FPT Edu - Tin tức chung

Ứng dụng 'Giám sát nồng độ bụi' của sinh viên giúp cải thiện môi trường

07/12/2018
Vũ Thị Ngọc Ánh
93296

VNE - So với các ứng dụng khác, “Smart City Monitoring” của nhóm sinh viên FUNiX mang đến nhiều triển vọng thực tế trong việc xây dựng thành phố sạch, thông minh. 

Một tháng lên ý tưởng, một tuần chuẩn bị thiết bị và chỉ có 48 tiếng để hoàn thiện, ứng dụng "Smart City Monitoring - Giám sát chất lượng nồng độ bụi trong thành phố" của sinh viên Đại học Trực tuyến FUNiX đã gây ấn tượng lớn tại chung kết cuộc thi lập trình viên Hackathon Google Devfest miền Trung 2018.

Sản phẩm này do mentor Đoàn Thế Vinh (Hà Nội) cùng ba sinh viên của Đại học FUNiX Võ Tiến Công, Phạm Khánh Huy và Nguyễn Quốc Trung (TP HCM) thực hiện, đã vượt qua nhiều đội mạnh, xuất sắc giành giải Cộng đồng tại cuộc thi.

Mentor Đoàn Thế Vinh cho biết, ý tưởng xuất phát cách đây khoảng một năm. Khi đó, Asia Foundation mời anh tư vấn về mặt công nghệ cho dự án "City monitoring" - dự án giúp các học sinh tự làm thiết bị đo chất lượng không khí và tổng hợp dữ liệu đo về một nơi để mọi người đều có thể xem được. Qua đó giúp học sinh và gia đình nâng cao ý thức về việc giữ gìn môi trường sống.

Chia sẻ về việc phát triển ý tưởng này, sinh viên Nguyễn Quốc Trung cho biết, cả ba thành viên trong nhóm đều đến từ TP HCM - thành phố đông dân và có tình trạng ô nhiễm khói bụi ở mức cao. Với nhu cầu thực tế của bản thân, cả đội đã hợp sức với mentor Đoàn Thế Vinh để xây dựng sản phẩm.

Theo đó, sản phẩm cho phép người sử dụng đọc tài liệu hướng dẫn để tự làm một thiết bị đo đạc chất lượng không khí, đánh giá các chỉ số không khí cơ bản như nồng độ bụi PM2.5, nồng độ khí ga, độ ẩm, nhiệt độ... Sau đó, người dùng lưu, xử lý và hiển thị dữ liệu trên hệ thống chung.

Mentor Vinh chia sẻ, ưu điểm của sản phẩm "Smart City Monitoring" là không chỉ dễ lắp ráp thiết bị IoT (phù hợp với trình độ của học sinh phổ thông) và có giá thành thấp (chỉ khoảng 300.000đ), nó còn phát triển thành một mạng thông tin về chỉ số môi trường do cộng đồng cùng cập nhật dữ liệu. Nhờ đó, khả năng phát triển cộng đồng của sản phẩm là rất tiềm năng.

Đội thi FUNiX tại chung kết Hackathon Google Devfest miền Trung 2018.

Với ý nghĩa cộng đồng cao, tại vòng chung kết diễn ra tại Đà Nẵng, sản phẩm của đội FUNiX đã lọt vào top 10 ý tưởng công nghệ xuất sắc. So với các sản phẩm, ứng dụng khác, "Smart City Monitoring" mang đến nhiều triển vọng thực tế trong việc xây dựng thành phố thông minh. Chung cuộc, nhóm FUNiX nằm trong 4 đội xuất sắc với giải thưởng Cộng đồng.

Là người chịu trách nhiệm thiết lập app di động, sinh viên Quốc Trung cho biết cả đội hài lòng với kết quả đạt được. "Tuy không giành giải cao nhất, nhưng thứ hạng giải thưởng không còn quan trọng khi so với những gì các thành viên học được, nhận được. Đối với giải thưởng Cộng đồng, toàn đội rất thoả mãn vì cơ bản ý tưởng của nhóm là vì cộng đồng, phục vụ cho cộng đồng", xTer Nguyễn Quốc Trung chia sẻ.

Trung cho hay trong quá trình thi, cả đội nhận được sự hỗ trợ của các mentor, Hannah và các bạn tình nguyện viên. "Đặc biệt là sự giúp đỡ tận tâm của Giáo sư DrAnand Nayyar, giảng viên đại học Duy Tân, một người rất giỏi trong lĩnh vực cảm biến nói riêng, Internet of things (IOT) nói chung. Ngay ngày đầu tiên của cuộc thi, Giáo sư Nayyar đã cùng tham gia vào quá trình thực hiện sản phẩm với cả nhóm, hỗ trợ rất nhiều linh kiện cần thiết và các tài liệu liên quan" Trung cho biết.

Trung cũng nói thêm: "Qua cuộc thi, cả nhóm có cơ hội tăng vốn kiến thức, phát triển mối quan hệ và rèn luyện bản thân. Trong tương lai nếu có các cuộc thi tương tự, chắc chắn cả đội sẽ tiếp tục tham gia. Đó là cơ hội được học hỏi và giao lưu, đóng góp ý tưởng cũng như truyền tải những thông điệp nhân văn tới mọi người".

Anh Nguyễn Duy Nghiêm, Giám đốc Đại học Greenwich (Việt Nam) tại Đà Nẵng, thành viên Ban giám khảo nhận định: "Sản phẩm của FUNiX có tính ứng dụng và khả thi rất cao. Ứng dụng sẽ giúp Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh trong tương lai". Mentor Vinh cũng cho biết, nhóm dự kiến sẽ cùng FUNiX đưa dự án vào các trường THPT ở Hà Nội. Đây là cơ hội để nhà trường giáo dục học sinh về ý thức giữ gìn môi trường.

GDG DevFest MienTrung 2018 do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Đà Nẵng và nhóm cộng đồng Google Developer Group Miền Trung tổ chức. Chủ đề của sân chơi là "Phát triển các ứng dụng trên di động hoặc website phục vụ xây dựng thành phố thông minh và văn minh hơn". Nhiều dự án đa dạng và thiết thực đã được đưa ra, như giải pháp đỗ xe thông minh; ứng dụng đặt lịch và lấy số thứ tự tại các khu vực hành chính công; ứng dụng quản lý đèn giao thông và camera giám sát; ứng dụng cảnh báo sóng thần và thời tiết xấu cho ngư dân...

Đến với cuộc thi, các thành viên đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng code, nỗ lực để hoàn thành sản phẩm chỉ trong một thời gian ngắn. GDG DevFest được đánh giá là một sân chơi bổ ích cho sinh viên công nghệ để rèn luyện tư duy và kỹ năng.

Theo VNE

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

93296

Tin sự kiện

Nhân vật