Trường học trải nghiệm

Nghe sinh viên ĐH Greenwich (Việt Nam) chia sẻ kinh nghiệm đi OJT online

01/11/2021
Hồ Thị Khánh Như
5985

OJT (On the job training) là hoạt động giúp sinh viên ĐH Greenwich (Việt Nam) trải nghiệm công việc, môi trường thực tế tại các doanh nghiệp, từ đó tích luỹ cho mình nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích. Giai đoạn học trực tuyến, nhiều sinh viên phải OJT theo hình thức online. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, các bạn sinh viên vẫn có vô vàn cách để thích nghi, học hỏi và phát triển bản thân. 
“Đừng bỏ lỡ các chương trình “tiền OJT”

Trước mỗi đợt OJT, ĐH Greenwich (Việt Nam) thường tổ chức workshop cung cấp các kiến thức, kỹ năng tiền đề để các bạn sinh viên có được một kỳ OJT thành công. Thế nhưng, một số sinh viên vẫn còn coi đây là các lớp học “hình thức”, không quá quan trọng nên bỏ qua hoặc chỉ đến dự điểm danh “cho có”. Theo sinh viên Nguyễn Quốc Bảo, ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Greenwich (Việt Nam) – cơ sở TP.HCM, các buổi học ấy rất quan trọng và hữu ích cho kỳ OJT chứ không hề chỉ là “lý thuyết suông”. “Mình nhớ nhất có một buổi mình được học các tips để làm một CV ấn tượng với nhà tuyển dụng. Trước giờ mình vốn tự tin vào kinh nghiệm đi làm, các thành tích học tập của mình nên không quá quan trọng phần này. Nhưng sau buổi học với thầy, mình nhận ra bản thân còn nhiều thiếu sót, chưa biết cách sắp xếp, trình bày các mục sao cho khoa học và ấn tượng nhất”. 

Ngoài ra, nhiều buổi học “tiền OJT” còn cung cấp các kiến thức, kỹ năng mềm như giao tiếp nơi công sở, các công cụ làm việc online, cách teamwork hiệu quả… “Đây đều là kiến thức nền tảng rất quan trọng giúp bạn bớt bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên đi OJT. Các thầy cô giảng dạy cũng đều là những người đã có kinh nghiệm làm quản lý, tuyển dụng… ở các công ty lớn nên điều học chia sẻ là kinh nghiệm thực tế, các tips hữu ích chứ không phải thứ viết trong sách vở nên mình thấy rất giá trị. Vậy nên các bạn đi OJT kỳ sau đừng bỏ lỡ các hoạt động này nhé”, Bảo nói. 
“Luôn chủ động, không ngại hỏi”
Sinh viên Bùi Hiền Như, ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Greenwich (Việt Nam) – cơ sở Đà Nẵng vừa có 3 tháng OJT tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES. Như chia sẻ, việc OJT online có cả ưu điểm và hạn chế. Hạn chế là khi làm việc online, các hoạt động giao tiếp, tương tác sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng nhiều bởi đường truyền mạng. “Có nhiều lúc mình gặp thắc mắc chỗ này chỗ kia, nếu ở công ty thì có thể chạy ngay ra hỏi các anh chị, còn làm online thì phải đợi mọi người trả lời tin nhắn nên nhiều khi sẽ lâu hơn”, Như nói. 
Bên cạnh đó, Hiền Như cũng không khỏi tiếc nuối khi cho biết, bản thân đã lỡ nhiều chương trình, sự kiện cùng các anh chị trong công ty do phải làm việc online: “Tầm này hàng năm công ty sẽ có nhiều hoạt động để kết nối nhân viên lắm. Mà mình xui sao lại đi OJT đúng dịp này nên bỏ lỡ cơ hội giao lưu với mọi người.”

Tuy nhiên, Như cũng chia sẻ, việc OJT online cũng mang đến nhiều cơ hội cho mình: “Mình có thể linh động về thời gian làm việc, không mất công đi lại di chuyển giữa nhà và công ty nên hoàn toàn không có việc kẹt xe, hít khói bụi ngoài đường cả tiếng đồng hồ (cười). Thêm nữa, nhờ cần tối ưu công việc khi làm online nên mình đã phải tự “nâng cấp” bản thân về cách làm việc với máy tính, tìm hiểu được khá nhiều tool hỗ trợ công việc nhanh chóng, thuận tiện hơn. Suốt 3 tháng qua, mình đã được các anh chị trong cơ quan giúp đỡ và chỉ bảo rất nhiều để tiến bộ hơn”, Như kể. 
Từ những trải nghiệm ấy, Hiền Như rút ra cho mình những kinh nghiệm để có một kỳ OJT thật thành công dù online hay offline: “Mọi người cần chủ động. Ai cũng bận rộn và có công việc của riêng mình nên nếu bạn không chủ động “tìm việc” để làm và học thì không ai có thể chăm sóc và theo sát bạn mãi. Thứ nữa là đừng ngại hỏi. Bất cứ khi nào có thắc mắc, bạn cần phải hỏi ngay. Mình là người mới nên chắc chắn sẽ có nhiều thứ chưa hiểu, chưa biết nên đừng ngại nhé. Chính thái độ cầu tiến, nhiệt tình, dám thử, dám làm mới là điều khiến các anh chị ở công ty ấn tượng về bạn đấy”.
Tận dụng mọi cơ hội để học
Đó là kinh nghiệm từ sinh viên Trần Nguyên Thuận, chuyên ngành Quản trị Marketing, ĐH Greenwich (Việt Nam) – cơ sở Hà Nội sau khi kết thúc đợt OJT của mình. Theo Thuận, việc OJT online đã khiến bản thân lỡ nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế ở công ty nên phải tích cực học hỏi để bù lại chứ không nên lãng phí quãng thời gian này chỉ để làm những công việc đơn giản. “Nếu không có dịch bệnh thì mình đã được các anh chị cho đi thực địa ở Hà Nam, đi quan sát công trình… trải nghiệm thực tế lúc nào chẳng thích hơn. Nhưng làm việc online thì mình chỉ có thể làm các công việc B2B, xử lý dữ liệu… Chính vì thế, mình lại càng muốn tận dụng tối đa các cơ hội để học hỏi chứ không muốn bỏ phí”, Thuận kể. 
Cách của Thuận đó là luôn trong tâm thế chủ động “xin việc”, “tìm việc” mà làm, có gì chưa biết thì chủ động xin giúp đỡ. Công ty có mua một số khoá học online để đào tạo người mới, Thuận cũng xin được học. Thuận dành nhiều thời gian để học hỏi và rèn luyện các kỹ năng làm việc online. 

Thuận cũng tích cực tham gia vào các group chat tại công ty để làm quen, giao lưu cùng anh chị đồng nghiệp, cấp trên. “Đừng ngại việc bạn còn non nớt, chưa biết gì hay không tìm được chủ đề để nói. Bạn cứ join vào hết các group đi, kể cả chỉ để làm “chúa hề” trong đó cũng được luôn. Vì như thế, ít nhất mọi người sẽ có ấn tượng về bạn, thấy được năng lượng tích cực của bạn. Và người lại, bạn cũng sẽ thấy mình được hoà đồng hơn, kết nối với mọi người nhiều hơn. Đừng để 3 tháng OJT đi qua, mọi người vẫn không biết bạn là ai”, Thuận nói. 
Đừng ngại tham gia vào các dự án
Thực tập tại công ty viễn thông, khu vực quận 9 TP.HCM, sinh viên Tạ Nhất Phương, ĐH Greenwich (Việt Nam) – cơ sở Cần Thơ đã tích luỹ thêm cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá và hơn hết là việc cùng tham gia triển khai thành công 1 chiến dịch quan trọng của công ty. Sau khi kết thúc đợt OJT, Phương cũng nhận được chứng nhận từ phía công ty về kết quả làm việc của mình.
Phương chia sẻ: “Đi OJT online, mình cũng như các bạn, gặp khó khăn trong việc giao tiếp, kết nối cùng mọi người, là người mới còn bỡ ngỡ… Và cách mình vượt qua những điều đó chính là không ngại hỏi, ngại học và luôn sẵn sàng để cùng tham gia vào các dự án, chiến dịch của công ty. Học cùng trải nghiệm mà, nên các chiến dịch này chính là cơ hội tuyệt vời để mình học hỏi. Có nhiều thứ phải bắt tay vào làm thì mình mới biết được”.

Cũng theo Phương, để có thể nắm bắt cơ hội như thế, được các anh chị tại công ty tin tưởng giao nhiệm vụ, các bạn sinh viên cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng: “Mình học Quản trị kinh doanh nên vẫn thường tự học thêm kiến thức về marketing, các kỹ năng mềm. Ở công ty nơi mình OJT có nhiều chương trình rèn kỹ năng cho nhân viên nên mình cũng tích cực tham gia. Bên cạnh đó, dù đi OJT online mình vẫn thường tham gia các workshop của ĐH Greenwich (Việt Nam) vì thấy rất hữu ích và bổ trợ nhiều cho công việc của mình. Nói chung, bạn phải không ngừng học tập, trau dồi bản thân để đợi cơ hội đến thì mình “bung lụa” thôi”. 


Dù đi OJT online, các sinh viên ĐH Greenwich (Việt Nam) cũng vẫn luôn có thể học hỏi được nhiều kiến thức thực tế và trên hết là khả năng linh hoạt, thích ứng với nhiều tình huống bất ngờ, những khó khăn trong cuộc sống. Đây sẽ là hành trang quý báu để các bạn tự tin thể hiện khả năng của mình trong những công việc chính thức sau này. 

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.
Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.
Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Khánh Như
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

5985

Nhân vật