FPT Edu - Tin tức chung

CB-GV FPT Edu tìm cách thấu hiểu thế hệ Z trong thời đại chuyển đổi số

11/12/2019
Trần Thị Mai
721

Tại hội thảo giáo dục học cùng trải nghiệm tại FPT Educamp vừa qua, nhiều diễn giả đã nghiên cứu và đưa ra những chia sẻ xoay quanh thế hệ Z – thế hệ được những người làm giáo dục tại FPT Edu quan tâm nhất trong giai đoạn hiện tại.

Thật bất ngờ khi một cụm từ ít được giới học thuật chú ý đến như “thế hệ Z” lại xuất hiện khá phổ biến trong các bài trình bày tại hội thảo mở FPT Educamp. Nhờ luồng gió mới mang tính thời sự: “Chuyển đổi số trong Giáo dục”, người tham dự hội thảo năm nay có cảm hứng nghiên cứu về những khái niệm rất mới. Trong đó, một trong những khái niệm được nhắc đến nhiều là thế hệ Z - thế hệ tương lai của kỷ nguyên số, cũng chính là thế hệ nằm trong độ tuổi học sinh sinh viên đang học cùng trải nghiệm tại FPT Edu.

Thế hệ tương lai ấy thực sự là ai? Yêu cầu của họ trong thời đại số là gì? Lời giải đáp đã được các diễn giả là thầy cô, cán bộ tại FPT Edu chia sẻ tại FPT Educamp ngày 8/12 vừa qua.

Nhắm thẳng vào trọng tâm vấn đề, chủ đề “Thấu hiểu gen Z để chuyển đổi số” của diễn giả Nguyễn Thị Ái Trinh (Fschool HL) đã giúp người tham dự có cái nhìn đi từ khái quát đến chi tiết về nhóm người trẻ này. Theo tìm hiểu của chị Trinh, thế hệ Z hay Gen Z được định nghĩa là những người sinh năm từ 1995 đến 2012. Tuy nhiên, nữ diễn giả cho biết không có một ranh giới chính xác nào để tách biệt rõ ràng thế hệ Z với thế hệ Y trước đó hay thế hệ Alpha sau này.

Gen Z đa phần là những người được sinh ra và lớn lên cùng với sự ra đời của hàng loạt phát minh công nghệ như: Google, điện thoại thông minh, Facebook, Youtube… Chị Trinh cho biết, thế hệ này đã sớm hình thành những đặc điểm điển hình như sử dụng công nghệ tốt, giỏi ngoại ngữ, dễ bắt nhịp với xã hội, đa nhiệm… và cũng có một vài tính cách chung như có cái tôi lớn, muốn khẳng định bản thân và thích được công nhận.

Thế hệ Z - thế hệ tương lai của kỷ nguyên số, cũng chính là thế hệ nằm trong độ tuổi học sinh sinh viên đang học cùng trải nghiệm tại FPT Edu đang là thế hệ được nhắc đến nhiều nhất
Tại phiên trình bày của diễn giả Ái Trinh, khách tham dự là những người thuộc thế hệ Y (1980-1994) và thế hệ vi mô (1975-1985) tỏ ra khá hứng thú với những kiến thức mới mẻ về thế hệ Z.

Diễn giả Ái Trinh cho biết, vì đã sớm quen thuộc với các thiết bị công nghệ nên 100% học sinh sinh viên thế hệ Z cần phải được lên mạng ít nhất 1 giờ/ngày để đảm bảo không bỏ lỡ điều gì trên mạng. Việc này gây ra cảm giác phải cập nhật mọi nơi, mọi lúc khiến các học sinh, sinh viên cảm thấy bất an và dễ sinh lòng đố kị, tự ti… khi theo dõi cuộc sống của người khác trên mạng.

Từ góc độ của một cán bộ đang làm việc tại phòng Phát triển cá nhân (PDP) thuộc Fschool, diễn giả Ái Trinh cho biết thế hệ Z rất cần được trang bị những kỹ năng để sử dụng công nghệ và truyền thông một cách an toàn, có trách nhiệm và hiệu quả trong thời đại số. Trong đó, kĩ năng quản trị thời gian online được diễn giả nhấn mạnh hơn cả. Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ các thầy, cô giáo nên có phương pháp giáo dục giúp phát huy tối đa khả năng ngoại ngữ, sử dụng CNTT, làm việc độc lập… của học sinh. Tuy nhiên, cần kiểm soát và tránh để các thiết bị công nghệ trở thành yếu tố gây nhiễu trong học cùng trải nghiệm của học sinh.

Cần kiểm soát và tránh để các thiết bị công nghệ trở thành yếu tố gây nhiễu trong học cùng trải nghiệm của học sinh
Đồng tình với nhiều ý kiến của diễn giả Ái Trinh, trong chủ đề “Thế hệ Z cần gì từ giáo dục Đại học và giảng viên trong thời đại Công nghệ 4.0?”, diễn giả Nguyễn Phương Dung (ĐH Greenwich Việt Nam) cũng đưa ra một số phương pháp mà giảng viên có thể áp dụng để định hướng học sinh, sinh viên phát huy tối đa khả năng trong công cuộc chuyển đổi số.

Từng được sinh viên bình chọn danh hiệu “Giảng viên được yêu thích nhất”, theo chị Dung, sinh viên trong giai đoạn này có tính chọn lọc thông tin thực tế cao hơn, các em thông minh và muốn thứ gì đó khác biệt từ giáo dục. Nếu giảng viên chỉ dạy lý thuyết từ giáo trình hoặc đưa ra những kiến thức dễ dàng tìm thấy trên mạng thì không đủ sức thuyết phục đối với sinh viên. Giảng viên cần chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức mới, gắn với sự thay đổi từng giờ của xã hội để thoả mãn được chiếc “dạ dày đói thông tin” của thế hệ Z. Vì vậy, khi dạy trên lớp chị Dung thường đưa vào nhiều ví dụ bắt trend, cũng như chia sẻ kinh nghiệm làm việc, học cùng trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Thêm vào đó, chị cũng tổ chức những buổi học thực hành và mời chính chính các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến tham dự môn học. 

Tổ chức những buổi học cùng trải nghiệm thực tế để sinh viên thích thú với môn học
Để giúp sinh viên được thoả mãn việc học hỏi từ kinh nghiệm và câu chuyện của người khác, chị Dung đã mời các doanh nhân, CEO tham gia vào các buổi học với vai trò là giám khảo/nhà đầu tư/khách hàng để đưa ra những góp ý thực tế về các kế hoạch, dự án của sinh viên.

Cũng đề cập đến thế hệ Z trong bài tham luận “Chuyển đổi số trong tuyển sinh sinh viên quốc tế”, diễn giả Hoàng Văn Cương (FPTU Global) mang sử dụng những hiểu biết về thế hệ Z để mang đến một góc nhìn khác trong việc áp dụng chuyển đổi số để tuyển sinh.

Cần áp dụng Digital Marketing vào quá trình học cùng trải nghiệm cho sinh viên
Theo anh, để tiếp cận đến đúng đối tượng mục tiêu, cán bộ tuyển sinh cần thấu hiểu thế hệ Z để áp dụng những diễn giải về hành vi của khách hàng vào Digital Marketing. Đây cũng là nội dung anh chú trọng nhất trong phần trình bày của mình.​​

Theo đó, từ thói quen sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin của sinh viên, anh Cương đề xuất các website tuyển sinh cần được thay đổi về thiết kế để tương thích cũng như cung cấp nhiều tiện ích cho người dùng khi tra cứu thông tin bằng điện thoại. Thêm vào đó, anh Cương cũng đưa ra nhiều gợi ý về từ khoá tìm kiếm, nội dung bài viết, hình thức kết nối trực tuyến, cách thu thập dữ liệu… cũng được anh bật mí trong bài tham luận của mình.

Từ những bài chia sẻ của cả 3 diễn giả về thế hệ Z, cộng đồng học thuật trong và ngoài FPT Edu đã có cơ hội được trao đổi về những trăn trở cũng như kinh nghiệm xoay quanh vấn thế hệ này. Mong rằng, với những kiến thức thu lượm được từ các phòng trình bày, những người làm trong giáo dục cũng như các bậc phụ huynh sẽ thấu hiểu học sinh, con em mình hơn, từ đó có cách tiếp cận và đưa ra phương pháp phù hợp để phát triển giáo dục trong thời đại 4.0.

FPT Educamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức hàng năm để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FPT Edu nói riêng. Là một tổ chức học tập, FPT Edu mong muốn tất cả những người tham gia đều có thể chia sẻ tích cực bằng các tham luận, câu hỏi, tranh luận, đóng góp ý kiến bên lề hội thảo chứ không chỉ dừng ở việc ngồi nghe.

Trở lại ở năm thứ 6, hội thảo năm nay với chủ đề “Chuyển đổi số trong Giáo dục” là một trong những hoạt động chào mừng 20 năm thành lập Tổ chức Giáo dục FPT. Hội thảo đã diễn ra trọn vẹn trong ngày 8/12 với phần trình bày tham luận của 62 diễn giả, 2 keynote và đông đảo người tham dự.

 

Trần Mai

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

721

Nhân vật