Trường học trải nghiệm

Dạy lịch sử bằng sơ đồ tư duy, cô giáo FSC Quy Nhơn "chinh phục" học trò trong những giờ học trực tuyến

08/10/2021
Hà Hải Ngân
1120


Phương pháp học bằng sơ đồ tư duy được cô giáo Huỳnh Thị Mỹ Hòa đưa vào giảng dạy trong môn Lịch sử lớp 10 tại Trường THPT FPT Quy Nhơn. Nhờ sự đổi mới trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, cô Mỹ Hòa đã giúp cải thiện trải nghiệm học tập môn Lịch sử online của nhiều học sinh.

Sơ đồ tư duy (Mind Map) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hóa một chủ đề. 

Việc sử dụng sơ đồ tư duy huy động tối đa tiềm năng của bộ não, giúp học sinh học tập tích cực, hỗ trợ hiệu quả các phương pháp dạy học khác như thuyết trình, đàm thoại, dự án, trải nghiệm... 

Cô Mỹ Hòa đã vận dụng những đặc điểm này của phương pháp sơ đồ tư duy để khuyến khích học sinh sáng tạo và trải nghiệm nhiều hơn trong quá trình học tập môn Lịch sử. Đây là phương pháp tuy không mới nhưng lại không hề lỗi thời, đặc biệt phương pháp này càng phát huy tác dụng trong việc giảng dạy trực tuyến.

 

Chân dung cô Mỹ Hòa – Giáo viên Lịch sử Trường THPT FPT Quy Nhơn

 

Trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử, cô Mỹ Hòa sẽ áp dụng sơ đồ tư duy một cách linh hoạt trong 3 tình huống: khi kiểm tra kiến thức cũ, khi cùng học trò tìm hiểu hiểu bài học mới và khi ôn tập chung. Đồng thời, muốn học sinh vẽ sơ đồ tư duy hiệu quả, giáo viên cũng cần hướng dẫn các em quy trình và nguyên tắc cần thiết.

Theo cô Hòa, quy trình vẽ sơ đồ tư duy hiệu quả bao gồm 5 bước: xác định từ khóa; vẽ chủ đề ở trung tâm; vẽ tiêu đề phụ (nhánh cấp 1); vẽ nhánh cấp 2, cấp 3 và cuối cùng là thêm các hình ảnh minh họa. Cũng tương tự, sẽ có 5 nguyên tắc trong quá trình vẽ sơ đồ tư duy: xác định rõ ý chính của sơ đồ tư duy; thêm các nhánh thích hợp vào sơ đồ tư duy; sử dụng từ khóa cho mỗi nhánh; chọn màu khác nhau cho các nhánh; kết hợp với việc sử dụng hình ảnh minh họa để nâng cao hiệu quả ghi nhớ.

"Trong việc vận dụng sơ đồ tư duy vào bài học, giáo viên sẽ đóng vai trò người tổ chức, hướng dẫn học sinh, chứ không trực tiếp tham gia. Trong trường hợp, học sinh không thể khống chế số lượng nội dung trình bày trên sơ đồ và không chú ý tới việc sử dụng hình ảnh minh họa, giáo viên sẽ giúp học sinh lựa chọn "keyword" và hình ảnh" – cô Hòa chia sẻ.

Đặc biệt hơn, ở lớp học Lịch sử của cô Mỹ Hòa, những sơ đồ tư duy không chỉ được vẽ bằng phương pháp truyền thống mà có rất nhiều sơ đồ tư duy được vẽ với sự "giúp sức" của công nghệ. Một số phần mềm vẽ sơ đồ tư duy mà cô Mỹ Hòa đã giới thiệu đến học sinh như: Canva, iMaindMap, Coggle, MindMup, MindMeister và LucidChart… 

Nhờ việc ứng dụng công nghệ vào học tập, cụ thể là vẽ sơ đồ tư duy, nhiều học sinh đã có thể hoàn thành các sơ đồ tư duy một cách nhanh chóng và đẹp mắt. Đồng thời, việc sử dụng những ứng dụng này vào học tập cũng khiến các em hứng thú hơn với việc vẽ sơ đồ và bài học.

 

Một sản phẩm sơ đồ tư duy do học sinh của cô Mỹ Hòa thực hiện

Bên cạnh đó, cô Mỹ Hòa cũng đề xuất việc thường xuyên cho điểm, cộng điểm cho học sinh dựa trên các sản phẩm sơ đồ tư duy, nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các em tiếp tục vận dụng phương pháp học tập này nhiều hơn nữa. 

Bước đầu, phương pháp vận dụng sơ đồ tư duy vào việc dạy và học môn Lịch sử đã đem tới nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là trong việc nâng cao sự hứng thú của học sinh và cải thiện việc ghi nhớ các kiến thức lịch sử. Phương pháp nãy cũng đã được cô Mỹ Hòa đem tới “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến tại FSchool” được tổ chức vào ngày 3/10 vừa qua để đóng góp vào việc nâng cao chất lượng học tập và cải thiện trải nghiệm của học sinh phổ thông FPT Edu khi học tập online. Trên tinh thần chia sẻ và học hỏi, trong thời gian tới, cô Mỹ Hòa dự định sẽ kết hợp vận dụng sơ đồ tư duy với phương pháp phản biện, đàm thoại, tiến hành dạy học theo dự án, tổ chức trải nghiệm… để tăng sự hấp dẫn, sinh động cho bộ môn Lịch sử mà cô đang phụ trách.

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời học sinh, sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

1120

Nhân vật