Trường học trải nghiệm

Giáo viên FSchool Cầu Giấy chia sẻ phương pháp biến khó khăn thành lợi thế khi dạy học trực tuyến

26/10/2021
Hà Hải Ngân
4136

Bằng cách tận dụng những gì sẵn có để biến khó khăn trở thành lợi thế, cô Phạm Thị Nga (Giáo viên FSchool Cầu Giấy) đưa những giờ học online thành trải nghiệm thú vị cả về kiến thức, kỹ năng và cảm xúc cho học sinh.

Là một giáo viên phụ trách giảng dạy môn Vật lý và Khoa học tự nhiên tại FPT School Cầu Giấy, cô Nga biết rõ những thử thách mà bản thân mình phải đối mặt khi giảng dạy, đặc biệt là việc thu hút các em cùng tham gia vào tiết học.

"Cái khó của một người làm giáo viên không nằm ở hình thức dạy, mà nằm ở việc làm thế nào để lôi kéo học sinh sẵn sàng hòa mình vào mỗi tiết học, chủ động tham gia các hoạt động để chiếm lĩnh kiến thức. Vậy nên dù dạy trực tiếp hay dạy trực tuyến thì nếu giáo viên không biết cách khiến học sinh thấy hứng thú, thì tiết học vẫn dễ dàng sa đà vào việc giáo viên nói và học sinh nghe. Tất nhiên, việc này sẽ dễ dàng xảy ra hơn khi cô và trò chỉ được giao tiếp với nhau qua một màn hình máy tính" – cô Nga chia sẻ.

Cô Phạm Thị Nga quan điểm phương pháp dạy học đem lại trải nghiệm tốt nhất là tận dụng những gì sẵn có và biết cách biến khó khăn trở thành lợi thế

Là một giáo viên có nhiều kinh nghiệm và cũng đồng thời là một người mẹ chứng kiến sự trưởng thành của con qua từng giai đoạn, cô Nga nhận thấy rằng nếu chỉ dạy trẻ qua trải nghiệm của mình thì các con chỉ lắng nghe một cách khiên cưỡng. Nhưng nếu tạo điều kiện cho các em trực tiếp trải nghiệm thì những kiến thức đó sẽ in sâu trong trí nhớ, đồng thời tạo cho các em một tâm thế "mắt thấy tai nghe" mà sẵn sàng phản bác lại khi gặp một ý kiến trái chiều. Chính bởi vậy, trong mỗi tiết học, cô Nga luôn tạo điều kiện để học sinh được tự mình trải nghiệm nhiều nhất có thể, dù cho đó có là tại lớp hay ở nhà.

Đặc biệt hơn, cô Nga đã chủ động thay đổi cách tư duy. Nếu cứ coi việc học sinh học tập tại nhà là một khó khăn thì cô và trò sẽ không thấy được lợi thế của việc ấy. Cô Nga đã chứng mình bằng cách cho học sinh tự mình trải nghiệm rất nhiều hoạt động mà các em chỉ có thể làm được khi học tại nhà.

"Trong một bài học về chủ đề sự chuyển thể của các chất, để học sinh có thể chủ động tiếp thu kiến thức, mình giao cho các em một nhiệm vụ: làm ướt một chiếc khăn, vắt hết nước và mang trở lại bàn học. Khi các con đã có đủ khăn, nhiệm vụ tiếp theo mà mình giao cho các em là làm khô chiếc khăn đó trong vòng 5 phút" – cô Nga chia sẻ.

Cô Nga cho biết, bản thân sẽ không hướng dẫn các em làm khô chiếc khăn đó bằng cách nào mà để cho các em tự suy nghĩ và tìm cách. Có em sử dụng máy sấy, có em hong khô chiếc khăn trước quạt, có em lại phơi chiếc khăn ngoài trời nắng.

"Sau 5 phút, mình sẽ hỏi xem có bao nhiêu bạn đã hoàn thành nhiệm vụ làm khô khăn. Khi học sinh trả lời xong, mình sẽ hỏi: Vậy nước trong khăn đi đâu mất rồi? Các em sẽ trả lời rằng nước chuyển thành hơi bay mất rồi. Vậy là ngay lập tức, các em sẽ "nạp" được khái niệm "bay hơi" một cách nhanh gọn" – cô Nga cho biết.

Một học sinh lớp 6 thực hành thí nghiệm làm khô chiếc khăn trong 5 phút

 

Cũng trong chủ đề đó, khi muốn truyền tải tới học sinh kiến thức về sự đông đặc, cô Nga sẽ cho học sinh tự tay làm kem từ sữa. Nguyên liệu và dụng cụ thì vô cùng đơn giản, chỉ là sữa tươi và tủ lạnh mà hầu như nhà nào cũng có. Nhờ vậy mà các em vô cùng hào hứng bởi lần đầu tiên được tự tay làm kem và sau tiết học còn có sẵn kem ngon để ăn mà giáo viên cũng thành công trong việc giúp các em ghi nhớ thế nào là sự đông đặc hay nóng chảy.

Dùng thí nghiệm để truyền tải kiến thức trong bài học có lẽ không còn là một phương pháp xa lạ, nhưng điều mà cô Nga đặc biệt nhấn mạnh là cách lựa chọn thí nghiệm sao cho học sinh hứng thú và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Trong thí nghiệm kể trên, giáo viên đã tạo điều kiện để học sinh chủ động tìm cách giải quyết vấn đề, không giới hạn tính sáng tạo của các em. Đồng thời, ở thí nghiệm này, giáo viên cũng tận dụng được tính sẵn có của một số vật dụng gia đình như máy sấy, quạt cây, dây phơi quần áo, tủ lạnh, sữa – những thứ khó có thể tìm thấy ở lớp học. Bằng cách này, giáo viên đã thành công trong việc biến việc tưởng như là khó khăn trở thành lợi thế trong giảng dạy.

Bên cạnh phương pháp giảng dạy đặc biệt này, cô Nga cũng thường xuyên sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ để tăng tính trải nghiệm cho mỗi tiết học. Một số ứng dụng mà cô Nga thường sử dụng có thể kể đến Padlet, Quizziz và Phet…

Sản phẩm của học sinh lớp cô Phạm Thị Nga khi thực hành mắc mạch điện để chứng minh định luật Ôm trên nền tảng Phet

 

Bằng cách tận dụng những gì sẵn có và phát huy những lợi thế liên quan tới địa điểm học tập, cô Phạm Thị Nga đã thành công trong việc đem đến thật nhiều trải nghiệm đặc biệt cho các em học sinh.

"Tất nhiên có rất nhiều phương pháp giảng dạy khó có thể triển khai được khi giảng dạy online, nhưng nếu biết cách lựa chọn và phát huy lợi thế, các tiết học online hoàn toàn có thể đem tới cho các em thật nhiều trải nghiệm thú vị mà đôi khi các em không thể có được khi học tập offline" – cô Nga chia sẻ.

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Hải Ngân

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

4136

Nhân vật