FPT Edu - Tin tức chung

PGS.TS Nguyễn Tiến Trung: Giáo dục Toán thực là chặng đường gian nan của giáo viên Việt Nam

22/04/2021
Nguyễn Huệ Anh
1102

Thông qua bài giảng “Giáo dục Toán thực – Một cách hiểu đầy đủ về việc dạy toán gắn với thực tiễn và sự phù hợp với mục tiêu Chương trình môn Toán 2018”, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung đã trao đổi cùng các giáo viên về phương pháp giúp học sinh kiến tạo được các tri thức Toán học; vận dụng trong cuộc sống, trong thực tiễn cũng như giúp giáo viên nâng cao hứng thú dạy và học Toán. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Trung đã tham gia bồi dưỡng giáo viên Toán cả ba miền cho Bộ Giáo dục – Đào tạo về các nội dung liên quan đến "tích hợp trong dạy học Toán", "dạy học môn Toán thông qua chuyên đề dạy học", "dạy học môn Toán gắn với thực tiễn"

“Không còn” và “Còn không” trong Toán học

Nói về báo cáo lý thuyết Giáo dục Toán thực (Realistic Mathematics Education – RME), PGS.TS Nguyễn Tiến Trung chỉ ra các trường học ở Việt Nam chưa tập trung vào việc khai thác lịch sự Toán học.

Trong quá trình làm khảo sát, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung đã hỏi các sinh viên khoa Tiểu học – ĐH Sư phạm: “Chúng ta nên dạy cho trẻ con số 0 hay số 1 trước? Tại sao lại dạy số 1 trước số 2, 3, 4? Làm thế nào để dạy học sinh về các số 1, 2, 3, 4?”. Kết quả, không sinh viên nào hiểu vì sao phải làm như vậy. Điều đó phản ánh thực tế các bạn được trang bị cách dạy nhưng không hiểu cơ sở, bản chất của nó.

Trong quá trình tìm lại câu chuyện lịch sử của các con số, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung cho rằng chúng rất đáng yêu: Nếu số 1 sắc thẳng như lưỡi dao thì số 2 lại cong cong mềm mại như dòng sông, con suối, mái tóc của người phụ nữ… Nhưng riêng trường hợp của số 0 thì nhân loại cho rằng nó không tồn tại vì không quy đổi được ra những vật có thể cầm nắm (có thể đếm) và mãi về sau mới biết viết nó như thế nào.

Liên hệ với việc giảng dạy hiện nay, giáo viên sẽ dạy số 0 bằng cách dạy số 1 trước. Chẳng hạn hãy cầm 1 bông hoa và hỏi học sinh rằng trên tay mình có mấy bông. Cả lớp bảo là 1 thì bỏ bông hoa đó xuống và hỏi trên tay mình còn mấy bông hoa. Khi các em bảo “còn không (0)” bông hoa thì hãy hướng dẫn đến khái niệm “không còn” và số 0. Như vậy, số 1 là những thứ cầm nắm được còn số 0 là không có thật.

PGS.TS Nguyễn Tiến Trung cho rằng những nhà nghiên cứu quan tâm đến việc tìm kiếm kiến thức về lịch sự Toán học còn giáo viên phải bối cảnh hóa, hoàn cảnh hóa để học sinh tiếp cận với nó

Dạy Toán ở Việt Nam có gắn với thực tiễn?

PGS.TS Nguyễn Tiến Trung nhấn mạnh, giáo viên muốn dạy Toán gắn với thực tiễn thì phải nghĩ về cuộc sống của học trò chứ không phải thầy cô. Lấy ví dụ về việc ra đề bài về thửa ruộng có chiều dài 4m, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung đánh giá đề bài này đã đưa những thứ trong cuộc sống vào trường nhưng đó không phải là cuộc sống của học sinh, tức là nó không có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống của người học. Cuộc sống của học sinh ngày nay phải là game, xe bus, máy bay hay ở nông thôn thì có thêm dòng sông, con suối… Thầy cô lấy ví dụ đưa vào bài giảng thì phải chọn những thứ gần gũi, thân thiết với học trò.

Tiếp đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung chỉ ra những điểm bất cập trong dạy học tích hợp môn Toán. Có thể kể tới môn Vật lý và Toán học lớp 10 đều có kiến thức về vector. Theo đúng lộ trình, học sinh phải học kiến thức vector từ môn Toán nhưng chương trình học hiện nay lại làm ngược lại, học sinh nghe về vector từ môn Vật lý rồi mới quay lại học ở môn Toán.

Vậy mục tiêu của việc học Toán là điểm số, thành tích hay khơi gợi hứng thú, vận dụng trong cuộc sống và phát triển tư duy Toán học?

PGS.TS Nguyễn Tiến Trung phát biểu, Toán học ở Việt Nam được rất nhiều người quan tâm và thực tế chúng ta đang đào tạo để lấy thành tích cao trong khi tư duy, vận dụng vào cuộc sống lại chưa thực sự được quan tâm. Học sinh Việt Nam có điểm số rất cao nhưng khả năng giải quyết vấn đề lại rất thấp.

Khi nhận đề bài: Diện tích phòng học là 300m2, mỗi chiếc bàn là 0,5m thì kê được bao nhiêu chiếc bàn trong phòng. Học sinh Việt Nam sẽ lấy ngay 300/0,5=600, viết đáp án là 600 chiếc bàn, tức là bàn học lấp kín mặt sàn, không chừa lại lối đi. Trong khi đó học sinh nước ngoài lại đưa ra các phương án kê bàn như thế nào để tận dụng diện tích, có không gian thoải mái trong lớp. Câu chuyện này cho thấy Toán học ở Việt Nam chưa gắn với cuộc sống và giáo viên cần phải thay đổi phương án giảng dạy, thay đổi tư duy cho người học.

PGS.TS Nguyễn Tiến Trung cũng dành thời gian nghiên cứu và nhận thấy cách ra đề bài hiện nay đang có vấn đề, từ việc lấy ví dụ phi thực tế tới việc chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm. Từng có một đề bài “Tỉnh Điện Biên có 80% là người dân tộc thiểu số, hỏi xác suất 1 người dân tộc thiểu số là bao nhiêu phần trăm?”. Đề bài này nghe qua rất thú vị nhưng thực tế không ai hỏi như vậy, nghĩa là tính thực tế trong đề bài này không tồn tại.

Những bất cập trong dạy học Toán thực

Qua thống kê, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung nhận thấy ở các nước phát triển thì thời gian dạy khái niệm chiếm từ 35 – 40% tổng thời lượng tiết học. Trong khi đó ở Việt Nam thì con số này khá khiêm tốn, cao nhất là 15%. Điều này dẫn tới việc thay vì chúng ta không dạy học sinh cách tìm ra quy luật mà tuyên bố khái niệm luôn, quy trình chung sẽ là: đọc tên bài học – đọc định lý – học sinh ghi chép – giải bài tập. Vì thế, học sinh Việt Nam vận dụng định lý rất giỏi nhưng mô hình hóa Toán học lại rất kém.

Một tiết học của chúng ta kéo dài 45 phút nên nếu dành 15% giờ dạy để giải thích khái niệm thì sẽ bị “cháy” giáo án. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung cho rằng nên bỏ qua chuyện thời lượng tiết học. Chương trình nhà trường có đủ điều kiện để làm việc đó, chúng ta có thể thay đổi thành chương trình 2 tiết/bài học.

Bài giảng thu hút đông đảo các giảng viên, giáo viên thuộc các trường đại học, trung học cũng như lãnh đạo, chuyên viên các Sở Giáo dục – Đào tạo

Đặc điểm của dạy học Toán thực là đưa ra các tình huống thực tế phong phú, chúng đóng vai trò là nguồn bắt đầu các khái niệm, công cụ (định lý, quy tắc). Vì thế, các thầy cô giáo cần tăng cường khai thác yếu tố thực của bối cảnh để đưa vào quá trình dạy học. Muốn dạy Toán gắn với thực tiễn thì nên làm từng bước một, chặng đường này rất gian nan nên giáo viên hãy đổi mới từ từ, dàn trải để đỡ áp lực. Mỗi kỳ nên làm một thứ cho ra trò, làm gì cho có hiệu quả thì làm quyết liệt.

Để kết lại bài giảng của mình, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung nhấn mạnh: “Toán học bắt đầu và kết thúc vẫn từ thực tiễn”. Đồng thời, ông cũng bày tỏ quan điểm sẵn sàng đồng hành cùng Bộ, Sở Giáo dục – Đào tạo cũng như các thầy cô để tìm ra phương án giúp việc dạy và học tốt đẹp hơn.

Huệ Anh (tường thuật)

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

1102

Nhân vật