FPT Edu - Tin tức chung

Tiến sĩ đến từ ĐH hàng đầu Australia: “Thực tế ảo tạo ra sự cảm thông”

18/11/2019
Nguyễn Ngọc Hải
617

Sáng 18/11, tại FPT Edu campus Hòa Lạc (Hà Nội) đã diễn ra seminar khoa học “Hiện thân trong thực tế ảo và ứng dụng”. Chương trình có sự tham gia của TS. Hoàng Ngọc Thương – giảng viên Thực tế ảo và Thực tế tăng cường tại ĐH Deakin (Australia).

Mở đầu chương trình bằng câu hỏi: “Theo các bạn, thực tế ảo (VR) xuất hiện từ bao giờ?”, TS. Hoàng Ngọc Thương khiến các khán giả bất ngờ khi cho biết từ đầu thế kỉ XX, những ý tưởng đầu tiên, đặt nền móng cho một xu hướng công nghệ mới của thế giới đương đại đã thành hình. Đến năm 2016, công nghệ thực tế ảo tạo ra một làn sóng mới trong xã hội khi “tấn công” vào mảng game. Ở Việt Nam, ví dụ sinh động nhất chính là tựa game Pokemon Go gây “sốt” một thời. Và chỉ trong một thời gian ngắn, số công ty thực tế ảo trên toàn cầu tăng 40%, biến năm 2016 trở thành “năm của thực tế ảo”.

TS. Hoàng Ngọc Thương

“Mọi người ai cũng nói về thực tế ảo (VR) vì giờ chúng ta đã có thể mua được, sở hữu được các sản phẩm của nó một cách dễ dàng với giá rất rẻ. Và khi sở hữu được rồi, người ta sẽ đặt ra câu hỏi là mình có thể làm gì với nó. Đó chính là động lực thúc đẩy sự ra đời của các ứng dụng VR” – TS. Thương cho biết.

Tại ĐH Deakin – nơi TS. Thương công tác, VR được ứng dụng trong nhiều khâu nghiên cứu và giảng dạy. Điển hình như khi giảng dạy về cơ thể người, các tài liệu có thể minh họa rất chi tiết về cấu tạo một bộ xương nhưng lại không cho thấy sự chuyển động của các cơ, khớp khi con người di chuyển. Việc ứng dụng VR đã giải quyết trọn vẹn vấn đề này khi sinh viên không chỉ được xem xét kỹ các chuyển động dưới nhiều góc độ mà còn được tự mình trải nghiệm và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, TS. Thương cũng cho rằng: “Thực tế ảo tạo ra sự cảm thông”. Ông lấy ví dụ dự án của chính mình tại ĐH Deakin về các động vật tuyệt chủng: “Thông qua VR, một con người có thể hiểu hơn về thế giới đầy những khó khăn của các loài động vật, từ đó nâng cao nhận thức của xã hội về chính vấn đề này”. Giá trị này khiến VR ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các dự án về giảm phân biệt chủng tộc, thu hẹp khoảng cách với các cộng đồng dân tộc thiểu số,…

SV trải nghiệm thực tế ảo

Đánh giá về sự phát triển của thực tế ảo tại Việt Nam, TS. Hoàng Ngọc Thương cho rằng đây là mảnh đất tiềm năng khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang có những bước tiến mạnh mẽ. Bởi vậy, cơ hội cho những người trẻ Việt Nam là rất lớn: “Tôi khuyên các bạn nên dành thời gian để đưa ra những ý tưởng thiết kế của riêng mình. Học VR không khó, lên internet sẽ có rất nhiều hướng dẫn. Điều quan trọng là bạn phải tìm tòi xem các công nghệ đó ứng dụng ra sao, con người có thể sử dụng thế nào để tạo ra các ứng dụng thiết thực. Còn lập trình, việc đó có cần thiết nhưng không quan trọng bằng ý tưởng”.

GV, SV FPT Edu hào hứng khi trải nghiệm thực tế ảo

TS. Hoàng Ngọc Thương hiện là giảng viên tại ĐH Deakin, Australia. Ông tập trung nghiên cứu về thiết kế, ứng dụng và đánh giá ứng dụng tương tác áp dụng thực tế ảo VR và thực tế ảo tăng cường AR vào các thiết bị đeo tay và điện toán, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, môi trường công cộng, triển lãm và y tế. Với thành tích nghiên cứu nổi bật, ông từng cộng tác làm việc với Science Gallery Melbourne, Phòng Trưng bày quốc gia Victoria National of Gallery, Channel 11 và Bệnh viện Nhi Hoàng Gia Melbourne. Ông cũng thường xuyên về nước tham gia các seminar khoa học, đưa trải nghiệm về thực tế ảo và thực tế tăng cường đến gần hơn với học sinh, sinh viên.

Hải Nguyễn

617

Nhân vật