Trải nghiệm FPT Edu

HỌC TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO MÔN NGỮ VĂN

23/04/2021
seo
14824

Học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn là phương pháp học tập mới mẻ, thu hút học sinh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin mà phụ huynh, học sinh đang quan tâm đến cách triển khai và lợi ích của phương pháp này. 

Xem thêm:

1. Thế nào được gọi là học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn?

Trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn được hiểu nôm na là vận dụng những đơn vị kiến thức trong môn ngữ văn vào thực tế, sau đó để học sinh tự trải nghiệm, rút ra kiến thức, kinh nghiệm. Từ đó, học sinh được kích thích tính chủ động, sáng tạo tiếp cận kiến thức và tăng niềm yêu thích với môn học. 

Học sinh lớp 6 thực hiện hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn.

Các hoạt động trải nghiệm môn ngữ văn này rất đa dạng: đóng kịch, thi phản biện, tham quan di tích lịch sử, địa danh gắn với tác phẩm văn học, tổ chức cuộc thi vẽ, làm sản phẩm mô hình,… Hoạt động đó có thể triển khai cho học sinh từ tiểu học đến THPT. Mỗi cấp học có những hoạt động sáng tạo khác nhau phù hợp với chương trình học, tâm lý học sinh. 

Học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn có thể tiến hành theo quy mô, cấp độ như sau:

  • Quy mô nhóm học sinh: Bài nghiên cứu, báo tường,… 
  • Quy mô lớp học: Triển lãm báo tường, sân khấu hóa tác phẩm…
  • Quy mô toàn trường: Cuộc thi kiến thức, thi viết thư tay,...

Xem thêm: Môn học trải nghiệm sáng tạo

2. Nêu tính cấp thiết của việc học trải nghiệm sáng tạo ngữ văn 

Với cách học truyền thống, môn ngữ văn được dạy rất máy móc, khô khan, truyền đạt kiến thức áp đặt và một chiều khiến học sinh ngày càng chán nản. Nghiêm trọng hơn, điều này tạo ra lối mòn khiến học sinh lười biếng, chỉ nương theo nhận định của người khác, không tư duy sáng tạo hay cảm nhận được vẻ đẹp của văn học.

Học văn qua những bài đọc khô khan trong sách vở thường không phát huy trí sáng tạo của học sinh.

Ngữ văn là bộ môn xã hội cơ bản, có vai trò quan trọng trong nền giáo dục. Học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn giúp bộ môn này như có một diện mạo mới, cách tiếp cận mới. Từ đó, giáo dục nước nhà có điều kiện đổi mới, sáng tạo cách học, đưa thêm nhiều tác phẩm giá trị vào chương trình một cách nhẹ nhàng, thiết thực đến cho học sinh. 

Học tập trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn giúp bộ môn này trở nên sinh động, hấp dẫn hơn với người học. Nhờ đó, môn văn không còn là môn học toàn lý thuyết hay những bài học viển vông mà trở nên có ích lợi với học sinh. Tâm lý coi nhẹ bộ môn này trong một bộ phận học sinh cũng dần dần được tháo bỏ.

Với giáo viên, học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn là cơ hội để các thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy đã tồn tại nhiều năm. Giáo viên cũng phải tự mình nghiên cứu, sáng tạo, tìm cách tương tác với học trò. Việc này tăng tính chủ động của cả người dạy và người học đối với bộ môn này. 

3. Lợi ích của việc học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn 

Học tập trải nghiệm sáng tạo ngữ văn khiến môn học này không còn khô khan, nặng nề đọc chép mà mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn:

Giúp người học chủ động tiếp nhận kiến thức

Với phương pháp học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn, giáo viên thường sẽ để học sinh chủ động tìm hiểu tác phẩm dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, thầy cô còn có thể giao nhiệm vụ phù hợp trước, trong và sau khi học một bài học cho các bạn. Từ đó, học sinh sẽ hứng thú hơn và chủ động tìm hiểu tác phẩm để hoàn thành nhiệm vụ.  

Ví dụ, với tác phẩm Chí Phèo, thay vì yêu cầu học sinh về nhà soạn bài một cách ép buộc, giáo viên có thể chia vai cho học sinh để các em tự tìm hiểu nhân vật của mình. Sau đó, các bạn cùng nhau đóng kịch, phản biện với nhau tại một phiên tòa xem Chí Phèo có tội hay không. 

Nhờ hoạt động đó, học sinh có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nhân vật, tác phẩm. Các kiến thức như cốt truyện, hình tượng nhân vật, giá trị hiện  thực và nhân đạo của một tác phẩm văn học,... được các em tiếp thu dễ dàng, sâu sắc hơn.

Kích thích trí sáng tạo

Với các hình thức đa dạng từ thi hát, vẽ, làm đồ thủ công, tranh biện,… học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo của học sinh. 

Ví dụ, giáo viên có thể ra đề cho học sinh vẽ lại chân dung nhân vật Kiều/ Thúy Vân theo tưởng tượng của các em dựa trên miêu tả của Đại thi hào Nguyễn Du. Trước giờ học, các em sẽ tự chuẩn bị giấy, màu vẽ, đạo cụ cần có khác để sáng tạo bức vẽ theo hình thức 3D chẳng hạn. Học sinh cũng cần trao đổi, bàn luận để thống nhất về ý tưởng thể hiện. 

Trong giờ học, các em tự tay thực hiện ý tưởng của mình hoặc của nhóm. Một thành viên sẽ đại diện thuyết trình về bức tranh sau khi hoàn thành. Qua đó, các em tự đúc rút những tính cách, đặc trưng nhân vật. Hình thức học sáng tạo này giúp học sinh chủ động tìm hiểu nhân vật, phân tích dựa trên hiểu biết của mình, đánh giá nhân vật chi tiết hơn. 

Trải nghiệm hoạt động sáng tạo môn ngữ văn sẽ giúp học sinh thêm hứng thú với môn học.

Khơi gợi niềm yêu thích với văn học và cái đẹp

Thay vì việc chỉ ngồi nghe, đọc và chép, giờ đây học sinh có thể chủ động trải nghiệm tác phẩm văn học một cách sống động, đa dạng hình thức và thú vị hơn. Từ đó, học sinh sẽ cảm được cái hay, cái đẹp của văn học. 

Học sinh có thể hóa thân thành một nhân vật trong tác phẩm để thể hiện lại chính tác phẩm đó. Các em tự chọn tác phẩm mình thích, chuyển thể từ văn xuôi hoặc thơ sang hình thức thoại trong kịch nói. Trước giờ học, học sinh chuẩn bị trang phục, đạo cụ, tập lời thoại.

Trong giờ học, các em thể hiện tính cách và tâm lý nhân vật thông qua cử chỉ, lời thoại nằm trong kịch bản đã chuẩn bị trước đó. Ngoài ra, học sinh cần phối hợp nhịp nhàng với thành viên trong nhóm để đem đến trích đoạn văn học đặc sắc và sinh động nhất. 

Hình thức học văn sáng tạo này giúp học sinh tiếp cận tác phẩm theo góc nhìn mới mẻ hơn. Các em sẽ hiểu chi tiết tính cách, đặc trưng nhân vật nhờ quá trình tự tìm tòi, chuyển thể văn hoặc thơ sang kịch. Học thuộc thoại và diễn lại trên sân khấu giúp học sinh vừa nhớ kỹ nội dung tác phẩm, vừa rèn sự tự tin, kỹ năng  giao tiếp.  

Tăng tư duy phản biện

Thông qua hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn, học sinh sẽ không tiếp nhận kiến thức một chiều mà được tự do thể hiện quan điểm, đánh giá của mình về nhân vật. Do đó, cách học này rèn luyện cho các em tư duy phản biện hiệu quả. 

Ví dụ, ở giờ Ngữ văn, giáo viên có thể tổ chức cuộc thi tranh biện trong lớp về cái kết của truyện Tấm Cám. Thầy cô có thể đặt ra một loạt câu hỏi cho học sinh như về tính logic trong cách hành xử của nhân vật, ý nghĩa nhân văn của kết truyện,... Hoạt động đó góp phần kích thích tinh thần tranh luận sôi nổi, để các bạn học sinh đưa ra nhiều ý kiến trái chiều thú vị. 

Tư duy phản biện cũng được rèn luyện qua các hoạt động hỏi, đáp, tương tác giữa giáo viên với học sinh và học sinh với nhau.

4. Các hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn

4.1 Trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn thông qua câu lạc bộ ngữ văn 

Đây là hình thức khá thú vị và được nhiều học sinh yêu thích vì các bạn sẽ được sinh hoạt cùng bạn bè chung sở thích. Ở CLB, học sinh cùng nhau trao đổi, chia sẻ tìm hiểu về một số thể loại văn học, nghệ thuật. Các bạn được khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học như thơ, truyện ngắn để cùng nhau trao đổi trong câu lạc bộ hoặc gửi dự thi, đăng báo.

Nhờ các hoạt động này, học sinh hiểu sâu thêm về ngữ văn và một số thể loại thơ, văn xuôi cụ thể. Các em cũng có dịp thỏa sức sáng tạo văn học, thể hiện góc nhìn qua tác phẩm của mình. Sinh hoạt CLB cũng khiến các bạn có không gian giao lưu, gặp gỡ bạn bè, vui vẻ và lành mạnh.

Học sinh có cơ hội giao lưu, gặp gỡ bạn bè khi sinh hoạt CLB văn học.

4.2 Trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn dưới hình thức hội thảo, diễn đàn 

Các hội thảo, diễn đàn văn học thường được tổ chức ở cấp THCS, THPT khi học sinh đã có kiến thức nhất định về môn văn. Chủ đề hội thảo, diễn đàn được lựa chọn trước. Các bạn học sinh có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu dựa trên chủ đề đó.

Tại hội thảo, học sinh trao đổi, thảo luận xoay quanh chủ đề với tư cách cá nhân hoặc nhóm. Các tác phẩm, nhân vật văn học qua góc nhìn của mỗi cá nhân lại có nét khác biệt hoặc giá trị riêng. Sự khác nhau giữa các quan điểm tạo nên tranh luận sôi nổi giữa các thành viên trong lớp. Các em cũng có thể sáng tạo, đưa thêm kịch hoặc bài hát chuyển thể từ tác phẩm văn học vào phần thảo luận.

Qua hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn này, học sinh có cơ hội hiểu sâu về nhân vật, tác phẩm do có quá trình tự nghiên cứu, tìm tòi và chia sẻ quan điểm của mình. Việc trao đổi trong hội thảo giúp học sinh tăng khả năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng giao tiếp. Các em cũng mở rộng quan hệ bạn bè hơn qua hoạt động có tính tập thể này. 

Các hội thảo văn học cũng là một hình thức trải nghiệm sáng tạo.

4.3 Học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn dưới hình thức sân khấu hóa

Sân khấu hóa là hình thức chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch, chèo hay một loại hình nghệ thuật trình diễn nào đó. Trong đó, học sinh đóng vai các nhân vật, kể lại tác phẩm bằng thoại, diễn xuất.

Trong hoạt động sân khấu hóa, giáo viên đưa ra một hoặc một vài tác phẩm văn học để học sinh lựa chọn chuyển thể. Các bạn tự lên kịch bản, chuẩn bị đạo cụ, chuyển lời tác phẩm sang lời thoại nhân vật. Từng học sinh hoặc nhóm các bạn sẽ luyện tập với nhau trước khi chính thức biểu diễn.

Trong giờ học, thay vì đọc chép tác phẩm, các học sinh đóng vai nhân vật kể lại nội dung chi tiết. Qua đó, mỗi em tự xây dựng tính cách, ngoại hình, thể hiện nội tâm nhân vật. Giáo viên đóng vai trò nhận xét buổi trình diễn, đúc rút lại nội dung và giá trị văn học tác phẩm.

Hình thức này giúp học sinh tích cực tham gia vào giờ học văn hơn. Các em chủ động chuẩn bị kiến thức, tìm hiểu bài học. Được hóa thân vào các nhân vật văn học cũng giúp học sinh hào hứng hơn, hiểu nhân vật và tác phẩm chi tiết hơn. Các em trở nên mạnh dạn, tự tin hơn khi thường xuyên trình diễn trước tập thể lớp. 

Học sinh hào hứng tham gia hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học.

4.4 Trải nghiệm môn ngữ văn dưới hình thức tham quan, dã ngoại 

Đây là hình thức học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn đưa học sinh đi tham quan các địa điểm có liên quan đến tác phẩm văn học. Trải nghiệm tham quan, dã ngoại này giúp học sinh khắc sâu kiến thức lại thay đổi môi trường học mới mẻ hơn. 

Chẳng hạn, khi dạy các đoạn trích Truyện Kiều của Nguyễn Du (Ngữ văn 9 và 10) nhà trường có thể đưa học sinh thăm Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Khi học đến sự tích thành Cổ Loa (Ngữ văn 8), học sinh có thể được thăm di tích thành để mở rộng kiến thức.

 

Học sinh thăm quan, trải nghiệm tại Cổ Loa khi học đến tác phẩm Sự tích thành Cổ Loa.

Tại hoạt động tham quan, dã ngoại, học sinh được thăm thú di tích và được giới thiệu các thông tin lịch sử, văn hóa về địa danh này. Các em sẽ mở mang vốn kiến thức nền về địa lý, lịch sử gắn với danh lam thắng cảnh và bối cảnh ra đời tác phẩm văn học. 

Như vậy, không chỉ có thêm kiến thức liên quan tới tác phẩm, học sinh còn có thêm nhiều hiểu biết khác. Hoạt động này cũng giúp các em có giờ phút thư giãn vui vẻ, gắn kết với tập thể bạn bè. 

4.5 Trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn thông qua hội nhập

Trải nghiệm hội nhập là các hoạt động giao lưu, khám phá văn hóa nước ngoài gắn liền với các tác phẩm văn học. 

Tham gia trải nghiệm này, học sinh có thể được đi thăm các Trung tâm Văn hóa Mỹ, Pháp, Viện Goethe, Phân viện Puskin ở Hà Nội, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam,… 

Đến đây, ngoài việc trải nghiệm nói ngoại ngữ với người bản xứ, học sinh sẽ được gặp gỡ các chuyên gia văn hóa và giáo dục để giao lưu, chia sẻ, tìm hiểu kiến thức qua văn học bản xứ. Qua đó, các em sẽ có thêm kiến thức về văn hóa, văn học nước ngoài, hiểu sâu về cuộc sống, con người được thể hiện qua văn chương.

Việc học trải nghiện sáng tạo môn ngữ văn này cũng giúp học sinh tự tin, nâng cao kỹ năng giao tiếp thông qua việc giao lưu, gặp gỡ nhiều người, chia sẻ quan điểm của mình trong các buổi thảo luận.  

Học sinh tham quan triển lãm búp bê truyền thống Nhật Bản tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản.

5. Trải nghiệm học sáng tạo môn ngữ văn tại FPT

Tại FPT, hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn đã được áp dụng vào chương trình đào tạo từ lâu dưới nhiều hình thức đa dạng. Nổi bật trong số đó là sân khấu hóa các tác phẩm văn học và ứng dụng công nghệ vào môn ngữ văn. 

Sân khấu hóa tác phẩm văn học

Các tác phẩm được sân khấu hóa tại FPT Edu rất đa dạng, từ Thánh Gióng, Mị Châu – Trọng Thủy, Sơn Tinh – Thủy Tinh cho đến Lọ Lem,... Mỗi tác phẩm lại được thể hiện dưới góc nhìn hài hước, độc đáo, khi kết hợp với các hình thức sân khấu hiện đại khác như múa, rap. 

Học sinh FPT Edu đóng vai nhân vật kể lại nội dung chi tiết. Mỗi em tự xây dựng tính cách, ngoại hình, thể hiện nội tâm nhân vật theo cách hiểu của mình. Các bạn cũng có thể sáng tạo, biến tấu ngoại hình hoặc lời thoại nhân vật cho phù hợp với ý tưởng của mình.

Cuối buổi học, giáo viên đóng vai trò nhận xét buổi trình diễn, đúc rút lại nội dung và giá trị văn học tác phẩm.

Hình thức này giúp học sinh tích cực tham gia vào giờ học văn hơn. Các em chủ động chuẩn bị kiến thức, tìm hiểu bài học. Được hóa thân vào các nhân vật văn học cũng giúp học sinh hào hứng hơn, hiểu nhân vật và tác phẩm chi tiết hơn. Các em trở nên mạnh dạn, tự tin hơn khi thường xuyên trình diễn trước tập thể lớp. 

Học sinh THPT FPT sân khấu hóa truyện Lọ lem. 

Ứng dụng công nghệ vào sáng tạo môn ngữ văn

Ngoài sân khấu hóa, một hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn đáng chú ý khác là thiết kế game 3D. Học sinh thiết kế tựa game giúp người chơi có thể đóng vai người lái đò và chinh phục sông Đà dựa trên nội dung tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyên Tuân. Sản phẩm do bạn Nguyễn Lân – học sinh lớp 11A4, THPT FPT (Hà Nội) thực hiện trong 3 tháng. 

Bạn Thu Hiền – một học sinh trải nghiệm game 3D này cho biết: “Áp dụng công nghệ 3D giúp em hình dung rõ ràng thế giới đá vách thành, trùng vi thạch trận, cửa ải nước,… kinh điển trong văn Nguyễn Tuân. Em từng rất sợ học tác phẩm này cho đến khi được chơi game”.

Giao diện game Người lái đò sông Đà do học sinh THPT FPT sáng tạo.

Có thể thấy, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn đã mang đến luồng gió mới cho công tác dạy và học, giúp văn học trở nên gần gũi với học sinh hơn bao giờ hết. Để khám phá thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn, bạn có thể truy cập tại đây.

(Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu)

14824

Nhân vật