“Những năm ở campus Hòa Lạc, chúng mình tự hào nhất là có thầy cô quản nhiệm “siêu xịn”
- Những câu nói "thương hiệu" của thầy cô khiến SV FPT Edu “đứng ngồi không yên”
- Học sinh hết “nản Hóa” nhờ phương pháp lạ của cô giáo THPT FPT Cần Thơ
- Học sinh FSchool kể chuyện học online: Thầy cô sáng tạo số 1
- Thầy cô Phổ thông Cao đẳng giúp sinh viên “Học nhanh - Làm sớm”
- HSSV FPT Edu “mở cửa hạnh phúc” nhờ tư vấn tâm lý học đường
“Tuy không đứng trên bục giảng, không trực tiếp mang đến những con chữ nhưng các thầy cô quản nhiệm đã dạy cho chúng mình rất nhiều điều bổ ích trong cuộc sống, những kỹ năng quan trọng góp phần tạo nên sự trưởng thành của các thế hệ học sinh THPT FPT”, nhóm cựu học sinh phổ thông nội trú nay là sinh viên FPTU HN chia sẻ.
Thầy giúp trò hiểu thế nào là “trách nhiệm”
Nguyễn Hoàng Sơn là cựu học sinh THPT FPT Hòa Lạc và hiện đang là SV K14 Ngành Quản trị kinh doanh (ĐH FPT). Nam sinh này luôn coi các thầy quản nhiệm tại THPT FPT như những người anh trai thân thiết để chia sẻ và tâm sự trong suốt thời gian học tập tại FPT campus Hòa Lạc.
“Ngày nhập học THPT FPT, mình được bầu là trưởng phòng ở dom và đó là trách nhiệm đầu tiên mình nhận được khi mới bước chân vào môi trường mới. Thầy dạy bọn mình từ gấp chăn gối gọn gàng, thức dậy đúng giờ đến sẵn sàng nhận trách nhiệm nếu vi phạm nội quy. Có lần đến giờ ngủ mà mình vẫn nói chuyện hay về dom điểm danh muộn sẽ phải đi dọn vệ sinh. Dù bị phạt nhưng đó là kỉ niệm vui và đáng nhớ vì mình biết nhận lỗi khi mắc sai lầm”, Sơn chia sẻ.
Lớp 12, Sơn được tiếp xúc nhiều hơn với thầy quản nhiệm Lê Thành Ninh và Trần Tiến Lâm. Cậu bạn nhận ra, bên trong vẻ ngoài có phần nghiêm khắc của các thầy là sự thân thiện, nhiệt huyết và tận tâm. Các thầy coi học trò như những đứa em nhỏ, động viên các bạn chăm tập thể dục hơn, lắng nghe chuyện học hành trên giảng đường và chia sẻ chuyện tình yêu thầm kín.
“Bây giờ có thầy đã chuyển công tác, có thầy vẫn gắn bó với công việc quản nhiệm ở trường nhưng mình vẫn còn giữ liên lạc với các thầy. Đi đường gặp thầy là chào thật to, thầy lấy vợ cũng về chung vui hay đơn giản là thầy trò hẹn nhau ngồi café nói chuyện khi mình về Hà Nội”, Sơn cho biết.
Giải quyết vấn đề tâm lý nhờ cô quản nhiệm tận tâm
Giáo viên quản nhiệm là công việc càng làm càng thấy khó vì mỗi học sinh có một tính cách, mỗi khóa vào trường lại có một đặc trưng nên việc chăm sóc liền một lúc mấy chục bạn là điều gian nan không tưởng. Học sinh của Trường THPT FPT Hòa Lạc rất năng động, có cá tính và sống xa nhà đúng vào giai đoạn “ẩm ương” nên chuyện tâm lý, tình cảm khá phức tạp.
Chị Phí Thị Thu Nga – Giáo viên Quản nhiệm chia sẻ: “Mình từng tiếp xúc với một bạn học sinh có vấn đề về tâm lý. Bạn ấy biết rõ tình trạng của bản thân nhưng vì sống xa gia đình nên không chia sẻ với ai. Sau một thời gian tiếp xúc và có lẽ còn do linh cảm nghề nghiệp, mình nhận ra bạn ấy khác biệt với những người khác. Lúc đó mình như một người bạn, chia sẻ lúc bạn ấy cần và lắng nghe khi bạn ấy gặp hoang mang. Sau khi nắm được vấn đề mà bạn ấy gặp phải, mình đã trao đổi với gia đình để có sự định hướng kịp thời. May mắn là bạn ấy dần ổn định và giờ đang là sinh viên của một trường đại học có tiếng”.
Cũng theo chị Nga, học sinh FPT Edu nói chung và THPT FPT nói riêng đều rất năng động và cá tính. Các thầy cô phải làm quen, tìm hiểu và học cách lắng nghe thì mới có thể quản lý tốt, chăm lo tốt cho từng bạn.
Gạt bỏ tự ti, theo đuổi đam mê nhờ lời động viên của thầy
“Thầy Hồ Xuân Hiếu dễ gần lắm và tính cũng “chill” nên học trò rất mến thầy. Mình có tình yêu rất lớn với nghệ thuật nên đã tham gia CLB FPT Junior Yosakoi. Nhưng lúc đó mình bị tự ti về bản thân, sợ bị mọi người trêu đùa nên không dám tập luyện một cách công khai. Trong một lần tâm sự với thầy, thầy đã bảo mình là: Nếu đã quyết định theo là phải theo đến cùng, không phải lo sợ ý kiến của người khác vì cuộc sống của em chứ không phải của họ. Câu nói ấy đã thấm vào mình và giờ lên đại học mình vẫn khắc ghi lời khuyên ý nghĩa này”, bạn Nguyễn Phan Long (cựu học sinh K4 THPT FPT Hòa Lạc, nay là sinh viên K15 ĐH FPT) chia sẻ.
Bước sang năm thứ 5 làm công việc chăm sóc cho “đàn con thơ” ở campus Hòa Lạc, thầy Hồ Xuân Hiếu vẫn “không thể ngờ được” rằng mình đã theo đuổi công việc “áp lực lắm, trách nhiệm nhiều” này lâu đến vậy.
“Học sinh mỗi bạn một cá tính, có bạn thì rụt rè, sợ tiếp xúc với mọi người, sợ bị đám đông đánh giá; có bạn thì cá tính mạnh, nghịch ngợm và nổi loạn vì đang bước vào giai đoạn tâm lý nhạy cảm. Mình thường lắng nghe, chia sẻ để các bạn cởi mở hơn, sống tích cực hơn vì học sinh nhìn thế thôi, các bạn ấy hiểu được ai tốt với mình, ai yêu thương mình thì mới trao yêu thương lại”, anh Hiếu chia sẻ.
K4 THPT FPT Hòa Lạc là khóa học sinh đầu tiên anh Hiếu làm công tác quản nhiệm nên cũng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong anh. Theo anh Hiếu, khóa đó có hai bạn nam học rất giỏi và năng nổ tham gia các hoạt động của trường. Tổng kết năm học lớp 10, một bạn nhận danh hiệu Honor thì bạn kia đã bật khóc vì xếp thứ 2. Lúc đó anh chỉ khuyên rằng không nên đặt nặng vấn đề danh hiệu, chúng ta học được gì trong suốt thời gian qua mới là điều đáng quý nhất. Sang lớp 11, bạn ấy gạt được gánh nặng về danh hiệu đi và hoạt động một cách thoải mái hơn nên đã đạt được danh hiệu Honor.
Đối với các thế hệ học sinh – sinh viên từng sống tại campus Hòa Lạc, điều tuyệt vời nhất chính là có được những thầy cô Quản nhiệm nhiệt huyết, tận tụy dẫn đường chỉ lối. Dù không đứng trên bục giảng, không trực tiếp mang đến những con chữ nhưng các thầy cô đã đồng hành và trang bị cho các bạn trẻ những kỹ năng cần thiết, giúp các bạn học cùng trải nghiệm từ cuộc sống nội trú, góp phần tạo nên sự tự lập, trưởng thành của các thế hệ học trò.
“Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã tới gần, mình xin chúc các thầy, các cô quản nhiệm sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc và mạnh khoẻ trong cuộc sống. Chúc các thầy cô luôn giữ ngọn lửa đam mê và theo học sinh – sinh viên chúng mình hết chặng đường dài”, nhóm cựu học sinh THPT FPT Hòa Lạc chia sẻ.
Huệ Anh