Trường học trải nghiệm

Thầy cô THPT FPT Quy Nhơn sáng tạo nhiều giải pháp nâng cao trải nghiệm học tập trực tuyến của học sinh

08/10/2021
Hà Hải Ngân
813

Luôn cố gắng thay đổi từng ngày để đem tới cho những tiết học đầy trải nghiệm thú vị cho học sinh, các thầy cô THPT FPT Quy Nhơn ứng dụng nhiều giải pháp sáng tạo vào việc dạy và học.

Khơi gợi hứng thú học tập và khả năng tập trung của học sinh trong dạy học trực tuyến

Xuất phát từ những khó khăn trong việc quản lý học sinh trong tiết học và việc kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh khi dạy học trực tuyến, cô Nguyễn Thị Diệu Minh – Giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT FPT Quy Nhơn, đã đề xuất phương pháp khơi gợi hứng thú học tập và khả năng tập trung của học sinh trong dạy học trực tuyến thông qua việc sử dụng hình ảnh, video trong các bài giảng.

Cô Diệu Minh - Giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT FPT Quy Nhơn

Đối với hình ảnh minh họa, cô Minh gợi ý việc sử dụng các nguồn ảnh, icons, template mở miễn phí cho người dùng như Slides Carnival, Slidesgo, icon8, flaticon, Unsplash… để cải thiện trải nghiệm về hình ảnh trong bài giảng cho học sinh. Đây đều là những nguồn cung cấp tài nguyên liên quan tới hình ảnh miễn phí mà giáo viên có thể sử dụng trực tiếp vào việc thiết kế bài giảng, tạo ra những slides đẹp mắt, dễ dàng thu hút sự chú ý.

Đối với việc sử dụng video nhằm mục đích giáo dục, cô Minh gợi ý dùng những video xu hướng như một cách thú vị để dẫn dắt vào bài học mới. Giáo viên hoàn toàn có thể tìm kiếm những video xu hướng trên các nền tảng như Youtube, Tiktok để phục vụ cho bài giảng của mình. Đặc biệt hơn, rất nhiều video trên Tiktok chứa đựng những thông tin, kiến thức, sự việc có mối liên hệ với học sinh. Nhờ đó, học sinh dễ dàng trở nên hứng thú và quan tâm tới bài giảng.

Sử dụng videos có liên quan là một cách hay để bắt đầu bài học

Bên cạnh 2 phương pháp trên, cô Minh cũng điều chỉnh bài tập để phù hợp hơn với năng lực ngôn ngữ và tạo ra nhiều thử thách hơn cho các em, đồng thời tránh được tình trạng học sinh tìm các đáp án có sẵn để trả lời đối phó.

Sau một thời gian triển khai, những cách thức này đã cho thấy hiệu quả trong việc giúp học sinh tập trung, hứng thú với bài học hơn, đồng thời khiến cho các hoạt động lớp học thú vị, sôi nổi hơn. 

Trong thời gian tới, cô Diệu Minh cho biết sẽ lên kế hoạch tổ chức các cuộc thi nhỏ trong phạm vi từng lớp để kích thích sự sáng tạo của các em, giúp học sinh học tiếng Anh một cách chủ động hơn, có nhiều cơ hội thực hành hơn. 

Giải lao giữa tiết học

Thống kê của UNICEF năm 2020 về các vấn đề liên quan tới học tập trực tuyến của trẻ em

Đứng trước thực trạng đó, thầy giáo Trần Phước Vĩnh – Giáo viên môn Vật lý, Trường THPT FPT Quy Nhơn đã đề xuất sử dụng "Giải lao giữa tiết học" như một cách tăng cường trải nghiệm và nâng cao chất lượng tiết học cho học sinh.

Theo đó, việc có một giờ giải lao giữa tiết học với những hoạt động phù hợp sẽ giúp làm tăng hoocmon Dopamine và Endorphin – một loại hoocmon giúp giảm căng thẳng, lo lắng, tăng cảm giác hạnh phúc. Giờ giải lao sẽ kéo dài từ 2-5 phút và diễn ra vào bất kì thời điểm nào của tiết học mà giáo viên thấy thích hợp. Giáo viên cũng hoàn toàn có thể áp dụng giờ giải lao giữa tiết này theo cách thủ công (dừng tiết học, cho học sinh vận động; nói chuyện với học sinh; chiếu một đoạn video ngắn, có thể liên quan tới bài học hoặc chỉ đơn thuần mang tính giáo dục) hoặc áp dụng kết hợp giữa sự vận động của học sinh với hoạt động dạy học. 

Bên cạnh việc có thêm một giờ giải lao ngắn giữa tiết học, thầy Vĩnh cũng sử dụng thêm các ứng dụng trực tuyến như Quizizz, Wordwall... để tăng tính tương tác trong quá trình dạy học. Mặt khác, Vật lý là môn học cần sử dụng bảng để trình bày kiến thức nên thầy Vĩnh còn sử dụng kèm với bảng điện tử và phần mềm whiteboard trên máy tính để giảng bài.

Nhờ những thay đổi nhỏ trong mỗi tiết học mà trải nghiệm của học sinh và chất lượng mỗi tiết học đã được nâng cao đáng kể.

Kỹ năng đánh giá học sinh khi học trực tuyến

Theo thầy Lê Ánh Dương – Giáo viên bộ môn Kinh doanh, Trường THPT FPT Quy Nhơn, theo dõi - đánh giá học sinh trong quá trình học tập là một trong những khâu quan trọng trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học. Thế nhưng, trong quá trình học trực tuyến, việc quan sát các hoạt động, cử chỉ, hành vi, thái độ các em để đưa ra một đánh giá khách quan, chính xác là một việc khó khăn và nhiều thử thách đối với giáo viên. Chính bởi vậy, khi đào tạo trực tuyến dần trở nên phổ biến và trở thành một yêu cầu thiết yếu thì chính giáo viên cũng phải thay đổi để bắt kịp sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong kỹ năng đánh giá học sinh khi học trực tuyến.

"Thật may mắn, nhờ những tiến bộ công nghệ gần đây mà tôi đã tìm được những công cụ đắc lực để hỗ trợ việc đánh giá học sinh một cách khách quan và chính xác ngay cả trong bối cảnh học tập từ xa" – Thầy Dương chia sẻ.

Thầy Lê Ánh Dương - Giáo viên bộ môn Business, Trương THPT FPT Quy Nhơn

Thầy Dương cho rằng có 2 loại đánh giá cơ bản: đánh giá quy trình và đánh giá tổng kết. Đánh giá quy trình giúp quan sát quá trình học tập của học sinh bằng cách theo dõi sự chủ động trong học tập và sự tiến bộ của học sinh qua từng bài học, tiết học để theo dõi sự chủ động trong học tập và sự tiến bộ của học sinh qua thời gian. Đánh giá tổng kết giúp đo lường tính hiệu quả của giáo trình hoặc của tiết học thông qua bài kiểm qua cuối kỳ, kiểm tra những kiến thức học sinh đã học. 

Dựa trên những lý thuyết đó và bằng kinh nghiệm của mình, thầy Dương đưa ra 7 phương pháp và 9 kỹ năng để đánh giá học sinh khi đào tạo trực tuyến. 

Theo đó, 7 phương pháp đánh giá học sinh khi đào tạo trực tuyến là: Câu hỏi trắc nghiệm; Câu hỏi mở hay bài luận; Hành động kéo – thả; Bài tập cá nhân, nhóm; Câu đố thăm dò ý kiến; Mô phỏng hội thoại; Kết hợp trò chơi.

9 kỹ năng đánh giá học sinh khi đào tạo trực tuyến bao gồm: Kỹ năng giao tiếp sư phạm; Kỹ năng truyền đạt thông tin; Cởi mở; Kiên nhẫn và thiện chí; Ghi nhận sự tiến bộ; Kỹ năng làm chủ cảm xúc để điều phối; Kỹ năng ra đề mở; Kỹ năng nói, tốc độ nói; Kỹ năng đánh giá qua bài tập.

Thông qua việc áp dụng 7 phương pháp và 9 kỹ năng nói trên vào các tiết học trực tuyến, thầy Dương đã làm chủ được hầu hết các tiết học, giúp các em chủ động hơn trong việc học, nâng cao tình cảm, thái độ của học sinh đối với giáo viên, tạo động lực để khích lệ các em hợp tác.

Tất cả những phương pháp và kỹ năng dạy học trực tuyến trên đều đã được các thầy cô của Trường THPT FPT Quy Nhơn đem tới “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến tại FSchool” được tổ chức vào ngày 3/10 vừa qua. Đây là một những hoạt động mà Tổ chức Giáo dục FPT thực hiện nhằm mục đích nâng cao chất lượng và trải nghiệm học tập trực tuyến của học sinh.

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời học sinh, sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

813

Nhân vật