Thú vị với vô số trải nghiệm "truyền động lực" mà thầy cô dành cho học sinh THPT FPT Quy Nhơn
Thầy cô tại THPT FPT Quy Nhơn đang có nhiều cách thú vị để "truyền động lực" học tập, trải nghiệm cho học sinh trong bối cảnh học trực tuyến khiến mỗi giờ học trở nên hấp dẫn và nhiều hứng khởi.
Ở THPT FPT Quy Nhơn, những phương pháp dạy học truyền động lực và hứng thú học tập cho các em học sinh được ví như những "bài thể dục" cho tinh thần. Thông qua những phương thức này, thầy cô đã hô biến những giờ học online tưởng chừng nhàm chán, khó hiểu trở thành những khoảng thời gian vô cùng thú vị. Đặc biệt hơn, mỗi thầy cô lại có những phương pháp riêng độc đáo, phù hợp với đặc thù môn học mình đang giảng dạy.
Thầy Hoàng Lương Giang và những tips “chuyên trị” môn Khoa học
Thầy Hoàng Lương Giang (Giáo viên tổ KHTN, Trường THPT FPT Quy Nhơn), hiện đang phụ trách song song 2 môn Sinh học và Công nghệ 10. Đây là những môn học có nhiều nội dung thí nghiệm thực hành đầy thú vị. Tuy nhiên, những nội dung này gặp khó có thể triển khai trong giai đoạn học trực tuyến bởi một số mẫu vật, dụng cụ và điều kiện không gian tại nhà của học sinh không đáp ứng được như tại phòng thí nghiệm của trường
Thầy Giang cùng các thầy cô trong tổ bộ môn tại Trường THPT FPT Quy Nhơn đã có sự chủ động ứng biến bằng các chuẩn bị những video, phần mềm thí nghiệm ảo để sẵn sàng thay thế cho các nội dung thực hành. Bản thân thầy Giang cũng có dự kiến linh động cho phép các em học sinh thực hiện các thí nghiệm và sản phẩm cuối tại nhà. Sau đó, các em sẽ chụp, quay video và thuyết trình sản phẩm online. Đặc biệt, sản phẩm của một số bài học như trồng và chăm sóc cây có thể sử dụng trong cuộc sống gia đình.
"Bản thân mình sẽ rất vui nếu bó rau có được từ bài học thực hành của các em xuất hiện trong bữa ăn gia đình" – Anh Hoàng Lương Giang chia sẻ.
Ngồi trước màn hình máy tính nhiều giờ liền trong ngày, học sinh dễ cảm thấy mệt mỏi, xao nhãng. Thầy Giang cũng có những “tips” riêng để "truyền động lực" như: thưởng điểm cộng và phạt điểm trừ; đặt các câu hỏi đúng sai để học sinh tương tác trực tiếp bằng camera (“cười tươi” nếu thấy đúng hoặc “làm mặt mếu” nếu cho rằng ý kiến đấy chưa hợp lý); đặt ra các câu hỏi với nhiều giả thuyết để cả lớp trả lời vài khung chat hoặc sử dụng vòng quay Wheel of names để gọi ngẫu nhiên, tạo sự tập trung và đôi chút “hồi hộp”…
Bên cạnh đó, thầy Giang cũng chia sẻ: "Đôi khi, mình sẽ lấy tên của một bạn nào đó có dấu hiệu “buồn ngủ” để làm ví dụ liên quan đến bài học. Ví dụ: bạn Hoàng đẹp trai có trồng một giàn cây thủy sinh, tuy nhiên càng về sau giàn cây càng héo úa. Hoàng nhắn tin hỏi thầy nên làm như thế nào, các em có thể tư vấn giúp Hoàng kìa! Đảm bảo là Hoàng sẽ tỉnh ngủ để nghe các bạn “giúp mình”.
"Tất cả những điều mình chia sẻ không hẳn là những phương pháp, mà có thể coi là những “tips” nhỏ. Nhưng khi áp dụng, mình thấy lớp học trở nên sôi động hẳn mỗi khi các em “cười tươi” hoặc “mếu”. Bản thân mình cũng rất vui khi những “ánh mắt xa xăm” lại quay về màn hình, chớp đôi ba cái vì ngạc nhiên hoặc tò mò khi mình chia sẽ về các hormon đem đến sự hạnh phúc và cách cơ thể tạo ra chúng chẳng hạn", thầy Giang cho biết thêm.
Cô Mỹ Duyên cùng “kho” trò chơi lý thú trong giờ Kỹ năng mềm
Là giáo viên bộ môn Kỹ năng mềm, Trường THPT FPT Quy Nhơn, cô Lê Thị Mỹ Duyên cho biết, bộ môn này yêu cầu tính tương tác cao, nhằm rèn luyện những kỹ năng cho học sinh thông qua các hoạt động triển khai nội dung bài học. Bởi vậy nên khi tổ chức online, giáo viên và học sinh sẽ gặp những khó khăn nhất định đối với các hoạt động liên quan tới làm việc nhóm như thảo luận, trình bài sản phẩm và chia sẻ ý kiến…
Để khắc phục những khó khăn ấy, trong quá trình triển khai các nội dung bài học, cô Duyên đã dành nhiều thời gian cho các bạn học sinh tương tác cùng nhau trong các chủ đề; tổ chức các hoạt động thảo luận, ôn tập; tổng kết nội dung học như hùng biện, hỏi đáp cùng chuyên gia, giải quyết tình huống…
Đặc biệt hơn, cô Duyên còn tự sáng tạo ra nhiều trò chơi lý thú giúp học sinh tương tác, trải nghiệm từ đó tự trang bị bộ kỹ năng mềm phù hợp với bản thân. Những trò chơi này thường có tên gọi vui nhộn, bắt “trend” và luật chơi cũng rất hay ho, như: “Siêu trí nhớ” (người sau sẽ nhắc lại động tác của người trước và thực hiện 1 động tác của mình, cứ như thế tiếp tục đến một loạt các động tác), “Ai là Tiktoker” (một bản mashup gồm rất nhiều bài hot, các bạn sẽ lắng nghe và nhảy theo các động tác trên nền giai điệu đó), “Thợ săn đồ vật” (học sinh chạy đi thu thập đồ vật theo yêu cầu số lượng trong thời gian quy định)…
Với "kho" ý tưởng vừa chơi vừa học không bao giờ cạn như vậy, cô Mỹ Duyên biến giờ học kỹ năng mềm online trở thành khoảng thời gian nhiều trải nghiệm cho học sinh THPT FPT Quy Nhơn. Để không chỉ nghe cô giảng, học thuộc bài, các em thực sự được thực hành, trải nghiệm để trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng hữu ích, có thể áp dụng vào công việc, học tập sau này.
Thầy Lê Xuân Trung và những câu chuyện truyền cảm hứng giờ Vovinam
Là giáo viên bộ môn Vovinam, thầy Lê Xuân Trung gặp khá nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn các em học sinh tập luyện khi chỉ được giảng dạy từ xa, đặc biệt là đối với việc hướng dẫn học sinh thực hành các kỹ thuật võ khó. Thế nhưng, không vì thế mà từ bỏ, thầy Trung đã nghĩ ra hàng loạt những phương pháp giảng dạy để khắc phục những hạn chế của dạy-học online như: huấn luyện một thế võ; hỏi – đáp, tạo và giải quyết các tình huống cũng như tập luyện cá nhân và theo hình thức nhóm. Đặc biệt, phương pháp huấn luyện một thế võ được thầy Trung áp dụng triệt để đối với các kỹ thuật võ khó.
Ngoài ra, thầy Trung cho biết, anh cố gắng tạo những hoạt động bên lề gắn với bài học để giúp tiết học trở nên sôi động và hấp dẫn.
"Mình thường sáng tạo các mini game liên quan tới kỹ thuật võ và các kiến thức đã truyền đạt trong tiết học. Học sinh nào trả lời sai sẽ “bị phạt” hát, nhảy các điệu Tiktok. Học sinh trả lời đúng sẽ được cộng điểm khuyến khích. Mình cũng thường xuyên tâm sự, chia sẻ, quan tâm, động viên các em", thầy Lê Xuân Trung chia sẻ.
Thế nhưng, phương pháp "truyền động lực" hiệu quả nhất của thầy Trung lại là trình chiếu các video trình diễn võ thuật đặc sắc, và kể những câu chuyện truyền động lực đam mê võ thuật, nêu cao tinh thần thượng võ. Phương pháp này khiến nhiều bạn học sinh bày tỏ sự thích thú.
Bạn Ngô Quang Khiêm, học sinh lớp 10, Trường THPT FPT Quy Nhơn cho biết: "Bản thân em vô cùng thích thú với những câu chuyện, cũng như lịch sử môn Võ Vovinam mà thầy chia sẻ. Từ những câu chuyện đó, em cảm thấy có động lực để cố gắng hơn".
Bạn Xuân Thư, học sinh lớp 10, THPT FPT Quy Nhơn chia sẻ: "Ban đầu vào lớp, em thấy thầy nghiêm quá liền nảy sinh suy nghĩ “sợ” học. Vậy mà ngay sau khi học xong tiết đầu tiên, em cảm thấy bản thân mình sai quá. Thầy vui tính, thoải mái, thường tương tác với học sinh khiến tiết võ không còn đáng sợ như trong tưởng tượng".
Cô Diệu Minh và những bài thực hành bắt trend Tiktok giờ Tiếng Anh
Việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đòi hỏi sự tương tác và giao tiếp thường xuyên giữa người dạy và người học. Việc dạy học online khiến việc tổ chức các hoạt động nhóm khó khăn hơn, đồng thời việc luyện phát âm và giảng dạy kiến thức ngữ pháp cũng là một thách thức cho cả giáo viên và học sinh. Thế nhưng, cô Diệu Minh đã quyết tâm không đầu hàng.
"Xét ở mặt tích cực, khó khăn trong việc phân chia nhóm nhỏ tạo cơ hội để mình ổ chức hoạt động thảo luận tập thể cả lớp, qua đó giáo viên có thể lắng nghe được ý kiến của nhiều học sinh hơn. Học sinh cũng nhận được phản hồi và góp ý không chỉ từ giáo viên mà còn từ các bạn trong lớp. Ngoài ra, để đảm bảo học sinh nắm vững các điểm ngữ pháp trọng tâm và thuộc bài ngay khi ở lớp, mình thường xuyên lặp lại các ý chính nhiều lần, đồng thời thiết kế các hoạt động, bài tập hoặc các trò chơi nhỏ để ôn lại kiến thức vừa học vào cuối mỗi tiết" – cô Diệu Minh, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT FPT Quy Nhơn chia sẻ.
Bản thân đã áp dụng nhiều phương pháp vào giảng dạy, cô Minh nhận thấy phương pháp có hiệu quả rõ rệt nhất chính là việc kết hợp các video nhạc, phim hoặc các video từ TikTok có nội dung liên quan vào bài dạy. Cách làm này giúp thu hút sự chú ý của học sinh vào bài mới, đồng thời cũng cho các em có thời gian thư giãn trong tiết học. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ giữa giờ, các em cũng hoàn toàn có thể tổ chức một "mini-concert" thông qua việc giao lưu văn nghệ bằng cách hát hoặc nhảy theo nhạc.
Học Địa lý qua màn ảnh nhỏ dưới sự hướng dẫn của cô Thu Nhung
Ở chương trình môn Địa lý 10, các em học sinh chủ yếu được giới thiệu về đại cương môn học - những kiến thức hàn lâm, khá khó trong việc tiếp thu, ghi nhớ. Trong bối cảnh học online, đặc thù này càng khiến trò dễ chán nản nếu thầy cô không có phương pháp khuyến khích phù hợp. Do đó, cô Thu Nhung đã dành rất nhiều thời gian để đầu tư vào bài giảng powerpoint, tăng cường sử dụng tranh ảnh, video, công cụ dạy học thay cho phương pháp giảng bài – ghi chép truyền thống.
Cô Nhung cũng khơi gợi hứng thú học tập của các em bằng cách khởi động tiết học bằng một số minigame liên quan tới bài học như: giải ô chữ, lật hình ảnh, xem video hoạt hình gắn với nội dung bài học và trả lời câu hỏi ngắn, đuổi hình bắt chữ… Cũng nhờ những hoạt động ấy mà những kiến thức khô khan trở nên thú vị, dễ nhớ, dế vận dụng hơn đối với các em.
Dạy và học online không chỉ khó khăn đối với các em học sinh, mà còn là một thử thách đối với cả các thầy cô. Sự thay đổi và sáng tạo hình thức truyền đạt kiến thức, tăng cường trải nghiệm tương tác, thực hành từ các thầy cô tại THPT FPT Quy Nhơn đã và đang góp phần khắc phục khó khăn, để đem đến những trải nghiệm hữu ích và đáng nhớ cho học sinh.
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình. Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình. |
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn