FPT Edu - Tin tức chung

Học sinh FPT học Ngữ Văn theo phương pháp mới: “Mọi sự áp đặt về cảm xúc, kiến thức là điều không có”

09/10/2018
Vũ Thị Ngọc Ánh
1713

Không giống những môn học khác, Ngữ Văn thường làm học sinh nhầm với môn Tiếng Việt đã được học từ cấp 1. Chính bởi lẽ đó, nhiều học sinh thấy bỡ ngỡ khi tiếp xúc với môn Ngữ Văn. Để giúp các bạn học sinh tích cực và hứng thú hơn với môn học này, cô Hà Thị Thu Trang - giáo viên môn Ngữ Văn của Tiểu học & THCS FPT đã xây dựng phương pháp dạy và học mới đem đến những hiệu quả bất ngờ.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy chương trình Ngữ Văn cấp 2, khi bắt đầu giới thiệu đến học sinh môn học này, cô Trang thường chuẩn bị sẵn tâm lý cho học sinh bằng cách đưa ra 3 câu hỏi: “Những điều em đã biết về môn Ngữ văn?  Những điều em muốn biết về môn Ngữ văn? Và em nghĩ em sẽ học được gì qua môn Ngữ văn?”

Thông qua những câu hỏi này, cô sẽ giới thiệu với học sinh về môn học để xóa tan sự bỡ ngỡ trong lòng các bạn.  Đồng thời, từ các câu trả lời cô cũng nắm được sự hiểu biết của học sinh về môn học  để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Không chỉ thế, đây cũng là cơ hội để cô trò hỏi đáp, trao đổi và giao lưu với nhau.

Chia sẻ về ề chương trình giảng dạy môn Ngữ Văn tại Tiểu học & THCS FPT, cô Trang cho biết: “Chương trình Ngữ Văn tại FPT sử dụng sách giáo khoa Ngữ Văn 6 của Bộ Giáo Dục, tuân thủ theo đúng phân phối chương trình của Bộ. Tuy nhiên, trên cơ sở ngữ liệu quen thuộc đó, chúng tôi vẫn tạo được sự khác biệt bằng việc đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực, tạo sự hứng thú cho học sinh”.

Phương pháp dạy và học của cô Trangkhông dạy văn mẫu, ghi chép lời giảng của giáo viên mà thay vào đó, học sinh phải tự tìm ra kiến thức, tự nói ra suy nghĩ, cảm nhận của mình. Giáo viên sẽ tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh, trong lớp ai cũng có quyền nêu ý kiến, tranh biện, đưa ra các câu hỏi, mọi sự áp đặt về cảm xúc, kiến thức là hoàn toàn không có.

Tất nhiên, trước khi đưa phương pháp giảng dạy mới vào chương trình, các thầy cô cũng đã tìm ra những điều có lợi cho học sinh khi học tập theo phương pháp này. Theo cô Trang, phương pháp mới sẽ giúp học sinh học được nhiều kỹ năng không chỉ phục vụ cho việc học tập mà còn là những kỹ năng thiết yếu trong đời sống như: làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện… Học sinh sẽ có một tư duy độc lập, suy nghĩ sáng tạo và biết cách giải quyết vấn đề.

Kể về câu chuyện thú vị trên lớp khi cho học sinh học Văn theo phương pháp mới, cô Trang tiết lộ: “Trong mỗi tiết học, các bạn sẽ được hóa thân vào các nhân vật trong tác phẩm văn học như vai Lang Liêu, Thánh Gióng… rất đạt. Bên cạnh đó, khả năng tranh biện cũng có cơ hội phát huy rất tốt. Chẳng hạn, cô giáo vừa yêu cầu các bạn đóng vai Sơn Tinh, Thủy Tinh để tranh biện về sính lễ mà vua Hùng yêu cầu. Bạn đóng vai Thủy Tinh bất bình cho rằng vua Hùng thiên vị Sơn Tinh  khi đưa ra các yêu cầu về sính lễ thì ngay lập tức vai Sơn Tinh phản biện: ‘Nếu đã quyết định lên trên cạn cầu hôn Mị Nương thì Thủy Tinh phải sẵn sàng về điều kiện rồi chứ, không thể nói vua Hùng thiên vị’. Cô giáo rất bất ngờ bởi tư duy phản biện nhanh nhạy và cách nhìn nhận vấn đề của học sinh."

Được biết,  trong thời gian tới để tiếp tục đem lại sự mới mẻ trong những giờ học Ngữ Văn, cô Trang và Tổ bộ môn sẽ đưa ra nhiều dự án để học sinh vừa học, vừa gắn kết với đời sống thực tế. Đồng thời, cô cũng mong muốn môn Ngữ Văn sẽ gần hơn với cuộc sống để các bạn học sinh biết chia sẻ, đồng cảm, biết xúc động khi học môn học này.

Cô Trang khẳng định: “Với phương pháp này, giáo viên sẽ là người chỉ dẫn học sinh dùng các tư liệu học tập, khuyến khích và khuấy động học sinh đặt câu hỏi, tạo không khí học tập, nội dung trao đổi khách quan, khoa học. Giáo viên sẽ là người bạn của học sinh trên hành trình khám phá tri thức chứ không phải là người “dạy”. Có câu nói rất nổi tiếng của Abraham: ‘Những cuộc phiêu lưu khám phá thực sự không nằm ở chỗ nhìn thấy những khung cảnh mới, mà ở chỗ có cách nhìn mới’. Tôi hy vọng các quý phụ huynh sẽ đồng hành cùng chúng tôi và các em học sinh trong cách tiếp cận mới này”.

Theo TH&THCS FPT

Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn

1713

Nhân vật