FPT Edu - Tin tức chung

Cách thức tuyển sinh mới thời CMCN 4.0

27/11/2018
Trần Thị Mai
2209

Tuyển sinh 4.0 – Phan Hoàng Tuấn Trung, Đại học FPT

Vượt 1600km, anh Tuấn Trung từ Cần Thơ mang đến FPT Educamp 2018 bài trình bày liên quan đến công tác tuyển sinh trong bối cảnh 4.0. Chủ đề này như thỏi nam châm hút người tham dự, “nóng” đến mức khiến người tham dự đến đứng, ngồi chật kín phòng trình bày tham luận.

Bài toán tuyển sinh bao giờ cũng là câu chuyện vừa sôi nổi thú vị, vừa “đau đầu nan giải” đối với các phòng ban tuyển sinh của từng đơn vị.

Trước áp lực cạnh tranh của thị trường, việc tuyển sinh truyền thống như tư vấn tại trường hay sử dụng  các ấn phẩm offline để truyền thông thương hiệu không còn hiệu quả như trước đây nữa. Để mang đến lời giải mới cho công tác tuyển sinh của ĐH FPT, anh Trung đưa ra các cách thức tuyển sinh áp dụng công nghệ 4.0, cụ thể là áp dụng kênh Digital Marketing (Fanpage – Website – Social Media) vào việc tối ưu hiệu quả tuyển sinh.

Tại khu vực Cần Thơ, công tác tuyển sinh của ĐH FPT vẫn giữ hoạt động khai thác thông tin học sinh theo cách truyền thống. Sau đó, thay vì tiếp cận học sinh tiềm năng bằng cách tư vấn qua điện thoại, có thể chuyển dữ liệu học sinh lên các kênh online, áp dụng Data – Driven Marketing để đẩy mạnh thông tin tới những học sinh tiềm năng. Theo đó, các kênh Facebook, Instagram, Zalo, Spotify… và các báo lớn như Kênh 14, VN Express được tận dụng để tạo độ hiểu biết nhất định với đối tượng. Bên cạnh đó, các trang mua sắm trực tuyến có lượt truy cập của đông đảo như Tiki, FPT Shop, Sendo… cũng được khai thác để quảng cáo.

Theo anh Trung, sau khi đưa nội dung lên các kênh online, người làm tuyển sinh hoàn toàn có thể đo lường hiệu quả của từng kênh thông qua một công cụ tự động mua của nước ngoài. Việc thường xuyên đo lường và điều chỉnh thông tin phù hợp với đối tượng sẽ khiến công tác tuyển sinh online thu về hiệu quả cao hơn.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi hoạt động tuyển sinh như thế nào – Bùi Quang Cường, FSB

Thu hút lượng khán giả khá lớn, tham luận của anh Cường nhận được sự quan tâm của cán bộ nhiều đơn vị: ĐH FPT, BTEC, Funix, FAI… Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo là chủ đề chưa bao giờ hết nóng với “Trường học 4.0”. Theo đó, ứng dụng dữ liệu người dùng vào học máy có thể giúp việc tuyển sinh được tiến hành tự động: học máy tự lấy thông tin và hình ảnh từ website trường và tự tìm khách hàng tiềm năng để quảng cáo.

Theo anh Cường, sử dụng Internet hay báo chí để tuyển sinh là cách thức của thời đại 3.0. Bước sang cách mạng công nghiệp 4.0, công tác tuyển sinh cần có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo.

Bằng cách sử dụng học máy, cán bộ tuyển sinh dễ dàng đo được mức độ quan tâm của khách hàng tiềm năng thông qua hoạt động online của họ. Cụ thể, học máy sẽ truy các nguồn khách hàng đã tiếp cận thông tin và tính toán tỉ lệ hiệu quả của từng công đoạn, từng kênh tuyển sinh. Để minh họa cho lợi ích của quy trình này, anh Cường đưa ra một ví dụ sinh động, coi việc chốt sale như lấy vợ để giải thích về cách phân tích số liệu của học máy.

Tham dự phòng tham luận, khán giả như bị cuốn vào những kiến thức mới mẻ về trí tuệ nhân tạo. Kết thúc bài chia sẻ, anh Cường cho biết tại Việt Nam hiện nay đã có Lazada áp dụng phương pháp này để phát triển kinh doanh. Trong tương lai, các đơn vị giáo dục của FPT Edu hoàn toàn có thể ứng dụng nếu có nguồn dữ liệu đủ lớn.

Bối cảnh và thách thức với công việc tuyển sinh của ĐH FPT – Lê Xuân Phương, Đại học FPT

Đi thẳng vào những khó khăn mà nhóm những cán bộ tuyển sinh ở Hà Nội đang gặp phải, anh Phương đưa ra các vấn đề thực tế mà bản thân và đồng nghiệp đã đối mặt trong quá trình làm việc. Từ đó, dưới góc nhìn của người làm tuyển sinh, anh Phương đã cùng người tham dự đưa ra các giải pháp khắc phục vấn đề.

Ngay từ khi bắt đầu trình bày, tham luận của diễn giả này nhận được sự chú ý khi phân tích các thông tin, số liệu tuyển sinh của ĐH FPT tại khu vực Hà Nội.

Với hình thức tuyển sinh kết hợp cả online và offline, cán bộ tuyển sinh ĐH FPT gặp phải hai thách thức chính: đối thủ cạnh tranh và yêu cầu thích ứng với thời đại mới.

Theo đó, những đối thủ cạnh tranh được diễn giả chia theo phân khúc học phí và chất lượng giảng dạy. Thêm vào đó, khó khăn nhiều thêm khi các trường đại học mọc lên như nấm và các đơn vị học online bắt đầu xuất hiện đáng kể.

Với kinh nghiệm từ những mùa tuyển sinh thành công trước đây, anh Phương đề xuất chuyển đổi cách thức tuyển sinh, áp dụng công nghệ để tiếp cận học sinh, nhờ đó có thể cắt giảm nguồn lực từ bộ phận này đẩy sang bộ phận khác.

Các yếu tố ảnh hưởng tới việc chọn trường của học sinh THPT FPT Hà Nội trong thời Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Vũ Tuấn Dương, THPT FPT

Hiện đang là giáo viên Business tại Phòng phát triển cá nhân THPT FPT, anh Dương đã thực hiện một khảo sát với gần 300 học sinh trong trường để nghiên cứu và mang đến FPT Educamp 7 yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn trường sau khi tốt nghiệp của học sinh THPT FPT. Khảo sát cũng chỉ ra sự khác biệt trong quyết định của nhóm học sinh được trang bị kiến thức đầy đủ về tầm ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thông qua dữ liệu từ gần 300 phiếu khảo sát hợp lệ, anh Dương đưa ra 7 yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn trường của học sinh cuối cấp bao gồm: đặc điểm cá nhân, sự tham vấn của người thân, đặc điểm của trường, nỗ lực tuyển sinh từ các trường, cơ hội trúng tuyển, cơ hội sau khi ra trường và chương trình hướng nghiệp tại cấp trung học phổ thông.

Trong đó, yếu tố cá nhân về ngành đào tạo phù hợp sở thích và ngành đào tạo phù hợp năng lực là yếu tố chiếm tỉ lệ cao nhất; yếu tố cơ hội trúng tuyển là yếu tố chiếm tỉ lệ thấp nhất. Giải thích cho kết quả này, anh Dương cho biết học sinh hiện nay có thể nắm được thông tin một cách rõ ràng từ nhiều nguồn trên mạng xã hội và các kênh trực tuyến. Các em có sự hiểu biết và tự chủ hơn trong quyết định của mình. Thêm vào đó, với cách tuyển sinh trong những năm gần đây, học sinh “khó” trượt đại học hơn, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, các em có thể tiếp tục lựa chọn các trường học thấp điểm hơn. Vậy nên, đa phần học sinh không quá lo ngại về cơ hội trúng tuyển.

Phân tích chỉ ra số lượng học sinh chọn theo học nhóm ngành công nghệ thông tin tỉ lệ thuận với mức độ hiểu biết về cách mạng công nghiệp 4.0. Thêm vào đó, nhóm học sinh càng có hiểu biết rõ ràng về CMCN 4.0 thì càng có xu thế chọn các trường tư, trường quốc tế hoặc du học cho kế hoạch học tập tương lai.

Dựa vào kết quả khảo sát của diễn giả Tuấn Dương, nhiều cán bộ tuyển sinh nhận được những thông tin hữu ích về những yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn trường của học sinh cuối cấp. Lắng nghe tham luận, các thầy cô và phụ huynh cũng lựa chọn được cách hướng nghiệp phù hợp với học sinh và con em mình.

                                               

FPT EduCamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức hàng năm để kết nối các giảng viên, cán bộ, chuyên gia quản lí giáo dục và đào tạo, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tại hội thảo, người tham dự có thể chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và của FPT Edu nói riêng.

Năm thứ 5 được tổ chức, FPT EduCamp 2018 chọn chủ đề chính là ‘Trường học 4.0’, hướng đến các chia sẻ và thảo luận xung quanh những nhóm tiêu đề như: Hoạt động Dạy và Học; Nghiên cứu Khoa học; Hợp tác Quốc tế; Đảm bảo chất lượng; Thiết kế chương trình; Tuyển sinh; Các dịch vụ trong trường học: Công tác sinh viên, Quan hệ doanh nghiệp, Tư vấn tâm lý, Phát triển cá nhân (PDP), Tổ chức và Quản lý đào tạo...; Vận hành trường học; Kinh nghiệm triển khai Giáo dục trong thời đại 4.0.

 

Mai Mai

Tổ chức Giáo dục FPT

2209

Nhân vật