Trường học trải nghiệm

CBGV THPT FPT Cần Thơ biến lớp học online thành thiên đường trải nghiệm cho học sinh

18/10/2021
Hồ Thị Khánh Như
3507

Trong giai đoạn học tập trực tuyến, không thể tổ chức các hoạt động, sự kiện offline, các CBGV tại THPT FPT Cần Thơ vẫn không ngừng nỗ lực, sáng tạo để mang đến nhiều hoạt động trải nghiệm online bổ ích cho học sinh.

Cùng học sinh trải nghiệm hoạt động truyền thông online

Là cán bộ truyền thông của trường, chị Đặng Khánh Huyền gặp không ít khó khăn trong quá trình thu thập và xử lý chất liệu truyền thông giữa giai đoạn học tập trực tuyến, khi mọi hoạt động ngoại khoá, các sự kiện offline đều phải hoãn lại. Tuy nhiên, chị cũng cảm thấy đây là một thách thức thú vị để bản thân tìm tòi, sáng tạo cách tăng trải nghiệm online cho học sinh.

“Bí kíp” của chị là thực hiện các video, hình ảnh, ấn phẩm với các chất liệu “cây nhà là vườn” đến từ chính các bạn học sinh. Chị Huyền không ngại “rủ rê” các bạn cùng tham gia nhiều trải nghiệm làm truyền thông với mình. “Các bạn sẽ tự quay theo kịch bản, sau đó up lên folder để người biên tập kiểm tra, nếu đạt thì sẽ đến giai đoạn dựng. Thậm chí các bạn học sinh cũng cùng chị thu các beat nhạc, có hòa âm và phối khí mặc dù làm việc từ xa luôn đó”, chị Huyền kể.

Thông qua trải nghiệm này, học sinh sẽ học được rất nhiều kỹ năng làm việc trực tuyến, các công cụ hữu ích để làm sản phẩm truyền thông, phát huy được khả năng sáng tạo, kỹ năng ứng phó trong điều kiện hạn chế. Quan trọng hơn, học sinh sẽ có thêm một hình thức ngoại khóa online, giải trí sau nhiều giờ học căng thẳng. Chỉ trong vòng 2 tháng, chị Huyền và các “cộng tác viên” của mình đã cùng nhau thực hiện được các video âm nhạc, truyền thông như: “Không sao mà Việt Nam ơi”, “Hào khí Việt Nam”, “Trung thu nào cũng là Trung thu”...

Chị Huyền cũng cho biết, không có giai đoạn nào thích hợp để tổ chức các cuộc thi online hơn giai đoạn này. Chị đã tổ chức cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc FSchool” – Nơi các bạn học sinh có thể chia sẻ những khoảnh khắc đầy kỷ niệm với FSchool Cần Thơ hay minigame “Nghịch từ tròn chữ” với quà tặng là voucher nhà sách Cá chép… Và cuộc thi nào cũng được các bạn học sinh FSchool Cần Thơ hào hứng tham gia.

Chị Huyền còn tham gia nhiều talkshow do chính các bạn học sinh tổ chức với vai trò speaker như: “Mần content với góc nhìn nấu ăn”; “Sống lành để trẻ, ăn khỏe để xanh”. Ở từng talkshow, chị đều có những góp ý chân thành giúp các bạn học sinh có thêm kinh nghiệm về tổ chức sự kiện. 

“Ban đầu mình nghĩ tổ chức online sẽ khó khăn lắm, nhưng khi làm vài video và vài buổi workshop thì chị thấy làm online cũng có điều thuận lợi hơn offline, ví dụ không cần dọn dẹp sau sự kiện nè (cười). Tuy vậy, mình cũng cần có kế hoạch, kịch bản rõ ràng, kêu gọi sự tham dự của học sinh các CLB… Khó khăn hay không nằm ở góc nhìn của bản thân. Đối với mình, mùa dịch cũng là cơ hội cho truyền thông”, chị Huyền kể.

Lắng nghe học sinh, lên kế hoạch kỹ càng khi tổ chức sự kiện online

Phòng Công tác học sinh của THPT FPT Cần Thơ vẫn được biết đến là “chủ xị” của nhiều chương trình, sự kiện lớn ở trường. Giai đoạn học trực tuyến này, phòng vẫn luôn tìm cách để tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, các hoạt động thú vị cho học sinh trên nền tảng online.

Điển hình trong đầu năm học này, sự kiện Tuần lễ định hướng kéo dài một tuần với hàng loạt các hoạt động khác nhau mỗi ngày như: talkshow, học tập kỹ năng mềm, chương trình ôn tập kiến thức… tùy theo độ tuổi và đặc điểm của học sinh. Tiếp đến là Lễ khai giảng trực tuyến theo concept du hành vũ trụ được đầu tư kỹ lưỡng từ nội dung đến hình ảnh đã mang lại cho học sinh FSchool Cần Thơ một khởi đầu năm học mới phấn khởi, nâng cao tinh thần học tập giữa mùa dịch. 

“Để tổ chức các hoạt động đó, trước cả khi giai đoạn học trực tuyến bắt đầu, Phòng Công tác học sinh đã có các cuộc họp chuẩn bị, lên kế hoạch dài hạn, các phương án cả online lẫn offline, khi việc giãn cách xã hội diễn ra thì trường cũng đã có sẵn kế hoạch chuẩn bị”, chị Trần Lâm Xuân Dung, cán bộ Phòng CTHS chia sẻ.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian dạy và học trực tuyến này, chị Dung nhớ ngay tới buổi giao lưu thuộc Tuần lễ định hướng: “Mình chưa dùng phần mềm OnMeeting (phần mềm nhà trường dùng cho sự kiện trực tuyến) bao giờ, lại bị áp lực khi có đến hơn 700 người tham gia bao gồm Cán bộ giáo viên và học sinh của trường, nên mặc dù được hướng dẫn kỹ từ cán bộ kỹ thuật mình vẫn hơi luống cuống”, chị Dung kể.

Nhưng ngay sau mỗi sự kiện, dù rất muộn, các anh chị cán bộ trong ban tổ chức vẫn cùng nhau họp để rút kinh nghiệm, kết hợp việc lắng nghe ý kiến phản hồi từ học sinh thông qua các phiếu khảo sát, phản hồi trực tiếp… “Điều tuyệt vời nhất mà phòng nhận được chính là đa số các bạn học sinh đều vẫn hào hứng và học tập được nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau sau từng sự kiện”, chị Dung nói.

Chị Dung cũng chia sẻ, hình thức trực tuyến có thể được xem như một lợi thế để tổ chức các sự kiện như hội thảo, giao lưu với các trường quốc tế... mà không gặp cản trở về mặt địa lý. “Các em học sinh cũng có thể giao lưu với bạn bè, thầy cô, các diễn giả đến từ nhiều nơi mà không cần di chuyển xa xôi”.

Đa dạng hóa hình thức trải nghiệm trong giờ học kỹ năng mềm

Môn kỹ năng mềm là một trong những môn học đòi hỏi mức độ tham gia hoạt động trải nghiệm của học sinh nhiều nhất. Vậy nên khi dạy học trực tuyến, thầy Đoàn Văn Phước Thọ (Giáo viên Kỹ năng mềm) đã linh động điều chỉnh các bài giảng phù hợp với việc học online từ những hoạt động nhỏ nhất.

“Trong những tiết kỹ năng mềm, việc tạo sự thu hút cũng như hưởng ứng từ học sinh là vô cùng cần thiết. Việc thiết kế bài giảng online của mình, vì thế, cũng mất nhiều thời gian hơn bình thường, nhất là việc tìm hoạt động khởi động đầu giờ và cách triển khai nội dung bài học”, thầy Thọ kể.

Để khởi động một buổi học, thầy Thọ thường sẽ trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, tình hình bài tập trong tuần của học sinh. Sau đó, thầy cùng các em tham gia các hoạt động trải nghiệm như: gameshow “Chọn đâu cho đúng”, “Ai là triệu phú”, “Đuổi hình bắt chữ”... tùy theo nội dung mỗi bài học hôm đó hay những hoạt động không cần công cụ/thiết bị công nghệ như “Luyện não trái não phải”, cho học sinh thể hiện bản thân bằng cách hát, rồi sau đó chọn bạn khác cho tuần tiếp theo…

Khi vào bài học, thầy Thọ cũng thiết kế thêm nhiều hoạt động để các em làm việc nhóm, tạo ra các sản phẩm gần gũi với cuộc sống: chụp ảnh cuộc sống/khoảnh khắc đời thường… Đặc biệt, thầy Thọ còn có lợi thế về nét mặt và hình thể linh hoạt nên thường vận dụng, dùng bản thân làm ví dụ để diễn tả cho học sinh.

“Mình thường cho ví dụ cụ thể kèm theo việc biểu cảm nét mặt để học sinh dễ hiểu. Ví dụ như bài “Cảm xúc giận dữ, lo lắng, sợ hãi”, mình “diễn” y như lúc giận, lúc sợ… Có lần phụ huynh vô tình nhìn vô màn hình của con, thấy thầy giáo mặt cứ “phừng phừng”, tưởng chuyện gì (cười)”, thầy Thọ kể.

Thầy Thọ cũng tạo những khoảng nghỉ 5 phút giữa các bài giảng để học sinh nghỉ ngơi, rời mắt khỏi màn hình, uống nước hoặc rửa mặt tùy ý, tránh học tập kéo dài gây mệt mỏi. Thầy cũng chú ý nắm bắt tâm lý học sinh, có bạn không mở camera, thầy Thọ sẽ hỏi thăm, gọi tên bạn đó nhiều hơn, nhờ bạn làm trợ giảng… thay vì đưa ra yêu cầu hoặc trách phạt.

“Mình thường tâm tình gần gũi với học sinh nên cũng nhận được nhiều sự chia sẻ rất thật lòng cũng như sự phản hồi và sự tham gia tích cực từ học sinh. Mình nghĩ đó cũng là “bí quyết” duy nhất để tạo nên những giờ học trải nghiệm thật vui”, thầy Thọ chia sẻ.

Có thể thấy, giai đoạn học trực tuyến này cũng không thể "làm khó" các CBGV của THPT FPT Cần Thơ. Bằng sự sáng tạo, tâm huyết và yêu nghề, các thầy cô, anh chị cán bộ vẫn mang đến nhiều giờ học, giờ trải nghiệm thú vị cho học sinh của mình. 

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Khánh Như

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

3507

Nhân vật