Thầy cô THPT FPT Cần Thơ “hô biến” giờ học online thành giờ trải nghiệm thú vị
- 1001 trải nghiệm online độc đáo của học sinh THPT FPT Cần Thơ
- Các "tân binh" THPT FPT Cần Thơ kể về lớp học online đầy ắp trải nghiệm
- Sôi nổi các hoạt động CLB trực tuyến của học sinh THPT FPT Cần Thơ
- Bí kíp học online vẫn đầy ắp trải nghiệm từ học sinh THPT FPT Cần Thơ
- CBGV THPT FPT Cần Thơ biến lớp học online thành thiên đường trải nghiệm cho học sinh
- Phụ huynh hào hứng cùng những trải nghiệm học online của học sinh THPT FPT Cần Thơ
Luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo, các thầy cô tại Trường THPT FPT Cần Thơ đã biến những giờ học online thành những giờ trải nghiệm thú vị, sống động thông qua nhiều hoạt động tương tác đa dạng.
Trải nghiệm Vật lý qua game based learning và các dự án liên môn
Cô Nguyễn Thị Phương Mai (Giáo viên Vật lý, THPT FPT Cần Thơ) chia sẻ việc học trực tuyến vẫn có một số hạn chế so với cách học truyền thống như: khó kiểm soát khả năng tập trung của học sinh, tính xác thực khi kiểm tra, đánh giá năng lực, các vấn đề khách quan về đường truyền mạng
Vì thế, cô luôn trăn trở làm sao để các tiết học Vật lý của mình phải thật hấp dẫn, thu hút 100% học sinh tích cực tham gia. Để làm được điều này, các giờ Vật lý chắc chắn phải “nói không” với việc đọc chép chính tả hay những cách kiểm tra căng thẳng mà thay vào đó là nhiều hoạt động trải nghiệm được thiết kế phù hợp với từng độ tuổi, khối, lớp khiến học sinh hào hứng với việc tìm kiếm, thu nạp kiến thức.
“Với các em khối 10, mình hay cho các em tương tác với các công cụ game based learning (học tập trên nền tảng trò chơi để tăng trải nghiệm) để vừa học vừa giảm áp lực. Song song với đó, mình vẫn thực hiện hoạt động trải nghiệm Vật lý bằng cách xem video, thí nghiệm mô phỏng rất trực quan, cũng như hướng dẫn học sinh trải nghiệm (khảo sát nhỏ) bằng cách thực hiện tại nhà, quay video lại gửi cho giáo viên. Gần đây nhất, mình có để các em khảo sát sự rơi tự do của vật thể”, cô Mai kể.
Ở khối 11, ngoài những hoạt động trên, cô Mai sẽ bổ sung thực hiện thêm thí nghiệm khảo sát nhỏ trên lớp để học sinh hiểu rõ vấn đề và hướng dẫn thực hiện các dự án liên môn hấp dẫn. “Hiện tại khối 11 đang chạy dự án “Miền Trung yêu thương”. Đậy dự án liên môn Vật lý – Công nghệ. Các em sẽ nhận yêu cầu từ giáo viên và lên kế hoạch xây dựng ý tưởng, cũng như làm sản phẩm “Giải pháp hỗ trợ người dân miền Trung sống chung với thiên tai”, cô Mai nói.
Dự án sẽ được thực hiện trong cả học kì 1 và là căn cứ để thầy cô tính điểm học tập. Đây cũng là một trong những hoạt động học tập trải nghiệm thường thấy ở FSchool Cần Thơ.
“Đa phần các em rất nhiệt huyết và đầu tư cho dự án, các hoạt động trải nghiệm nhưng cũng có em bị lúng túng hoặc quá tải do chưa quen việc học online. Những lúc đó mình sẽ hướng dẫn, tư vấn cho các em để giải quyết vấn đề. Đây cũng là kỹ năng mà các thầy cô trong trường mong học sinh có được – kỹ năng thích ứng mọi hoàn cảnh và xử lý công việc linh hoạt”, cô Mai cho biết thêm
Học môn xã hội qua tổ chức diễn đàn, làm sản phẩm truyền thông
Hình thức học tập trải nghiệm các môn xã hội tại THPT FPT Cần Thơ vốn rất đa dạng và sinh động, từ vận hành qua câu lạc bộ, dạy học qua tương tác diễn đàn, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đến làm dự án, mời chuyên gia giao lưu, đi thực tế...
Trong giai đoạn dạy và học trực tuyến, các hoạt động trải nghiệm học tập cũng có chút ít ảnh hưởng. “Cụ thể là những hoạt động offline của câu lạc bộ hay trực tiếp đi thực tế, trưng bày triển lãm sản phẩm sẽ không thể diễn ra”, thầy Hồ Hoàng Khải, Tổ trưởng tổ Xã hội chia sẻ.
Nhưng cũng theo thầy Khải, các thầy cô trong tổ vẫn luôn linh hoạt đổi cách tương tác với học sinh trên các nền tảng online, để các em vẫn được trải nghiệm thực tế và thực hành nhiều thay vì “nhồi nhét” lý thuyết.
“Với các môn Ngữ Văn, Giáo dục Công dân (GDCD) các thầy cô thường tạo các diễn đàn online, những buổi tranh biện nhỏ theo nhóm về từng tác phẩm văn học hoặc các vấn đề xoay quanh kiến thức môn học. Điều này rèn tư duy phản biện cũng như giúp các em hứng thú với việc chủ động tìm hiểu kiến thức. Ví dụ, học sinh có thể chia nhóm và tranh biện về đoạn kết truyện Tấm Cám. Thường, các buổi diễn đàn này thu hút sự tham gia rất nhiệt tình từ học sinh.
Với các môn Sử, Địa, thầy cô sẽ đưa yêu cầu, hướng dẫn các em thực hiện sản phẩm đầu ra của hoạt động trải nghiệm, có thể là báo cáo và trình bày online bằng video, thiết kế infographic... Nhiều em rất đầu tư và chủ động nghiên cứu nhiều hình thức thể hiện hay, ngoài cả những điều thầy cô hướng dẫn”, thầy Khải chia sẻ.
Cũng theo thầy Khải, hiện nay các dự án liên môn Văn - GDCD vẫn được thầy cô FSchool Cần Thơ tiến hành như bình thường với học sinh vì đã có kho học liệu online phong phú. Tuy nhiên, các dự án cũng sẽ có một vài điều chỉnh để phù hợp với hình thức học trực tuyến. “Các hoạt động hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học xã hội của tổ xã hội cũng vẫn diễn ra bằng việc họp online và khảo sát qua phiếu online.”, thầy Khải nói.
Sôi động cùng Movement Games giờ học tiếng Anh
Khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thầy Lâm Văn Kiệt (Giáo viên tiếng Anh, THPT FPT Cần Thơ) đã xác định việc dạy học trực tuyến là việc lâu dài. Thầy đã chuẩn bị bài giảng tinh giản hơn nhưng phải sinh động, đảm bảo đủ nội dung kiến thức và tăng cường các hoạt động tương tác trải nghiệm cho học sinh.
Xuất phát từ ý tưởng thu hút học sinh qua hoạt động đầu giờ, thay vì kiểm tra bài cũ theo cách truyền thống đầy cứng nhắc, thầy Kiệt đã vận dụng các trò chơi vận động (Movement Games) để giúp học sinh khởi động buổi học đầy năng lượng. Cụ thể, học sinh sẽ cần di chuyển xung quanh căn phòng của mình để hoàn thành các thử thách của trò chơi đặt ra bằng tiếng Anh: tìm đồ vật này, thực hiện động tác kia... Cả học sinh và thầy giáo đều phải nói tiếng Anh trong quá trình chơi trò chơi
“Hoạt động này bước đầu đã giúp các em lấy lại năng lượng, giải tỏa căng thẳng và tạo sự hoạt náo như thể các em được trải nghiệm thực tế môi trường học ở trên lớp dù chỉ trong căn phòng của chính mình. Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành các thử thách, các em còn được ôn lại các kiến thức cũ của mình trước khi bắt đầu nội dung của bài mới”, thầy Kiệt nói.
Theo một khảo sát nhỏ được thầy Kiệt thực hiện gần đây tại các lớp thầy phụ trách, có đến 98% học sinh nói rằng các em muốn được duy trì hoạt động này ở đầu mỗi buổi học tiếng Anh. Bởi, các em được trải nghiệm không khí vui tươi, giúp ghi nhớ từ vựng dễ dàng và tạo hứng thú, tập trung bài nhiều hơn. “Một tín hiệu mừng và cũng là một động lực to lớn để chính tôi có thể tiếp tục duy trì và cải thiện hoạt động đầu giờ này ngày một tốt hơn”, thầy Kiệt tâm sự.
Thầy Kiệt cũng cho biết, việc dạy học trực tuyến, may mắn thay, khó khăn chỉ nằm ở các yếu tố khách quan như đường truyền mạng bất ổn nên thi thoảng thầy – trò bị mất kết nối và tương tác bị gián đoạn. “Đôi khi mình thấy, dạy học trực tuyến lại là một cơ hội mới mà mình có thể tận dụng để nắm bắt được tình hình nhiều học sinh hơn trong cùng một lúc, được trao đổi nhiều hơn với các em trong cùng một tiết dạy”.
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình. Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình. |
Khánh Như
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn