FPT Edu - Tin tức chung

Chủ tịch Đại học FPT: Cần một chính sách cởi mở với giáo dục tư nhân

10/10/2019
Vũ Thị Ngọc Ánh
557

Forbes - TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT cho rằng kể từ khi trở thành thành viên của WTO năm 2006 Việt Nam đã cam kết mở cửa giáo dục cho đầu tư nước ngoài như một ngành dịch vụ. Tuy nhiên 10 năm qua, vẫn còn nhiều tranh luận xoay quanh việc "thương mại hóa giáo dục", “giáo dục vụ lợi” hay “giáo dục phi lợi nhuận”, điều này thể hiện sự lúng túng trong việc định hình lại bức tranh giáo dục của Việt Nam. 

Tham dự hội nghị giáo dục Forbes Vietnam 2019 với chủ đề “Định hướng tương lai”, ông Lê Trường Tùng đã có bài tham luận với chủ đề “Thay đổi chính sách tác động đến giáo dục công - tư”. Ông Tùng nhấn mạnh  Việt Nam chính thức mở cửa giáo dục như một ngành dịch vụ kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng khu vực giáo dục tư nhân đến nay vẫn còn rất khiêm tốn.

10 năm qua ở khối giáo dục phổ thông với chính sách "phổ cập giáo dục" khiến thị phần giáo dục tư nhân trong khối này không tăng trưởng được. Năm 2008, Nhà nước từng có chủ trương chuyển các trường phổ thông bán công thành trường tư thực nhưng sau đó tất cả đều chuyển đổi trở về mô hình trường công. "Tỷ trọng học sinh phổ thông trường tư thục vì vậy hầu như không thay đổi sau 20 năm," tiến sĩ Tùng nói.

Chủ tịch Đại học FPT: Cần một chính sách cởi mở với giáo dục tư nhân - ảnh 1

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, chia sẻ tham luận về “Thay đổi chính sách tác động đến giáo dục công - tư”. Ảnh: Forbes Việt Nam

Với giáo dục đại học, Việt Nam chọn mô hình trường công nhưng thu phí người học, dịch chuyển đa số đại học công theo mô hình dịch vụ công nhưng tự chủ tài chính. Tính đến năm 2019, Việt Nam mới có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, 68 trường đại học tư thục và đại học công là 170. Song song đó có hơn 500 chương trình liên kết với nhiều trường đại học trong Top 500 thế giới.

Tỷ trọng giáo dục đại học ngoài công lập hiện chỉ chiếm 7% về số trường và 6% về số lượng sinh viên. Như vậy, 98% số trường hiện nay là công lập, với tỷ lệ trung bình cứ 1 trường tư ra đời thì có hơn 2 trường công xuất hiện.

"Bức tranh giáo dục chậm chuyển đổi trong khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đòi hỏi cải thiện chất lượng và số lượng hệ thống giáo dục là yếu tố then chốt phát triển và tăng khả năng hội nhập của một quốc gia", TS. Tùng nói

Dữ liệu cho thấy yêu cầu vốn đầu tư vào trường đại học tư ngày càng cao. Theo Quyết định 14/2005 là 15 tỉ đồng thì nay con số yêu cầu là 1.000 tỉ đồng. Gần đây nhất, theo Nghị quyết 35 hồi tháng 4 về tăng cường các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2019-2025, đến năm 2020 số cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt 8,75% và số sinh viên theo học đạt 8,9%. Đến năm 2025, tỷ lệ tương ứng là 13,5% và 16%.

Trong khi trước đó mục tiêu của Nhà nước về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam 2005-2020 đặt mục tiêu đến 2020, đạt tỷ lệ 450 sinh viên/10.000 dân, trong đó có 40% sinh viên ngoài công lập, thực tế cho thấy mục tiêu này khó có thể thành hiện thực.

Theo tiến sĩ Tùng, các chính của nhà nước tuy có nhưng không đủ mạnh và còn mang tính cầm chừng là lý do khiến hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn nặng về công lập.

Ông cho rằng ngoài mô hình trường công lập và ngoài công lập như hiện nay, Việt Nam cũng nên tham khảo thêm một số mô hình như đối tác công tư PPP - nhà nước đầu tư và tư nhân vận hành và ngược lại; mô hình công nhận và chuyển đổi tín chỉ hay các mô hình học trực tuyến như MOOC (khoá học đại trà trực tuyến) cũng như các mô hình giáo dục đáp ứng được quá trình chuyển đổi kinh tế số.

Đi cùng với số lượng càng phải quan tâm đến chất lượng giáo dục. Theo TS.Tùng, không phân biệt là giáo dục công lập hay ngoài công lập, yếu tố quan trọng để thúc đẩy chất lượng giáo dục phát triển bắt kịp với tăng trưởng kinh tế và hội nhập là cần cải thiện chi phí học tập trên đầu người mỗi năm, bên cạnh việc cho ra nhiều mô hình giáo dục bắt kịp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế số.

“Vậy trong tương lai, Việt Nam nên tập trung vào định hướng giáo dục nào?”, khách mời Trần Hồng Ninh - CEO của Vuahieusuat.vn đặt câu hỏi sau bài tham luận. Ông Tùng cho rằng, mỗi trường có triết lý giáo dục riêng, dựa trên thể chế chính trị và cơ chế thị trường sẽ định hướng cơ chế, hệ thống giáo dục. Tuy nhiên chất lượng là yếu tố số 1 và triết lý giáo dục hướng đến quản trị việc học và tự học của chính người học.

"Xã hội thay đổi nhanh thì khả năng tự học là nền tảng quan trọng nhưng điều này cũng đòi hỏi người học có nền tảng kiến thức nhất định”, chủ tịch đại học FPT trả lời.

Ông Tùng cũng chỉ ra hiện nay tỷ lệ người đi học nằm trong độ tuổi sau phổ thông 18-25 tuổi của Việt Nam rất thấp so với mức trung bình thế giới. Chủ tịch đại học FPT kiến nghị rằng cần tăng tỷ lệ người học đại học trong độ tuổi đi học (18-23). Tỷ lệ ở Việt Nam hiện là 28%, thấp hơn mức trung bình thế giới (38%) và cách xa các quốc gia khu vực như Thái Lan (49%), Indonesia (36%), Malaysia (42%)...

Để cảm nhận được những thay đổi của chính sách thì tính tỷ lệ theo độ tuổi đi học thay vì tính trên toàn dân như hiện nay. Bên cạnh đó để tăng chất lượng đào tạo, cần xem xét việc tăng chi phí đào tạo/năm/học sinh-sinh viên. Việt Nam đang có chi phí cho việc học hành thấp nhất thế giới, và nên tận dụng việc này để thu hút người học trên thế giới.

Song song đó là tiến hành phân vùng đại học để giải quyết hiện tượng chảy máu chất xám từ các địa phương đến các thành phố lớn. Hiện cả nước có 63 tỉnh thành nhưng chỉ 20 tỉnh đủ thu chi cân đối do có nguồn lực lao động.

“Bức tranh giáo dục không riêng của Việt Nam mà đang diễn ra ở nhiều nước, đó là sức ỳ của giáo dục so với sự phát triển của kinh tế trong khi sứ mệnh giáo dục là đi trước, dẫn dắt và hỗ trợ xã hội" ông Tùng nói và cho rằng sự phát triển công nghệ hiện nay là cơ hội để giáo dục thay đổi cách thức quản lý, giáo dục chuyển đổi trước để tạo cơ hội cho các ngành nghề khác trong bối cảnh chuyển đổi số. Ở đó sự năng động của khối ngoài công lập có thể góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.

Theo ForbesVietNam

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

557

Nhân vật