FPT Edu - Tin tức chung

Chân dung 9 đội thi FPT Edu chính thức góp mặt tại vòng chung kết IoT Showcase Contest

06/08/2019
Hà Hải Ngân
1767

Những “anh tài” nào sẽ có mặt tại trận chung kết “siêu kinh điển” tại Cần Thơ vào giữa tháng 8 này, chúng ta cũng khám phá nhé!

Thùng chứa nước thông minh – FPoly Cần Thơ

Trước thực trạng mỗi ngày đều có tin tức về trẻ đuối nước hiện nay, nhóm  IoTPoly_001 đã đề xuất ý tưởng tạo ra một thiết bị cảnh báo và chống đuối nước cho trẻ nhỏ nhằm ngăn chặn những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Thiết bị này đặc biệt hữu ích đối với một đất nước có sông ngòi, chằng chịt như Việt Nam.

Bệnh viện thông minh – ĐH FPT Cần Thơ

“3 chàng ngốc” (“Three Idiots”) mang đến buổi sơ khảo ý tưởng về hệ thống chăm sóc sức khỏe tự động: thiết bị phân tích, cảnh báo và theo dõi bệnh nhân. Thông qua ý tưởng này, các bạn mong muốn bảo vệ sức khỏe cho mọi người cũng như nâng cao đời sống xã hội.

Thùng rác thông minh - Magin Bin (Đại học FPT Hồ Chí Minh)

Điều ấn tượng là các thành viên trong nhóm Magic Bin mới chỉ học năm nhất Đại học FPT. Nhưng Trần Lê Duy, Nguyễn Mậu Hiếu, Lưu Diệu Hoa đều đã thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của mình thông qua cách xây dựng, phát triển ý tưởng thông minh và nền tảng kiến thức vững vàng.

Đề tài xuất phát từ chính vấn đề nhức nhối hiện nay: rác thải ra môi trường không qua các khâu phân loại, bị dồn ứ, chất đống. Trong đó, những vật liệu tái chế không được phân loại gây hoang phí, còn rác công nghiệp nguy hiểm thì không được thu gom để xử lý đúng quy định. Magic Bin có thể phân rác thành hai loại: tái chế được và không tái chế được để góp phần giải quyết vấn đề trên.

Thùng rác thông minh được nhóm đưa tình huống sử dụng cụ thể tại văn phòng và trường học với lượng rác thải chủ yếu là rác văn phòng (giấy, kim ghim..) và rác sinh hoạt (hộp cơm, chai, lon nước…). Hệ thống sẽ được cung cấp thông tin cho trước để hiểu và phân biệt các loại rác khác nhau, tự động mở nắp khi có phát hiện có người muốn bỏ rác. Công nghệ Học máy (Machine Learning) được áp dụng trong đề tài này để hệ thống có thể phát hiện những loại rác mới và tự học thông qua xác nhận của người dùng và ghi nhớ cho những lần sau.

Ứng dụng Magic Bin còn giúp cơ quan quản lý ghi nhận hiện trạng các thùng rác để kịp thời thu gom. ThS. Thân Văn Sử đánh giá cao đề tài và nhận định đề tài hoàn toàn có thể sử dụng ở các nhà máy xử lý rác hiện nay.

Trường học thông minh - Smart School (FPT Polytechnic TP. Hồ Chí Minh)

Smart School được xây dựng bởi nhóm sinh viên: Trần Đỗ Minh Ân, Lê Bá Hậu, Nguyễn Quốc Anh. Ứng dụng này cho phép quản lý, điều khiển từ xa các thiết bị quạt, đèn, máy lạnh trong lớp học thông qua Internet và có thể điều khiển bằng giọng nói. Bảo vệ hoặc quản lý tòa nhà hoàn toàn có thể kiểm tra những phòng không có lịch sử dụng nhưng vẫn còn sử dụng thiết bị điện để tránh lãng phí điện năng.

Hệ thống Smart School còn giúp Phòng đào tạo ghi nhận thông tin điểm danh hoặc quản lý ra vào thông qua QR Code. Theo đó, sinh viên sẽ quét QR Code để được điểm danh vào lớp, giảng viên kiểm tra và duyệt bảng điểm danh trước khi gửi thông tin lên server. Trong vòng 15 phút đầu giờ, giảng viên có thể thay đổi hiện trạng vắng mặt/ có mặt của sinh viên, sau khoảng thời gian này, server không cho thay đổi thông tin đã gửi.

Smarthome Control Unit Using Vietnamese Speech Command - ĐH FPT Hà Nội

Xuất phát từ thực tế là đa số các thiết bị điều khiển bằng giọng nói trên thị trường hiện nay đều sử dụng tiếng Anh, gây khó khăn cho người tiêu dùng Việt, nhóm 3 sinh viên đến từ ĐH FPT Hà Nội đã nghĩ ra ý tưởng xây dựng một hệ thống điều khiển nhà thông minh bằng tiếng Việt. Cả nhóm đã tự thu thập dữ liệu giọng nói và sử dụng Deep learning để tạo ra một model nhận diện giọng nói với 15 câu lệnh chuẩn với độ chính xác 98%.

Chia sẻ về lý do đến với cuộc thi, Trương Minh Giang – đội trưởng cho biết: “Em thấy IoT Showcase Contest là một cuộc thi rất thú vị với sinh viên ngành công nghệ thông tin như bọn em. Đây là cơ hội để bọn em kiểm tra năng lực bản thân và thêm những trải nghiệm thú vị. Được đọ sức với các bạn sinh viên trong khối FPT edu và các bạn sinh viên quốc tế chắc chắn sẽ cho bọn em những kinh nghiệm quý giá. Còn một lý do nữa, bọn em thấy mọi người bảo Cần Thơ đẹp lắm nên bọn em muốn vào đó chơi”.

Attendance Taking Support System for CCTV - ĐH FPT Hà Nội

Nhận thấy giảng viên thường mất khá nhiều thời gian cho việc điểm danh đầu giờ, chưa kể việc này còn lặp đi lặp lại khá nhàm chán, nhóm sinh viên ĐH FPT Hà Nội đã thiết kế ra thiết bị điểm danh mang tên Attendance Taking Support System for CCTV. Thiết bị sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, tích hợp với hệ thống camera CCTV có sẵn nên không tốn quá nhiều chi phí đầu tư. Tại Vòng sơ loại, sản phẩm này được đánh giá là có tính ứng dụng và tính thương mại hóa cao.

DustScan - FPoly Hà Nội

Xuất phát từ thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề ở Thủ đô, nhóm sinh viên FPoly Hà Nội đã đề xuất ý tưởng về 1 sản phẩm có thể đo và đưa ra các cảnh báo về chỉ số chất lượng không khí. Theo đó, sản phẩm này có thể thống kê các thông số về tổng bụi lơ lửng (TSP), bụi PM10, bụi PM2,5, PM 1,… và gửi dữ liệu cho người sử dụng. Từ đó, người dân sẽ biết được những khu vực nào hay ô nhiễm, khu vực nào có không khí sạch hơn,… để có kế hoạch đi lại, vui chơi hợp lý.

Home Assistant – FSchool Đà Nẵng

Là đội thi nhỏ tuổi nhất sẽ góp mặt tại vòng chung kết IoT Showcase Contest tới đây, Lê Thanh Tùng và Nguyễn Việt Hoàng – học sinh trường FSchool Đà Nẵng sẽ mang tới cuộc thi mô hình nhà thông minh có thể giúp điều khiển các thiết bị điện tử trong nhà bằng Tiếng Việt.

Sản phẩm thân thiện, có tính tự động hoá cao, tối ưu các tính năng chống trộm, tiết kiệm điện và được lập trình để phù hợp với các hành vi, trạng thái hằng ngày của con người để hỗ trợ tốt hơn. Ví dụ như các tính năng thay đổi nhiệt độ, bật những bài hát yêu thích, hay chuẩn bị nước ấm khi người chủ trên đường về nhà…

Home Automation – FPoly Đà Nẵng

Cũng là một sản phẩm IoT về nhà ở thông minh, Home Automation của sinh viên FPoly Đà Nẵng có khả nặng tự động bật – tắt đèn theo ánh sáng ngoài trời, theo dõi nhiệt độ trong nhà, cảnh báo cháy, tự động bật – tắt đèn nhà vệ sinh hay cầu thang, hành lang, tưới nước cho cây khi chủ vắng nhà trong thời gian dài,… Nhờ sự đa dạng các chức năng, sản phẩm đã được đánh giá cao tại vòng sơ loại và nhận về chiếc vé đi tiếp tới đêm chung kết.

9 sản phẩm của HSSV FPT Edu đã cho thấy sự sáng tạo tuyệt vời của các bạn trong lĩnh vực IoT. Tất cả đều chỉ còn cách chiến thắng cuối cùng 1 trận chung kết. Hi vọng các thí sinh sẽ giữ được sự bình tĩnh, tự tin để cống hiến cho BGK và những khán giả yêu mến sân chơi này một vòng đấu thật sự kịch tính và hấp dẫn!

Research Festival 2019 với chủ đề Internet of Things sẽ diễn ra tại Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ trong hai ngày 15/08 - 16/08/2019. Sự kiện được mở cửa miễn phí cho các bạn sinh viên và khách tham dự với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Một số hoạt động chính:

  • Khai mạc sự kiện: 7h45 ngày 15/08/2019
  • Keynote với chủ đề IoT: 8h - 9h30 ngày 15/08/2019
  • Lớp học Summer School: 10h - 12h ngày 15/08/2019
  • Chung kết IoT Showcase Contest: 13h - 17h30 ngày 15/08/2019 và 8h - 11h ngày 16/08/2019

Fanpage chính thức của sự kiện: Research Festival - ResFes 2019c

Hải Nguyễn

1767

Nhân vật