Trường học trải nghiệm

Khám phá tiết học 4D của thầy giáo áo hồng “hot” nhất nhì ĐH Greenwich (Việt Nam)

08/11/2021
Hồ Thị Khánh Như
2036

Được cộng đồng sinh viên ĐH Greenwich (Việt Nam) yêu quý với biệt danh “soái ca áo hồng”, thầy Nguyễn Quốc Cường, giảng viên ngành Quản trị kinh doanh còn “lôi cuốn” sinh viên vào các tiết học 4D cực thú vị và hiệu quả. 
“Mục tiêu kép” trong “mùa” học trực tuyến

Thầy Nguyễn Quốc Cường tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Khoa học Quản lý tại Pháp và học đại học và thạc sĩ tại Úc. Thầy bắt đầu giảng dạy tại ĐH Greenwich (Việt Nam) – TP.HCM vào năm 2016. Hơn 5 năm học tập và làm việc tại Australia, Paris, các kiến thức cũng như phong thái dí dỏm, duyên dáng của thầy làm nên sức hút khó bỏ qua của các buổi học chuyên ngành. Theo nhiều bạn sinh viên đánh giá, thầy là giảng viên thường xuyên mặc “áo hồng” còn “hot” hơn cả soái ca “áo trắng” và cực kỳ tâm lý với sinh viên. Đây cũng là lý do thầy từng được gọi với biệt danh “soái ca áo hồng”. 
Giai đoạn học trực tuyến này, thầy Cường xác định cả mình và học trò phải học cách “sống chung với dịch”. Theo quan điểm của thầy, việc học trực tuyến sẽ là một xu hướng bền vững trong tương lai, kể cả khi thế giới trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch, chứ không phải chỉ là cách ứng phó tạm thời trong giai đoạn khó khăn. Thế nên, thầy Cường luôn đặt ra các mục tiêu giảng dạy cụ thể và truyền động lực, cảm hứng học tập đó cho sinh viên, giúp các bạn nghiêm túc, say mê với việc học chứ không chỉ học để “đối phó” hay có suy nghĩ chờ đến lúc hết dịch thì thầy cô sẽ dạy lại. 

Thầy Cường bắt đầu giảng dạy tại ĐH Greenwich (Việt Nam) từ năm 2016

“Ưu điểm lớn nhất của việc dạy và học trực tuyến là nó mang lại sự tự do cho người học, giúp họ vượt qua các rào cản về không gian học tập, khối lượng kiến thức và các quy tắc của lớp học truyền thống. Tuy nhiên, sự tự do này cũng chính là khuyết điểm của việc dạy và học trực tuyến. Người học phải thật sự kiểm soát được việc tự do học tập, bằng việc cam kết nghiêm túc với việc học trực tuyến, tự tạo động lực học tập tích cực cho bản thân và đồng thời cả người dạy lẫn người học cũng phải thay đổi để thích nghi với môi trường học tập từ xa và việc ứng dụng các công cụ học tập trực tuyến”, thầy Cường nói. 
Thầy cũng chia sẻ, trong đợt học trực tuyến này, điều gặp khó khăn lớn nhất thầy gặp phải chính là làm sao duy trì động lực học tập cho sinh viên. Vì thời gian giãn cách xã hội ở TP.HCM kéo dài nên ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần học tập của sinh viên. Cách khắc phục của thầy Cường là tạo ra nhiều kênh tương tác với sinh viên để hỗ trợ các bạn khi làm bài tập, cố gắng tạo không khí lớp vui vẻ và thoải mái nhất có thể. “Mình hay hỏi thăm tình hình sức khoẻ của sinh viên và gia đình để truyền tải năng lượng tích cực cho các bạn. Đồng thời, truyền đạt tinh thần về “mục tiêu kép” cho các lớp giai đoạn này là “qua dịch” và cũng “qua môn”, thầy Cường hóm hỉnh kể. 
Những tiết học 4D thú vị
Cũng chính vì muốn truyền đạt năng lượng tích cực và động lực học tập đó cho sinh viên nên thầy Cường luôn vận dụng tất cả kiến thức lẫn khiếu hài hước của mình, biến lớp học lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Phương pháp mà thầy vận dụng được sinh viên gọi vui với cái tên là 4D – Duyên dáng; Dí dỏm (phong cách đứng lớp của thầy); Dễ dàng (các bài học luôn được liên hệ thực tế và nhìn theo góc hài hước khiến mọi thứ trở nên dễ hiểu và sinh viên cũng dễ dàng qua môn hơn); Dồi dào (Năng lượng tại lớp học luôn sôi nổi, dồi dào và tích cực). 

Thầy nổi tiếng là người có tính cách cực kỳ phóng khoáng, trẻ trung

Ví dụ, khi dạy về Business Law (Luật kinh doanh), vốn là môn tưởng như rất khô khan, thầy Cường sẽ lấy các ví dụ trong thực tế mà sinh viên có thể gặp phải hoặc thi thoảng còn là các tình huống hài hước trong tình yêu, chuyện bạn bè, trường lớp… Khi dạy Marketing, thầy thường sẽ lấy ví dụ về các sự kiện, sản phẩm của các thương hiệu “bắt trend” giới trẻ… 
Thầy cũng rất “tận dụng” các tình huống hài hước ngẫu hứng trong giờ học để “chọc” sinh viên cho vui và tạo tiếng cười cho mọi người. “Có em đang học thì phải xin phép thoát ra gấp để đi nhận hàng thực phẩm mua online vì shipper gọi điện hối hay có em lại quên tắt microphone, bị ba mẹ gọi bằng “biệt danh” ở nhà nhắc đi nấu cơm dù chỉ mới có 9h sáng. Thế là, mình lấy những điều đó “chọc” tụi nhỏ luôn cho vui. Đến giờ vẫn gọi mấy đứa bằng “biệt danh” đấy miết”, thầy kể. 
Nguyễn Thuỳ Trang, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Greenwich (Việt Nam) – cơ sở TP.HCM từng học thầy Cường chia sẻ: “Thầy Steven (tên thân mật của thầy Cường) là người vui vẻ, hoà đồng và khiêm tốn, nên thầy được nhiều bạn sinh viên thích lắm. Cách dạy của thầy thì cũng nhẹ nhàng, chủ yếu truyền tài những kinh nghiệm thực tế nên buổi học giống như cuộc trò chuyện chia sẻ những trải nghiệm với nhau chứ không bị nặng nề lý thuyết, không khí buổi học thoải mái vô cùng”. 
“Thầy mình thì siêu vui tính và hài hước từ Facebook ra đến ngoài đời nên lớp học chẳng bao giờ thiếu tiếng cười cả. Thầy cũng “bắt sóng” các xu hướng của giới trẻ nhanh lắm nên chúng mình thấy rất gần gũi và kiến thức cũng trở nên “dễ vào” hơn”, Dư Sang, sinh viên ĐH Greenwich (Việt Nam) – cơ sở TP.HCM nói. 
Khi được hỏi về bí kíp đặc biệt này của mình, thầy Cường nói: “Thật sự mình không có bí kíp hay phương pháp gì bí mật đâu. Mình nghĩ, điều quan trọng để thu hút sinh viên tập trung với bài giảng chính là sự đam mê của giảng viên đối với môn học mình đang dạy. Nếu giảng viên thật sự đam mê với nội dung bài giảng thì họ phải cố gắng truyền tải được sự đam mê đó đến với sinh viên. Trong bối cảnh học trực tuyến thì đòi hỏi giảng viên phải tương tác nhiều hơn với sinh viên, phải vận dụng nhiều công cụ giảng dạy trực tuyến hơn và quan trọng nhất vẫn là giữ cho bản thân mình một tinh thần lạc quan và một thái độ sống tích cực thì tự khắc sinh viên cũng sẽ như vậy”. 

Điều khiến sinh viên yêu mến thầy ngoài sự hài hước, vui tính còn là sự tâm huyết với nghề

Nói về những biệt danh đáng yêu mà sinh viên tặng cho mình, từ “soái ca áo hồng” đến “thầy giáo 4D”, thầy Cường tâm sự: “Mình cảm thấy bản thân rất may mắn vì đa phần các biệt danh mà sinh viên đặt cho anh đều mang hướng tích cực như một lời khen và cũng chính những lời khen này của sinh viên đã giúp mình có những giờ giảng tốt hơn, hỗ trợ sinh viên được nhiều hơn để mỗi ngày đến trường là một ngày vui và một ngày làm việc hiệu quả cho cả thầy và trò”.
Có thể thấy, bí quyết của thầy giáo “4D” Nguyễn Quốc Cường không phải chỉ nằm ở khiếu hài hước vốn có mà quan trọng hơn hết là đam mê với nghề và tình yêu thương dành cho học trò, luôn sát cánh, đồng hành cùng các bạn mọi lúc mọi nơi giữa giai đoạn còn nhiều khó khăn này. 

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.


Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.


Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Khánh Như
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

 

2036

Nhân vật