FPT Edu - Tin tức chung

Sinh viên IT cần biết ứng dụng cuộc sống vào bài học

06/11/2020
Nguyễn Huệ Anh
2054

[20/11] – Theo cô Ngọc Vân, các bạn sinh viên IT cần có kỹ năng quan sát, tìm hiểu cuộc sống xung quanh và học cùng trải nghiệm thì mới có thể viết ra những phần mềm  phục vụ được lợi ích cộng đồng.

Cô Thân Thị Ngọc Vân hiện đang là Giảng viên bộ môn Computer Fundamentals tại ĐH FPT TP Hồ Chí Minh. Nhắc tới cô Vân, các bạn sinh viên FPTU HCM luôn dành cho cô  sự biết ơn, quý trọng vì những bài giảng gần gũi gắn liền với cuộc sống cũng như những lời khuyên bổ ích cho sinh viên ngành IT.

Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của cô Ngọc Vân về phương pháp học tập cũng như con đường phía trước của của sinh viên IT trong thời đại 4.0 nhé!

cô ngọc vân khuyên học sinh tìm hiểu cuộc sống xung quanh và học cùng trải nghiệm thì mới có thể viết ra những phần mềm  phục vụ được lợi ích cộng đồng.
Cô Ngọc Vân khuyên rằng, sinh viên muốn học tốt thì phải nhận diện vấn đề tốt bằng cách luyện tập thói quen quan sát và đặt câu hỏi. Khi tìm ra hướng giải quyết cũng là lúc các bạn nắm được phương pháp học tập hiệu quả cho  mình (Ảnh: Humans Of FPT)

Các bạn sinh viên IT đang được “học cùng trải nghiệm” như thế nào trong giờ học của chị?

Đối với sinh viên IT, học lý thuyết đi đôi với luyện tập thực hành rất quan trọng vì nó sẽ giúp các bạn ấy hiểu được mình đang viết cái gì, có tác dụng gì trong cuộc sống. Trong các buổi học, mình thường dạy lý thuyết ở slot 1 và slot 2 là thời gian để sinh viên viết mini project ngay tại lớp, ứng dụng phần kiến thức vừa học. Khi chuyển sang các topic mới thì các bạn ấy sẽ nhận được những mini project tương ứng khác.

Chị thường ra đề bài như thế nào để sinh viên hứng thú trong việc học cùng trải nghiệm ?

Quan điểm của mình là bài tập phải được lấy từ thực tế thì sinh viên mới thấy dễ hiểu và dễ thực hành. Chẳng hạn như khi viết phần mềm quản lý cho phòng công tác sinh viên, mình sẽ hướng dẫn sinh viên xác định xem phòng đó đang thực hiện những công việc vì, yêu cầu của các cán bộ về chức năng của phần mềm… để áp dụng vào bài tập.

Hay đối với phần mềm quản lý dành cho cửa hàng chữa bệnh thú y, các bạn ấy phải đến tìm hiểu điều kiện thực tế ở cơ sở, nhu cầu thực tế của người sử dụng… chứ không thể ở nhà và tự nghĩ ra những điều mình cho là đúng. Tóm lại, sinh viên IT cần phải có kỹ năng quan sát và tìm hiểu cuộc sống xung quanh thì mới có thể học tốt.

Khi tiếp cận phương pháp học tập này, các bạn sinh viên sẽ tự cảm nhận được hiệu quả mà nó mang lại bởi tất cả đều đang diễn ra trong cuộc sống. Mình từng cho sinh viên làm một mini project về đặt hàng trực tuyến, khi hoàn thiện thì các bạn sẽ thấy những điều mình đang làm hoàn toàn đúng với thực tế đang diễn ra, bài tập làm như thế nào thì ứng dụng trên thị trường cũng hoạt động đúng như vậy.

cô ngọc vân khuyên học sinh tìm hiểu cuộc sống xung quanh và học cùng trải nghiệm thì mới có thể viết ra những phần mềm  phục vụ được lợi ích cộng đồng.
Cô Ngọc Vân góp mặt trong Talkshow Kỹ sư phần mềm: Con đường và sự nghiệp dành cho sinh viên ngành IT – ĐH FPT

Có nhiều ý kiến cho rằng “nữ giới học IT thường vất vả hơn nam giới”, chị nghĩ sao về điều này?

Thật ra nữ cũng như nam, khi tham gia vào ngành này thì cả hai đều sẽ có những trải nghiệm giống nhau về số giờ làm việc, áp lực công việc,… Nhưng người ta vẫn gọi nữ giới là “phái yếu” nên có lẽ vì thế mà các bạn ấy không đủ sức bền để gắn bó với công việc như các bạn nam.

Còn đối với các bạn nữ quyết tâm theo đuổi ngành IT, mình chỉ có 1 lời khuyên duy nhất: Nếu cảm thấy thích tìm hiểu về thì cứ học thử vài môn lập trình ban đầu. Sau đó, nếu còn thấy được động lực trong từng bài tập, cảm thấy vui khi tìm ra giải pháp cho từng vấn đề và nỗ lực của mình mang lại kết quả thì hoàn toàn có thể bước vào ngành IT.

Còn nếu bạn cảm thấy mình đã siêng năng hết sức nhưng kết quả không mong đợi hoặc không tìm thấy niềm vui trong môn học thì hãy dành cho mình một khoảng lặng để kiểm chứng xem liệu đây có phải hướng đi phù hợp với mình. Điều đáng sợ nhất không phải là học sai chuyên ngành mà là chới với theo đuổi những thứ không thuộc về mình.

Rất nhiều cựu sinh viên FPTU HCM đã trở lại trường với vai trò của một giảng viên, chị thường hỗ trợ như thế nào để học cùng trải nghiệm với  vai trò mới của mình?

Mình thường khuyên các bạn ấy nên đi dự giờ của những giảng viên khác để lấy kinh nghiệm về cách quản lý sinh viên, điều phối giờ học hay phương pháp truyền tải bài giảng. Tiếp đó, các bạn có thể nhận dạy thử một lớp học với một giảng viên giàu kinh nghiệm, phụ trách 50% số giờ của lớp ấy để được hướng dẫn tốt hơn.

Cảm ơn cô Ngọc Vân vì những chia sẻ bổ ích này. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã tới gần, chúc cô Ngọc Vân cũng như các thầy cô FPT Edu luôn vui vẻ, tràn ngập niềm tin trong cuộc sống và thành công trên con đường dạy học của mình!

Huệ Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

2054

Nhân vật