Thanh âm hạnh phúc của giảng viên Âm nhạc truyền thống ĐH FPT campus Hà Nội
Đối với chị Nguyễn Thu Thuỷ (Chủ nhiệm bộ môn Âm nhạc truyền thống, ĐH FPT campus Hà Nội), năm 2022 là năm nhiều thanh âm hạnh phúc vang lên khi những đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nỗ lực tạo ra trải nghiệm cho sinh viên, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc thông qua việc học và chơi nhạc cụ truyền thống thu về nhiều “trái ngọt”.
Năm 2022 đánh dấu sự lan toả mạnh mẽ của âm nhạc truyền thống trong học sinh, sinh viên FPT Edu thông qua hoạt động giảng dạy, cuộc thi, sự kiện biểu diễn mà chị Thu Thuỷ cùng các đồng nghiệp chung tay thực hiện như sân chơi “FPT Edu Tích Tịch Tình Tang”, dự án “Đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc đến với các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội”, show diễn “Cung Thương Hoà Điệu”.... Trong các hoạt động này, chị Thuỷ không chỉ là một giáo viên truyền dạy những ngón đàn cơ bản, mà đã trở thành mentor cả về kỹ thuật lẫn phong cách trình diễn, là giám khảo “cầm cân nảy mực” và đưa ra những nhận định sắc bén về kỹ thuật chơi đàn, và là một cá nhân truyền cảm hứng khó có thể thay thế.
Theo chị Thủy, sau mỗi hoạt động như thế, số lượng bạn trẻ quan tâm đến các loại hình nghệ thuật dân tộc ngày một nhiều hơn. Nhiều bạn sinh viên còn tâm sự với chị rằng, trước đây mở TV cứ nghe thấy tiếng đàn tranh, đàn bầu là ‘auto’ chuyển kênh, nhưng sau khi được tiếp xúc với các hoạt động trải nghiệm âm nhạc truyền thống tại FPT Edu, một “hạt mầm” của sự tò mò, muốn tìm hiểu vì cảm thấy thú vị được “gieo” vào lòng các bạn.
“Nhiều sinh viên từ tò mò dần dần nghiền ngẫm, cảm thụ, rồi hăng say luyện tập và gắn bó với bộ môn nhạc cụ truyền thống, thậm chí còn tự nhìn thấy trách nhiệm ‘đưa tiếng đàn bầu đi xa’ của bản thân mình. Với một người cống hiến cả thanh xuân cho âm nhạc dân tộc và nỗ lực trong suốt nhiều năm để đưa bộ môn Nhạc cụ truyền thống đến gần với thế hệ trẻ như mình, thì đó thật sự là một niềm hạnh phúc lớn không điều gì sánh được.” – chị Thuỷ chia sẻ.
Bên cạnh việc là giảng viên, là mentor, là giám khảo, là người truyền cảm hứng trong các cuộc thi và hoạt động âm nhạc, chị Thuỷ còn là một “bà bầu” mát tay thường xuyên đưa sinh viên FPT Edu tham gia biểu diễn tại các không gian văn hoá nghệ thuật, tạo cơ hội cho các bạn có thêm nhiều trải nghiệm hạnh phúc cùng âm nhạc truyền thống.
Cứ thế, SV của chị Thuỷ trở thành những “nghệ sĩ không chuyên” có kỹ thuật biểu diễn và bản lĩnh sân khấu đáng nể. “Nhìn thấy SV toả sáng trên các sân khấu âm nhạc trong và ngoài FPT Edu chính là nhìn thấy thành quả của việc dạy dỗ, dìu dắt từ những ngày đầu tiên của mình. Những khoảnh khắc hạnh phúc đó mình sẽ không thể nào quên được”, chị Thuỷ xúc động bày tỏ.
Giảng dạy tại FPT Edu - nơi luôn mong muốn người học sẽ “bước ra thế giới với tiếng đàn bầu trong tim”, chị Thuỷ tha hồ được “vẫy vùng” với đam mê và những ý tưởng của mình. “Lãnh đạo tạo điều kiện, đồng nghiệp luôn hỗ trợ hết mình - đó chính là tiền đề để bộ môn m nhạc truyền thống của mình xông pha nhiệt tình trong các hoạt động dạy và học, tạo ra trải nghiệm cho sinh viên. Làm việc trong môi trường như thế này, mình như ‘cá gặp nước’, mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui” – chị Thuỷ chia sẻ.
Nữ giảng viên sẽ tiếp tục bước vào năm 2023 với rất nhiều kế hoạch mới cùng với bộ môn m nhạc truyền thống ĐH FPT campus Hà Nội, trong đó có kế hoạch đưa ca trù, chầu văn, nhạc Huế trở thành trải nghiệm học tập mới cho sinh viên. “Đó là một nhiệm vụ lớn và đầy thách thức, nhưng với tất cả những cảm hứng trong công việc, những hạnh phúc mỗi ngày đến trường, mình tin rằng mình sẽ làm được” – chị Thuỷ hào hứng chia sẻ.
Thục Anh
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn