên sẽ chỉ mất nhiều thời gian nhiều ở phần nghĩ ra các từ khoá để học sinh đoán trong trò chơi. Bằng cách sử dụng phần mềm này, giáo viên có thể khiến học sinh hứng thú hơn trong việc ghi nhớ các khái niệm, các từ khoá. Học sinh tham gia trò chơi với tâm thế hào hứng, tích cực ", thầy Bách chia sẻ.
"Phần mềm này cũng khá đơn giản để sử dụng. Thông thường, giáo viên sẽ chỉ mất nhiều thời gian nhiều ở phần nghĩ ra các từ khoá để học sinh đoán trong trò chơi. Bằng cách sử dụng phần mềm này, giáo viên có thể khiến học sinh hứng thú hơn trong việc ghi nhớ các khái niệm, các từ khoá. Học sinh tham gia trò chơi với tâm thế hào hứng, tích cực ", thầy Bách chia sẻ.

Một hoạt động vẽ tranh đoán từ khóa do thầy Bách triển khai tại lớp

Ngoài skribbl.io, thầy Bách còn sử dụng một số ứng dụng khác để khiến cho tiết học online trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ dàng hơn cho cả giáo viên và học sinh, như Nearpod – một ứng dụng thiết kế bài giảng và trò chơi tích hợp, Genially – công cụ hỗ trợ tạo nội dung tương tác và hoạt hình miễn phí dành cho người không chuyên, Google Attendance - ứng dụng hỗ trợ điểm danh dựa trên các tài khoản xuất hiện trên Google Meet…

Một game vui được thầy Bách tích hợp trong bài giảng thiết kế trên Nearpod

Cô Nguyễn Phương Thùy – Giáo viên Tổ STEM và Công nghệ 4.0 dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu và phát triển phương pháp dạy học trực tuyến qua ứng dụng Google Site. Đây là một ứng dụng tạo website nhanh, có thể sử dụng để học sinh thuyết trình các sản phẩm của mình hoặc tập hợp các tài liệu cho "lớp học đảo ngược" (“lớp học đảo ngược” hoặc “flipped classroom” là lớp học mà học sinh sẽ xem bài giảng của giáo viên trước ở nhà, nắm được nội dung chính và định hướng của bài giảng. Khi vào lớp các bạn sẽ cùng giáo viên thảo luận, nghiên cứu sâu hơn về chủ đề đó).

Cô Nguyễn Phương Thùy trong một buổi giảng dạy online

Theo cô Thùy, Google Site là một phần mềm khá đơn giản. Người dùng chỉ cần có tài khoản Google để đăng nhập và sử dụng các form mẫu có sẵn để tạo các website theo ý muốn. Điều này vô cùng phù hợp với các em học sinh mà giáo viên cũng không mất quá nhiều thời gian để nghiên cứu.

"Mình thường mất từ 2-4 giờ để nghiên cứu, sử dụng một ứng dụng mới. Nhưng muốn sử dụng thành thạo thì có khi cũng mất cả tuần" – cô Thùy chia sẻ. 

Cô Thùy cho biết, trong công việc hiện tại cô sử dụng khá nhiều phần mềm và ứng dụng hỗ trợ. Nhưng tùy vào công việc, mục đích, bài học, đối tượng hay tình huống ở trên lớp mà cô sẽ lựa chọn ứng dụng cho phù hợp. Một số ứng dụng mà cô thường sử dụng để thiết kế bài giảng, hỗ trợ giảng dạy online và tạo trải nghiệm thú vị cho học sinh có thể kể đến Quizizz, Nearpod, Google Attendance, Menti…

"Thông qua việc sử dụng các phần mềm và ứng dụng hỗ trợ, học sinh được tham gia tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn học, tự tay thiết kế sản phẩm của mình và giới thiệu với thầy cô và các bạn. Nhờ vậy mà các em trở nên tích cực hơn và hứng thú hơn với bài học" – cô Thùy cho biết.

Một phần giao diện website được cô Thùy tạo bằng GoogleSite

Ngoài skribbl.io hay ứng dụng Google site, các thầy cô giáo Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy còn sử dụng nhiều phần mềm, công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến khác như: Getepic – Thư viện số với kho dữ liệu truyện, sách nói, trò chơi trắc nghiệm và video, Violet - ứng dụng hỗ trợ giáo viên tạo bài giảng, bài kiểm tra tổng hợp, bài ôn tập qua các trò chơi thú vị, Lumio - ứng dụng tạo bài giảng tương tác, cho phép viết, vẽ vào slide trong giờ học và có tích hợp nhiều trò chơi, Baambooze – hỗ trợ chơi gảm online theo đội với thiết kế động, hình ảnh đẹp thu hút, có cộng, trừ, ăn cắp điểm… tạo hứng thú cho học sinh, hay Slido - ứng dụng hỗ trợ điểm danh học sinh, lấy ý kiến phản hồi và tạo tương tác với học sinh…

Kinh nghiệm trong việc sử dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến đã được các thầy cô như thầy Bách, cô Thùy chia sẻ với các đồng nghiệp tại Trường TH&THCS FPT Cầu Giấy. Buổi chia sẻ đã có sự tham gia của hơn 50 thầy cô phụ trách các bộ môn khác nhau của trường. Mỗi thầy cô lại mang đến buổi chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm khác nhau với mục đích cùng nhau làm phong phú hơn những trải nghiệm của học sinh trong thời gian học trực tuyến.

Thông qua buổi chia sẻ, hiện tại rất nhiều thầy cô đã lựa chọn được cho mình những ứng dụng phù hợp với phong cách giảng dạy, phù hợp với bài học. Tuy nhiên, thầy cô cũng nhấn mạnh, những ứng dụng trên chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ cho bài học và quá trình giảng dạy, học tập, không nên quá lạm dụng, và cần được chọn lọc trước khi áp dụng. Bằng cách này, các thầy cô FPT School nói chung và thầy cô Tổ STEM và Công nghệ 4.0 nói riêng đã đem tới cho các em học sinh những trải nghiệm tuyệt vời hơn trong mỗi tiết học online.

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

4258

Nhân vật