Trường học trải nghiệm

“Vẽ đường” cho học sinh trải nghiệm online cùng các CBGV THPT FPT Hòa Lạc

21/10/2021
Nguyễn Huệ Anh
3989

Trải nghiệm là điều không thể thiếu khi trở thành học sinh THPT FPT Hòa Lạc. Dù chưa thể trở lại campus nhưng các bạn học sinh vẫn dễ dàng trải nghiệm online đa chiều nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các CBGV trong việc sáng tạo, ứng dụng công nghệ, phương pháp đào tạo mới.

Học online cũng là một trải nghiệm của học sinh hiện đại

Chị Phùng Thị Hiên (Phó Hiệu trưởng THPT FPT Hòa Lạc, Tổ trưởng tổ PDP)

Chị Phùng Thị Hiên (Phó Hiệu trưởng THPT FPT Hòa Lạc, Tổ trưởng tổ PDP) cho rằng, bản thân hình thức học trực tuyến là một trải nghiệm của học sinh thời hiện đại. Vai trò của các giáo viên FSchool Hòa Lạc nói chung, cũng như những thành viên trong tổ PDP nói riêng là làm cho trải nghiệm ấy thú vị hơn, giúp học sinh tăng khả năng thích ứng trước những biến động của xã hội.

“Ngay từ những tuần đầu tiên của năm học mới, học sinh FSchool Hòa Lạc đã được trải nghiệm nhiều hoạt động định hướng trên nhóm lớn, được gặp gỡ, giao lưu với các diễn giả yêu thích như anh Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom, MC Khánh Vy... Bên cạnh đó, học sinh vẫn có ngày hội CLB, ngày hội nghệ thuật và thậm chí được tham gia “Lễ nhập trường” trong khi vẫn đang ở nhà. Các em có nhiều hơn các buổi giao lưu cùng bạn bè quốc tế và hiện đang "leo núi" trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do nhà trường tổ chức... Đó là những trải nghiệm thực sự khó quên”, chị Hiên chia sẻ.

Đối với các môn học, giáo viên đã nhanh chóng chuyển đổi phương pháp, công cụ, phương tiện giảng dạy theo xu hướng mới và thích hợp nhất với học sinh. Chẳng hạn, với hoạt động trải nghiệm để khám phá tri thức, học sinh không chỉ tự tay làm các sản phẩm vật lý mà còn thể hiện sản phẩm của mình qua Autodraw, Canva, Flipgrid… Đó là cách để các em học sinh vừa được thực hành nhiều kỹ năng mềm, vừa tích lũy thêm kỹ năng sống cần thiết của một công dân thời đại số.

“Khó khăn duy nhất là thời gian, nhưng các thầy cô luôn sẵn sàng thích ứng, tích cực học hỏi và sáng tạo không ngừng. Mình cảm nhận đó không chỉ là nỗ lực để hoàn thành tốt công việc, mà còn là tinh thần truyền cảm hứng, một tâm thế lan toả cảm xúc tích cực đến học sinh và cộng đồng”, chị Phùng Thị Hiên chia sẻ.

Khuấy động không khí khi tổ chức sự kiện online

Anh Đỗ Kỳ Nam (Trưởng nhóm Công tác học sinh)

Tổ chức chương trình, sự kiện online là một bước chuyển hoàn toàn mới với FSchool Hòa Lạc nói chung và các cán bộ Công tác học sinh nói riêng. Sau những bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu, anh Đỗ Kỳ Nam (Trưởng nhóm Công tác học sinh) cùng đồng đội đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và tự tin hơn với các hoạt động của mình.

“Khó khăn lớn nhất khi tổ chức sự kiện online chính là “cấp nhiệt” bầu không khí. Với sự kiện truyền thống, học sinh được trực tiếp cảm nhận những cảm xúc thật và bầu không khí trải nghiệm thông qua các hoạt động xuyên suốt chương trình; nhưng với sự kiện online các bạn chỉ được tương tác qua màn hình khiến cho sự kết nối, tương tác có phần khó khăn hơn”, anh Kỳ Nam cho biết.

Đây là vấn đề khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều, nhưng các CB Công tác học sinh đã cố gắng cải thiện từng khâu như lên ý tưởng, nội dung, concept, cách tương tác và quan trọng nhất là truyền thông. Đồng thời, các thành viên cũng lắng nghe mong muốn của học sinh qua nhiều kênh, hiểu được các bạn muốn làm gì và trao thêm những góc nhìn đa chiều hơn là “chiêu” để các hoạt động sự kiện trực tuyến trở nên hấp dẫn trong mắt FSchool-ers.

Thầy cô thích nghi nhanh chóng với dạy học trực tuyến

Cô Nguyễn Huyền Ly (Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Chủ nhiệm lớp 12A1)

Với 7 năm kinh nghiệm giảng dạy, cô Nguyễn Huyền Ly (Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Chủ nhiệm lớp 12A1) chỉ ra việc dạy và học online có một số khó khăn như: khó tương tác, tốc độ trao đổi bài học chậm hơn do phải chờ học sinh bật/tắt mic hoặc gõ vào khung chat, thiết kế bài giảng bó hẹp trên máy tính, khó tổ chức các trò chơi ứng dụng theo nhóm…

Rút kinh nghiệm 2 lần dạy học online vừa qua cùng việc sự hỗ trợ của công nghệ, cô Huyền Ly đã chủ động tạo bài tập ứng dụng thông qua các trò chơi cá nhân hoặc nhóm, tạo đề thi trên website và theo dõi được việc làm bài của học sinh.

“Hầu như tất cả các hạn chế mình gặp trong lần đầu dạy online đã được khắc phục. Ngoài ra, vì học sinh học tại nhà, không gian có phần riêng tư hơn tại lớp nên khi muốn có các hoạt động về thể chất thì mình hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo mình, “cái khó ló cái khôn”, trong bất cứ trường hợp nào thì các thầy cô cũng sẽ có sự thích nghi nhanh chóng để mang đến những bài giảng chất lượng nhất cho các học sinh yêu quý”, cô Huyền Ly bày tỏ.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh cuối cấp

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn (Giáo viên môn Tiếng Anh, Chủ nhiệm lớp 12A18)

Đảm nhiệm vai trò là người đồng hành cùng học sinh cuối cấp, thầy Nguyễn Ngọc Sơn (Giáo viên môn Tiếng Anh, Chủ nhiệm lớp 12A18) khẳng định: “Áp lực học tập là không thể tránh khỏi, đặc biệt năm nay tình hình dịch bệnh khiến học sinh phải học online ngay từ đầu năm.”

Tuy nhiên, thầy Ngọc Sơn cũng đánh giá rằng các bạn học sinh lớp 12 đã có kinh nghiệm học online trong một số giai đoạn trước, có đủ trải nghiệm công nghệ nên tính thích ứng khá cao. Để tăng cường trải nghiệm cho học sinh lớp 12, thầy đã mạnh dạn ứng dụng các hình thức học tập, hoạt động mới và nhận được sự hưởng ứng tích cực.

“Mình có tổ chức các hoạt động mini break (nghỉ giữa giờ) khoảng 1 phút hoặc game hoạt động thể chất cuối giờ để học sinh thư giãn, tránh việc tập trung quá lâu vào thiết bị điện tử. Mình cũng chuyển đổi từ dạy bằng slide sang các ứng dụng, website tương tác để học sinh có thể tham gia vào bài giảng chủ động hơn. Nếu như ở phương pháp offline, mình để thời gian nói giữa giáo viên và học sinh là 50 – 50 thì sang online sẽ là 30 – 70 để học sinh gắn kết với bài giảng hơn”, thầy Sơn chia sẻ.

Xây dựng mối quan hệ thầy trò bền vững cần gắn kết, thấu hiểu

Cô Vũ Minh Hằng (Giáo viên Kỹ năng mềm)

Kỹ năng mềm là môn học với đặc thù, yêu cầu học sinh trải nghiệm và tự rèn luyện. Do vậy, quan điểm của cô Vũ Minh Hằng (Giáo viên Kỹ năng mềm) khi đứng lớp online là thúc đẩy ý thức, sự tự giác và trách nhiệm của các bạn học sinh.

“Trước khi vào buổi học, mình sẽ dành ra 5 phút trò chuyện với học sinh. Đối với mình, sự gắn kết và thấu hiểu là điều rất quan trọng để xây dựng một mối quan hệ bền vững. Mình luôn đặt bản thân ở vị trí học sinh để hiểu được các bạn cần gì, muốn gì. Việc liên tục giữ nhịp bài giảng và tương tác trao đổi với học sinh cũng là một cách để không bạn nào trở thành “người đứng bên lề” trong buổi học”, cô Minh Hằng chia sẻ.

Tâm niệm bản thân là “người truyền lửa” và đem đến năng lượng tích cực cho học sinh, nữ giáo viên luôn ghi nhận và trân trọng mọi lời chia sẻ của các bạn. Khi học sinh thấy bản thân được yêu thương, ý kiến được tôn trọng thì niềm hứng khởi và sự chủ động trải nghiệm học tập sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.

“Mình cảm thấy hạnh phúc khi nhận được những phản hồi tích cực của học sinh, chẳng hạn như việc các bạn tự sáng tạo ra cách ghi nhớ từ khóa bài học. Nhiều phen mình cũng phải ngạc nhiên trước cách xử lý tình huống khéo léo cùng sự vận dụng những kỹ năng vào cuộc sống của các bạn ấy. Học Kỹ năng mềm là một quá trình rất dài, không thể đánh giá hoàn toàn năng lực qua những bài kiểm tra hay điểm số. Vì thế, được nhìn thấy học sinh mỗi ngày một tự lập, nhân văn, sáng tạo, hạnh phúc và sống có trách nhiệm là điều tuyệt vời nhất đối với một giáo viên Kỹ năng mềm”, nữ giáo viên bày tỏ.

Luôn lắng nghe, chia sẻ cùng học sinh

Thầy Phạm Ngọc Hải (Giáo viên quản nhiệm)

Theo thầy Phạm Ngọc Hải (Giáo viên quản nhiệm), đặc trưng công việc của người làm công tác quản nhiệm gắn liền với đời sống nội trú của học sinh nhưng điều này đã hoàn toàn thay đổi khi THPT FPT Hòa Lạc bước vào giai đoạn học online.

“Dù học sinh đang không học tập nội trú tại trường nhưng các thầy cô quản nhiệm vẫn cố gắng trao đổi trong nhóm chat, đưa ra những câu chuyện hay, chủ đề phù hợp các bạn cùng thảo luận. Ngoài ra, mình cũng luôn dặn dò các em dù học trực tuyến tại nhà có linh hoạt về mặt thời gian hơn nhưng các em cũng cần lưu ý đến thời khóa biểu, cố gắng duy trì nề nếp học tập, rèn luyện sức khỏe, nghỉ ngơi”, thầy Hải chia sẻ.

“Học offline hay online, thầy cô quản nhiệm vẫn luôn lắng nghe, chia sẻ cùng các bạn trong học tập và cuộc sống. Thầy cô luôn mong các bạn sẽ vững vàng về tâm lý, đảm bảo sức khỏe, tập trung tốt nhất cho học tập”, thầy Hải nói.

Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.

Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình.

Huệ Anh

Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn

3989

Nhân vật