Trường học trải nghiệm

Học online với thầy cô FPoly: Bài tập về nhà chẳng còn là nỗi ám ảnh mà luôn đầy trải nghiệm

18/11/2021
Hồ Thị Khánh Như
4118

Ở FPoly, bài tập về nhà không còn là “nỗi ám ảnh” mà đã trở thành cơ hội trải nghiệm kiến thức và kỹ năng mới mẻ, khiến sinh viên hào hứng. Đó là nhờ các thầy cô tại đây đã có những cách thức đổi mới việc học và làm bài tập cho sinh viên.

Ôn kiến thức tiếng Anh qua trò chơi, làm sản phẩm online

Đối với cô Nguyễn Thị Thu Thảo, giảng viên tiếng Anh tại FPoly Cần Thơ, điều khó khăn nhất khi dạy online là làm sao tạo động lực học tập, truyền lửa cho sinh viên, để các bạn không cảm thấy nhàm chán chán. “Một môn đòi hỏi nhiều thời gian, môi trường thực hành như tiếng Anh thì các bạn càng có động lực để học tập. Phải yêu thích và hào hứng với nó thì mới có thể học tốt được.”, cô Thảo chia sẻ. 

Đó cũng là lý do cô Thảo luôn cố gắng cập nhật liên tục các hoạt động giảng dạy nhằm thay đổi không khí lớp học cho sinh viên. “Mình hay cho các em chơi trò chơi để ôn bài cũ, làm việc nhóm, thuyết trình tiếng Anh. Bên cạnh đó, mình cũng dành nhiều thời gian trò chuyện với các em về những việc liên quan đến học tập, đời sống để hiểu các em hơn”, cô Thảo tâm sự.

Hơn hết, cô Thảo rất chú trọng vào phần bài tập về nhà vì đây không chỉ là hình thức kiểm tra, đốc thúc sinh viên ôn bài mà hơn hết cũng là dịp để khơi gợi niềm hứng khởi, tình yêu với môn học. “Mình luôn thiết kế các dạng bài tập về nhà dưới nhiều hình thức vui nhộn, lạ mắt nhằm thu hút sinh viên. Ví dụ, mình sẽ hướng dẫn sinh viên sử dụng ứng dụng padlet.com để viết một bài tự giới thiệu kèm ảnh cá nhân bằng tiếng Anh, hướng dẫn các em thực hiện các sản phẩm, ấn phẩm online về các món ăn Việt Nam bằng tiếng Anh… Sau đó, các bạn sẽ thuyết trình trước lớp”.

Theo cô Thảo, các bạn sinh viên tại FPoly Cần Thơ rất thích thú khi tham gia những hoạt động mới lạ và làm việc rất nghiêm túc. “Sinh viên luôn thấy hứng thú khi giảng viên liên tục tạo ra những hoạt động trải nghiệm khác nhau. Đây cũng là động lực để mình càng cố gắng hơn nữa, mang đến các giờ học nhiều trải nghiệm”, cô Thảo tâm sự.

Chia bài tập thành nhiều dạng, theo sát từng sinh viên

Với đặc thù ngành Thiết kế đồ hoạ, thầy Lê Tuấn Lộc, giảng viên FPoly Tây Nguyên cho biết, bản thân mình và các sinh viên cũng không gặp khó khăn gì nhiều trong giai đoạn dạy và học trực tuyến này. 

“Ngành của mình thường được triển khai giảng dạy với 2 hình thức: công cụ và tư duy thiết kế. Với những môn học công cụ phần mềm, mình sẽ trao đổi để sinh viên hiểu rõ mục đích tiêu chí của từng buổi học, yêu cầu sinh viên record lại bài giảng, các thao tác demo, phân chia bài giảng thực hành công cụ theo dạng step by step, luôn rà soát và kiểm tra tiến độ thực hành của sinh viên…”, Thầy Lộc kể. 

Với những môn học tư duy thiết kế, triển khai có phần khó hơn, đòi hỏi khả năng sư phạm của giảng viên cao, để bài giảng trở nên thu hút, thầy Lộc kết hợp khá nhiều “chiêu thức” khác nhau, từ “bí kíp” nhà nghề đến sự tương tác trực tiếp với từng sinh viên:

“Mình luôn triển khai việc tương tác giữa giảng viên với từng sinh viên trong lớp, không bỏ sót bạn nào, với những câu hỏi đa dạng. Nếu dạy về công cụ, mình sẽ cho sinh viên biết nó sẽ giúp các bạn ấy làm được gì trong thực tế công việc, truyền đạt thật nhiều “chiêu thức” hay độc đáo và ngắn gọn, dễ hiểu dễ làm”, thầy Lộc nói. 

Vốn đã là ngành học đặc thù đòi hỏi trải nghiệm, thực hành và sáng tạo không ngừng, nhưng thầy Lộc vẫn rất chú trọng đến cách giao bài tập về nhà. Thầy thường phân chia làm nhiều dạng: Bài tập mang tính củng cố kiến thức - rèn luyện kỹ năng, bài tập tự do sáng tạo của mỗi cá nhân, bài tập dành cho những sinh viên có khả năng nổi trội trong môn đang theo học…

“Làm được thế sẽ mang lại tính công bằng về điểm số, phát huy khả năng sáng tạo của từng sinh viên, khuyến khích sinh viên đào sâu nghiên cứu…”, thầy chia sẻ. 

Để sinh viên tự do lựa chọn nội dung, loại hình cho bài tập về nhà

Để có thể giảm tải áp lực cho sinh viên trong những giờ học trực tuyến cũng như tăng tính trải nghiệm, cô Vũ Quỳnh Thư, giảng viên ngành Kinh tế - Kinh doanh, FPoly Đà Nẵng thường mang đến các bài tập nghiên cứu tình huống. Mỗi tình huống sẽ được phân chia cho từng nhóm, giúp các bạn trau dồi thêm kỹ năng làm việc nhóm và học hỏi lẫn nhau. 

“Mình cũng hay đưa minigame vào các tiết học nhằm mục đích vừa học vừa giải trí thi đua, nhằm tránh cảm giác nhàm chán, tạo hứng thú và có thể giúp sinh viên tự giác tìm hiểu, suy nghĩ và ghi nhớ lâu hơn”, cô Thư nói. 

Các cuộc thi nhỏ, tranh tài giữa các nhóm, các cá nhân được cô Thư “treo giải” bằng các phần quà nhỏ, nhằm tạo động lực học tập và kết nối sinh viên với nhau. 

Đặc biệt, bài tập giao về nhà được cô Quỳnh Thư thiết kế riêng theo môn học, với đa dạng chủ đề và cách thức thực hiện. “Thường mình sẽ cho phép sinh viên tự do lựa chọn loại nội dung để trình bày chủ đề của mình từ những gợi ý của giảng viên. Sinh viên có thể quay dựng video, làm vlog, ấn phẩm… Giảng viên sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu những câu cụ phù hợp nhất”, cô Thư chia sẻ. 

Các tình huống nghiên cứu trong các phần bài tập về nhà cũng được cô Thư đầu tư nghiên cứu sao cho phải gần với thực tiễn, là những vấn đề đang được xã hội quan tâm hoặc gắn với các xu hướng của giới trẻ, các nhân vật mà gen Z đang yêu thích…. Từ đó, giúp sinh viên có thêm trải nghiệm gần với đời sống chứ không có cảm giác lý thuyết xa vời. 

“Ví dụ, vừa rồi mình có giao bài tập trong môn Marketing căn bản như thế này. Theo dõi video quảng cáo nhạc chế “Chuyện công sở” của Hậu Hoàng (video đạt 75 triệu view tính đến thời điểm hiện tại). Hãy tìm ra nhóm công chúng mục tiêu mà TVC quảng cáo muốn hướng đến? Không ngoài mong đợi thì sinh viên bàn luận và đưa ra khá nhiều quan điểm thú vị”, cô Thư kể.

Có thể thấy, sinh viên FPoly hào hứng với cả bài tập về nhà, cũng chính vì yếu tố trải nghiệm luôn được chú trọng trong từng tiết dạy ở trường. Điều này có được là nhờ sự đầu tư, quan tâm, không ngừng sáng tạo của các thầy cô cũng như sự tích cực, chăm chỉ từ các bạn sinh viên, đúng với phương châm “Thực học – thực nghiệp” tại FPoly.

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Khánh Như

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

 

4118

Nhân vật