FPT Edu - Tin tức chung

Học tập toàn cầu có trở thành xu hướng trong “Giáo dục 4.0”?

17/10/2018
Vũ Thị Ngọc Ánh
1112

Từ thực tế xã hội và giáo dục đại học Nhật Bản, GS - TS Takumi Miyoshi đặt ra vấn đề về nuôi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ từ các chương trình học tập toàn cầu. Đây cũng là chủ đề được ông lựa chọn để chia sẻ tại Educamp 2018, nơi quy tụ nhiều cán bộ, giảng viên FPT Education – những người cũng đang ấp ủ hoặc bước đầu thực hiện các dự án học tập toàn cầu cho học sinh, sinh viên.

Những bài chia sẻ của keynote – là các chuyên gia đến từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ, Singapore luôn là “đặc sản” được chờ đợi ở Educamp. Năm nay, khi BTC tiết lộ, keynote đầu tiên của mùa hội thảo chủ đề “Giáo dục 4.0” là GS – TS Takumi Miyoshi (Giám đốc Trung tâm Chương trình Quốc tế, Học viện Công nghệ Shibaura, Nhật Bản), nhiều người kỳ vọng ông sẽ đem đến những chia sẻ thực tế về việc áp dụng những chương trình, công nghệ giáo dục đào tạo hiện đại, phát triển các dự án học tập toàn cầu tại Học viện Công nghệ Shibaura. 

Mới đây, GS – TS Takumi Miyoshi đã chính thức chia sẻ, chủ đề ông sẽ trình bày tại Educamp 2018 là Nurturing Global Engineers and Scientists through gPBL programs in Super-Smart Society Era (Tạm dịch: Nuôi dưỡng đội ngũ kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu thông qua các chương trình gPBL trong Kỷ nguyên Xã hội Siêu thông minh). Chủ đề này khiến GS - TS Takumi Miyoshi tâm đắc bởi nó xuất phát từ thực tế xã hội và giáo dục đại học tại Nhật Bản hiện nay. 

“Trong bài tham luận này, tôi muốn trình bày về cách thức nuôi dưỡng đội ngũ các kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu bằng chương trình học tập qua dự án toàn cầu (gPBL), một phương pháp đào tạo mới trong thời đại xã hội siêu thông minh. Thông qua làm việc nhóm mang tính quốc tế để giải quyết các vấn đề từ quan điểm toàn cầu và đề xuất các hệ thống thông minh với các thiết bị IoT, chúng tôi đang hướng tới việc phát triển kỹ năng và khả năng thích ứng cần thiết cho các kỹ sư và nhà khoa học toàn cầu, những người có thể làm chủ trong một xã hội siêu thông minh.” GS – TS Takumi Miyoshi chia sẻ. Hiện, tại Học viện Công nghệ Shibaura, ông đang phụ trách 2 trong số các dự án hướng tới học tập toàn cầu: Dự án Đại học top trên Toàn cầu và Chương trình Tăng tốc Tái thiết lập Giáo dục Đại học.

Tham luận của GS – TS Takumi Miyoshi có nhiều điểm gặp gỡ với mục tiêu giáo dục mà FPT Education đã, đang hướng tới là toàn cầu hóa. Từ năm 2009, Tổ chức Giáo dục FPT đã có những sinh viên quốc tế đầu tiên từ Nhật Bản, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Thái Lan, Triều Tiên, Myanmar, Brunei… đến học tập theo chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hóa. Tạo một môi trường học tập quốc tế ngay chính tại Việt Nam là một trong những nỗ lực của FPT Education trong việc trang bị cho sinh viên tư duy toàn cầu hoá và khả năng thích nghi, làm việc trong môi trường đa văn hoá, tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực Việt Nam.

Bên cạnh việc tuyển sinh quốc tế, FPT Education đẩy mạnh các hoạt động như mở cơ sở tại nước ngoài, hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới, tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên được tham gia chương trình giao lưu, trao đổi, du học ngắn hạn tại trường bạn. Thời gian tới, đưa công nghệ giáo dục hiện đại vào giảng dạy, nghiên cứu, góp phần tạo môi trường gần sát với môi trường đào tạo tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cho học sinh, sinh viên là mục tiêu của FPT Education. Vì thế, những chia sẻ của GS – TS Takumi Miyoshi có thể là bài học kinh nghiệm quý báu để cán bộ, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT học hỏi và áp dụng vào thực tế. 

GS - TS Takumi Miyoshi nhận bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện tử của Đại học Tokyo vào năm 1999, và bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nghiên cứu viên tại Đại học Waseda. Ông chuyển đến Học viện Công nghệ Shibaura vào năm 2001, và hiện là giáo sư toàn thời gian tại Khoa Kỹ thuật Hệ thống và Khoa học.
 

FPT Educamp 2018 mở đăng ký cho diễn giả, người tham dự tại: http://gg.gg/educamp2018
Thời gian đăng ký: 17/9 – 18/11/2018
Educamp 2018 diễn ra trọn vẹn trong ngày 25/11 tại Tòa nhà Beta, campus Hòa Lạc, Hà Nội. Hội thảo miễn phí phí tham dự và hỗ trợ chi phí đi lại và buffet trưa tại Hội thảo cho CB-GV và sinh viên thuộc các cơ sở đào tạo của FPT Edu tại khu vực Hà Nội. 10 diễn giả có bài trình bày tại Hội thảo đến từ các vùng, miền không thuộc Hà Nội sẽ được nhận hỗ trợ vé máy bay, kinh phí ăn, ở, đi lại để tham gia Hội thảo. Hiện BTC đã nhận được toàn văn bài trình bày của 3 diễn giả.
Các diễn giả này cần đảm bảo trình tự đăng ký chủ đề, nộp tóm tắt (abstract) và toàn văn bài trình bày (full paper) theo các mốc thời gian sau:
- Nộp tóm tắt: 17/9 – 7/10/2018
- Nộp toàn văn: 7/10 – 7/11/2018

KemKem

1112

Nhân vật