8 Khó khăn khi dạy học trải nghiệm sáng tạo với người dạy & học
Sách báo thường nói nhiều về lợi ích, nhưng ít ai đề cập đến những khó khăn khi dạy học trải nghiệm sáng tạo. Hiểu được điều đó, bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để các bạn có một cái nhìn toàn diện hơn về phương pháp dạy học trải nghiệm sáng tạo với người dạy và cả người học.
1. Những khó khăn khi dạy học trải nghiệm sáng tạo với người dạy
Học trải nghiệm sáng tạo là một hoạt động giáo dục, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức và điều phối các hoạt động thực tiễn khác nhau, còn học sinh là người tham gia vào các hoạt động đó. Hoạt động này còn có tên gọi khác là hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại giờ chính khóa.
Các hoạt động trong học trải nghiệm sáng tạo có thể là: hoạt động câu lạc bộ, hoạt động thông qua tổ chức trò chơi, sân khấu tương tác, tham quan – dã ngoại, hội thi – cuộc thi, tổ chức sự kiện, hoạt động giao lưu…
Như vậy có thể thấy, trong hoạt động học trải nghiệm sáng tạo thì học ngoài lớp học, học trong các dự án thực tế, đi tham quan chỉ là 1 phần. Học trải nghiệm còn là học trên lớp nhưng với các phương pháp khác thông thường: học văn qua game, học STEM, làm project trong các dự án lập trình với khách hàng thật…
Do đó, học trải nghiệm sáng tạo, người dạy sẽ gặp những khó khăn như:
1.1. Tốn nhiều thời gian để chuẩn bị chương trình dạy học
Một chương trình dạy học trải nghiệm sáng tạo sẽ cần nhiều thời gian hơn trong cả khâu lên kế hoạch và triển khai. Cụ thể, người dạy sẽ cần tư duy về mục tiêu hoạt động, hình thức tổ chức, thời điểm tổ chức và cách thức tổ chức…
Do vậy, việc để có thể đưa một hoạt động học trải nghiệm sáng tạo vào một chương trình dạy học khá kín về thời lượng như hiện nay cần rất nhiều sự cân nhắc và sắp xếp.
1.2. Yêu cầu khả năng bao quát và xử lý vấn đề phát sinh tốt
Khi tổ chức bất cứ một hoạt động học trải nghiệm sáng tạo nào, yếu tố về sự an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm đều rất quan trọng.
Trong khi đó, đối với nhiều hoạt động như tham quan, dã ngoại, giao lưu, do khoảng cách địa lí, phương tiện di chuyển và đối tượng trải nghiệm nên việc đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức cho số đông học sinh tham gia học tập sẽ gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, giáo viên còn cần xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến công nghệ, khả năng tiếp cận bài học theo cách mới của học sinh, công tác điều phối và tương tác với học sinh…
1.3. Một số môn khó xây giáo trình trong bối cảnh online
Trong các hoạt động học trải nghiệm sáng tạo, một số môn học yêu cầu giáo viên và học sinh phải có mặt tại nơi tổ chức để trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động. Điều này không chỉ yêu cầu kinh phí cao hơn cho các hoạt động học tập mà còn giới hạn về không gian địa lý.
Điều đó cũng có nghĩa là người dạy và học sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng giáo trình, thực hiện hoạt động trong bối cảnh online.
Bên cạnh đó, việc xây giáo trình trong bối cảnh online cũng yêu cầu giáo viên phải có kiến thức đủ rộng, có khả năng ứng dụng công nghệ và có thể tích hợp nhiều hoạt động tương tác vào trong bài học. Điều này không phải giáo viên nào cũng có thể đáp ứng được.
1.5. Yêu cầu kinh phí cao hơn
Do đặc trưng của những hoạt động học trải nghiệm sáng tạo thường là sự kiện, khiến yếu tố kinh phí cũng trở thành một khó khăn không nhỏ đối với người dạy và người học. Kinh phí thường sẽ được chi cho các hạng mục như: trang trí, di chuyển, trang phục, đạo cụ, địa điểm…
Bởi vậy, việc đưa hoạt động học trải nghiệm sáng tạo vào chương trình gặp nhiều khó khăn hơn, yêu cầu sự chọn lọc cao hơn.
2. Những khó khăn với người học trải nghiệm sáng tạo
Ngoài những khó khăn khi dạy học trải nghiệm sáng tạo thì đây cũng là một thức thách đổi mới với người học. Bởi là một phương pháp giáo dục cần nhiều sự đầu tư, vậy nên học trải nghiệm sáng tạo cũng sẽ tạo những khó khăn nhất định đối với người học. Ví dụ như: Cần sự tập trung cao độ, dễ bị tác dụng ngược, yêu cầu sức khỏe tốt…
2.1. Tập trung cao độ mới theo kịp
Học trải nghiệm sáng tạo tương tự một môn học thực hành và cần sự tham gia tích cực từ phía người học. Đặc biệt, trải nghiệm sáng tạo không phải là môn học có thể ôn tập lại ở nhà hay học vào một thời điểm khác. Chính bởi vậy, đây là hoạt động cần người học có sự tập trung cao độ từ phía người học để theo kịp tốc độ của các hoạt động.
Ví dụ như với hoạt động sân khấu tương tác, học sinh được yêu cầu đưa ra quan điểm, học cách xử lý tình huống ngay trong quá trình tham gia. Để làm tốt điều này, người học cần sự tập trung cao độ, và vận dụng những kinh nghiệm cá nhân để xử lý tốt mọi tình huống.
Điểm khác giữa việc xử lý tình huống trong hoạt động sân khấu tương tác và xử lý tình huống trong bài học trên lớp nằm ở chỗ, trên sân khấu, người học gần như phải đưa ra quan điểm, giải pháp ngay lập tức để duy trì nhịp độ của vở kịch.
Do vậy, để hạn chế sự bị động trong các tình huống phát sinh, người học cần chuẩn bị tốt tâm lý, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống.
2.2. Dễ bị tác dụng ngược nếu chưa chuẩn bị tâm lý tốt
Một yếu tố quan trọng phải kể đến, khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, nếu không được hướng dẫn và có sự chuẩn bị về tâm lý và phương pháp, các em học sinh dễ bị rơi vào sự thụ động, hoang mang khi tiếp cận đối tượng trải nghiệm.
Ví dụ như với hoạt động hội thi, cuộc thi. Mục tiêu của hoạt động trải nghiệm này là tạo sân chơi cho các bạn cùng nhau giao lưu, học hỏi và luyện tập các kỹ năng, ôn luyện kiến thức. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ mục tiêu ấy, dưới sự tác động của ngoại cảnh, người học sẽ dễ rơi vào trạng thái rụt rè, sợ sai, sợ thua hoặc cay cú nếu không đạt được kết quả như mong muốn.
So với phương pháp học cũ, việc học tập thông qua cuộc thi sẽ dễ dàng tạo động lực và sự quyết tâm lớn hơn cho người học. Tuy nhiên, về yếu tố tâm lý, các cuộc thi cũng dễ gây nhiều áp lực và cảm xúc tiêu cực hơn cho thí sinh.
Do vậy, trước mỗi hoạt động trải nghiệm, người học cần tìm hiểu kỹ về mục tiêu hoạt động, cách thức tiếp cận đối tượng trải nghiệm, những hoạt động cần làm và kỹ năng, kiến thức cần nắm được sau hoạt động.
2.3. Yêu cầu về sức khỏe
Do đặc thù, một số hoạt động học trải nghiệm sáng tạo sẽ yêu cầu người học vận động hoặc di chuyển nhiều. Đây là nhược điểm của những hoạt động như tham quan – dã ngoại, tổ chức sự kiện, hội thi – cuộc thi, hoạt động nhân đạo…
Cụ thể, ở một hoạt động tham quan – dã ngoại để tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa, người học sẽ cần tập trung từ sớm tại một địa điểm, lên xe di chuyển tới di tích, đi theo hướng dẫn viên để tham quan và tìm hiểu… Chưa kể đôi khi chuyến tham gia sẽ diễn ra trong điều kiện không thuận lợi như nắng nóng, mưa phùn, đường xá lầy lội hoặc cần leo dốc…
Vậy nên, để tham gia những hoạt động này, người học cần có sức khỏe ổn định, đảm bảo có thể vận động và di chuyển trong suốt quá trình hoạt động diễn ra. So với những hoạt động học tập truyền thống thường chỉ diễn ra trong khuôn viên lớp học, hoạt động trải nghiệm này sẽ thú vị và mới lạ hơn nhưng sẽ không phù hợp với một số đối tượng người học đặc biệt.
Tuy nhiên, sức khỏe không phải là thứ cứ muốn là có được. Vậy nên để có thể tham gia những hoạt động học trải nghiệm sáng tạo, người học cần có kế hoạch luyện tập, nâng cao sức khỏe của bản thân hàng ngày.
3. Có nên trải nghiệm học sáng tạo không?
Dù học trải nghiệm sáng tạo là những hoạt động có nhiều khó khăn, nhưng đây là một trong những phương pháp tối ưu nhất giúp học sinh tiến bộ nhanh chóng và vận dụng tốt các kiến thức cùng kỹ năng. Do vậy, học trải nghiệm sáng tạo vẫn được nhiều người lựa chọn vì những lợi ích của nó.
Đối với người học:
- Dễ dàng nắm bắt kiến thức thông qua các hoạt động thực tế và thú vị
- Phát huy tối đa tính sáng tạo, do người học được sử dụng tối đa khả năng của bản thân để đáp ứng yêu cầu bài học và xử lý tình huống
- Phát triển các kỹ năng mềm tốt hơn nhờ những hoạt động giao tiếp, trao đổi, làm việc nhóm, thuyết trình…
- Tạo tâm lý thoải mái, hào hứng hơn khi học, do được tiếp xúc với những phương pháp học tập mới, thay đổi thường kỳ và đa dạng hình thức học tập
Đối với người dạy:
- Tạo không khí lớp học sôi nổi hơn, học sinh tham gia nhiệt tình hơn, giúp giáo viên có nhiều cảm hứng dạy
- Tăng cường kỹ năng giảng dạy cho giáo viên do thường xuyên phải tìm tòi phương pháp giảng dạy mới, được rèn luyện các kỹ năng giảng dạy một cách thường xuyên
- Gắn kết giáo viên với học sinh nhờ những hoạt động thực tế như tham quan – dã ngoại, tập kịch, chuẩn bị cho sự kiện…
Có thể nói, những khó khăn khi dạy học trải nghiệm sáng tạo sẽ không khó với những người có mong muốn nâng cao chất lượng giờ học, sẵn sàng đầu tư và công sức để lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng.
Tìm hiểu thêm về học tập trải nghiệm tại đây.
Ảnh: Internet, FPT Edu
Xem thêm: