Những cựu HSSV FPT Edu thành công từ trường học trải nghiệm
Từ trường học trải nghiệm, rất nhiều HSSV FPT Edu đã tìm thấy được thành công của riêng mình. Trần Trung Hiếu – CEO TopCV, Vũ Hải Nam – CEO tMonitor, Hoàng Anh Đức – CEO Edlab Asia là những sinh viên như vậy.
Trần Trung Hiếu – CEO TopCV
Trần Trung Hiếu – cựu sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT, hiện là CEO của TopCV với khoảng 1.5 triệu người kết nối và là nhà đồng sáng lập 2 công ty công nghệ khác. Trong quãng thời gian đi học, Trần Trung Hiếu khởi nghiệp 2 lần, lần đầu tiên khi chỉ là cậu học sinh lớp 11 và lần thứ hai khi đang ngồi trên ghế giảng đường năm 3. Và TopCV cũng là thành quả của 1 trong 2 lần khởi nghiệp đó.
Anh cho biết, TopCV ra đời, trước tiên để giải quyết vấn đề của chính bản thân mình, đó là loay hoay mãi cũng chưa chọn được mẫu CV phù hợp để làm CV thực tập. Ý tưởng về một công cụ tạo CV chuyên nghiệp nảy ra từ đó. Vậy là từ ý tưởng đến hành động, với vốn kiến thức chuyên ngành từ trường đại học, anh tạo ra ứng dụng TopCV với nhiều tính năng ưu việt.
Giải quyết được bài toán thực tế của đa phần các bạn sinh viên, sản phẩm TopCV ban đầu được Trần Trung Hiếu lựa chọn làm sản phẩm đồ án tốt nghiệp, sau đó phát triển và trở thành startup đầu tiên tại Việt Nam giúp người trẻ tạo CV trực tuyến và kết nối cơ hội việc làm. Nhờ TopCV, người dùng có thể tạo CV online đơn giản, nhanh chóng, dựa trên những thiết kế có sẵn, đồng thời cũng có thể tùy chỉnh theo ý người dùng. Bên cạnh đó, ứng dụng còn có chức năng kết nối các ứng viên với nhà tuyển dụng, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm miễn phí cho các bạn sinh viên.
Tới nay, từ một cậu sinh viên năm 3 khởi nghiệp với nhiều bỡ ngỡ, Trần Trung Hiếu đã có bề dày 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, 6 năm quản lý, điều hành doanh nghiệp. Trong quá trình lập nghiệp, anh đã giành được nhiều giải thưởng đáng chú ý như: Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu thủ đô, á quân Startup Funding Camp và Top 15 Startup Việt 2018.
Trần Trung Hiếu chia sẻ, môi trường ở ĐH FPT hướng tới việc sinh viên tự học, có thể chủ động tìm hiểu và làm việc thực tế, giúp sinh viên xây dựng được đội nhóm có cùng chung đam mê. Đây là trải nghiệm hữu ích cho sinh viên muốn khởi nghiệp. “Môi trường mở, năng động và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển tối đa năng lực là điều mà tôi quyết định lựa chọn học tại ĐH FPT”, anh cho biết.
Vũ Hải Nam – CEO tMonitor
Vũ Hải Nam là cựu sinh viên K4, ngành Kỹ thuật phần mềm, Đại học FPT. Từ khi còn là sinh viên, anh đã luôn mong muốn tạo ra các dự án có tác động tích cực tới xã hội. Chính bởi vậy, tMonitor là sản phẩm anh luôn ấp ủ và mong muốn thực hiện từ năm 2015.
Anh cho biết, tMonitor là hệ thống thông minh quan trắc chất lượng không khí trong nhà hiển thị kết quả theo thời gian thực. tMonitor ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) và Học máy (Machine Learning) để cung cấp các phép đo theo thời gian thực, nhận biết các khí như SO2, CO, O3, CO2 với độ chính xác cao. Ngoài ra, hệ thống còn đưa ra phân tích về điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nhờ ứng dụng Học máy để kích hoạt cảnh báo, tMonitor có thể cảnh báo người dùng khi phát hiện những chỉ số bất thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Sau hơn 5 năm nghiên cứu và phát triển, tới nay, anh đã tự tin kêu gọi vốn để sản xuất hàng loạt, thương mại hóa sản phẩm không chỉ ở thị trường Đông Nam Á mà còn lấn sân sang cả thị trường Mỹ. "tMonitor có thể được lắp đặt trong các tòa nhà, văn phòng, không chịu nhiều phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm tương tự đang có trên thị trường", Hải Nam cho biết.
Tham gia cuộc thi IBM Watson Build do IBM tổ chức với sự có mặt của khoảng 400 dự án toàn cầu, tMonitor vượt qua hơn 250 giải pháp công nghệ và nhiều vòng thi từ khu vực Đông Nam Á đến châu Á. Hệ thống giám sát chất lượng không khí của Hải Nam và cộng sự đạt chức vô địch vòng châu Á – Thái Bình Dương và được IBM lựa chọn tham gia thuyết trình tranh giải IBM Watson Build ở quy mô toàn cầu. Giữa tháng 2/2019, sản phẩm sẽ cạnh tranh tính hiệu quả và khả thi với 6 giải pháp đến từ các châu lục khác tại thung lũng Silicon, Mỹ.
Chia sẻ về công việc của mình, Hải Nam cho biết, hiện tại anh vẫn đang làm song song 2 công việc là dự án của riêng mình và các công việc về outsourcing. Bởi anh quan niệm: “Việc học là trọn đời, chỉ khi làm trong các môi trường làm thuê thì mình mới có cơ hội để chạm tay vào những công nghệ hàng đầu thế giới”. Đối với anh, "đi làm thuê là để học", nên sau khi ra trường, anh đã lựa chọn làm việc tại một số công ty outsourcing, trở thành một trong những thành viên đầu tiên của công ty, có cơ hội được làm việc với nhiều khách hàng Nhật Bản, Mỹ… Khi trang bị đủ hành trang cho mình, anh mới bắt đầu tự hoạt động business của riêng mình. '
Hoàng Anh Đức - CEO EdLab Asia
Hoàng Anh Đức – cựu sinh viên ngành Quản trị Kinh Doanh, ĐH FPT Hà Nội là một trong 30 gương mặt được vinh danh trong danh sách 30 Under 30 do Tạp chí Forbes bầu chọn năm 2019, lĩnh vực Giáo dục – Khoa học.
Anh cho biết con đường đến với lĩnh vực Giáo dục đã manh nha hình thành từ rất sớm trong tư duy của mình. Anh đã bắt đầu làm Giáo dục từ năm 2009, khi mới chỉ là sinh viên năm 2 với công việc partime nghiên cứu chương trình giáo dục cho các trường THPT Quốc tế. Những cơ hội tiếp cận Giáo dục ngày một lớn hơn khi anh bạn về làm việc tại THPT FPT từ ngày đầu thành lập và xây dựng chương trình Giáo dục.
Trải qua nhiều hành trình theo đuổi tri thức và nghiên cứu, Anh Đức cho ra đời nhiều sản phẩm Giáo dục, nổi bật là chuyên san “Dạy và Học", nhằm phổ cập các nghiên cứu giáo dục mới cho giáo viên Việt Nam. Đặt nền tảng phát triển từ chuyên san “Dạy và Học”, tháng 9/2019, Tổ chức Giáo dục phi lợi nhuận EdLab Asia chính thức hoạt động với sứ mệnh là người “gieo hạt". EdLab Asia hướng tới thay đổi tư duy của người dạy thay vì tác động tới nội dung học tập của người học; kiến tạo năng lực lâu dài thay vì kỹ năng ứng phó ngắn hạn với đội ngũ nghiên cứu năng nổ không ngừng trau dồi bản thân, cùng chung lý tưởng “kiến tạo tương lai”.
Vừa qua, trong tình hình phức tạp của dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra, Hoàng Anh Đức đã cùng các cộng sự biên soạn và phát hành miễn phí "Sổ tay Nâng cao sức khoẻ tinh thần trong mùa dịch" với quan điểm "Chăm sóc cho tâm trí lành mạnh quan trọng không kém việc nâng cao sức khoẻ thể chất".
Chia sẻ về FPT Edu, Anh Đức cho biết, đây là môi trường lý tưởng để các bạn trẻ phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm bởi không bị cấm cản bởi quá nhiều giới hạn. Bản thân Anh Đức, sau khi ra trường cũng đã quay lại cộng tác trong các dự án với nhiều đơn vị như Trường THPT FPT, Tổ chức giáo dục FPT, Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic…
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình. Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình. Tìm hiểu về Trường học trải nghiệm và FPT Edu tại đây. |
Hải Ngân
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn