Vì sao giáo viên hào hứng với các hoạt động giảng dạy tại trường học trải nghiệm?
Trường học trải nghiệm không chỉ là môi trường học đường mơ ước của học sinh, sinh viên mà giáo viên cũng tìm được cảm hứng nghiên cứu, giảng dạy và trở thành người đồng hành cùng học hỏi, kiến tạo tương lai với học trò.
Được vận dụng kiến thức vào thực tế
Từng là sinh viên FPT Edu, tốt nghiệp đại học, chị Bùi Thị Hạnh Thảo du học tại Anh Quốc, ngành Quản trị Kinh doanh. Bỏ qua nhiều cơ hội làm việc tại đảo quốc sương mù, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, chị chọn về nước, trở thành giảng viên tại FPT Edu.
“Hồi sinh viên, mình rất thích tham gia các hoạt động trải nghiệm ở FPT Edu: viết báo, sinh hoạt CLB, dự các workshop... Cảm giác học được cái gì trên lớp là có thể vận dụng vào thực tế luôn, từ thực tế lại học được kha khá kỹ năng sống khác khiến mình luôn hào hứng.” nữ giảng viên FPT Edu cho biết. Sang Anh học và tự lập, thậm chí một mình vượt qua giai đoạn lock-down nhiều biến động do Covid-19, những kỹ năng sống học hỏi được từ trường đại học là điểm tựa để chị Hạnh Thảo luôn vững vàng.
“Mình ấp ủ mong muốn vận dụng những kinh nghiệm sống, kiến thức có được ở Anh vào công việc, cuộc sống ở Việt Nam. Có những thành công và thất bại mà mình nghĩ là nếu mình chia sẻ cho các thế hệ đàn em thì các em sẽ có kỹ năng ấy sớm hơn, tránh được những sai sót mà mình đã gặp phải. Để làm được việc đó thì lựa chọn trở về trường học trải nghiệm FPT Edu giảng dạy là hợp lý nhất.” Chị Hạnh Thảo nói.
Được trải nghiệm để tiếp tục học hỏi
Trở thành thầy giáo, cô giáo không có nghĩa là ngừng việc học. Đó là quan niệm của hầu hết những người đang làm việc trong ngành giáo dục. Môi trường trường học truyền thông tạo điều kiện cho giáo viên học hỏi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy nhưng trường học trải nghiệm còn cho các thầy cô giáo cơ hội học hỏi từ trải nghiệm cuộc sống, từ bạn bè đồng nghiệp thậm chí từ chính học trò của mình.
Các thầy cô giáo cùng xây dựng bài học và hoạt động, cùng học trò trực tiếp tham gia trải nghiệm hoạt động xoay quanh 6 nhóm cốt lõi: trải nghiệm công nghệ, trải nghiệm văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông, trải nghiệm những hoạt động và khóa học kỹ năng thế kỷ 21, trải nghiệm xu thế văn hóa xã hội tương lai, trải nghiệm thế giới đa văn hóa. Quá trình ấy là cơ hội để họ tự mình trải nghiệm, ứng dụng những kiến thức, kỹ năng sống của mình để làm tốt vai trò người đồng hành, hướng dẫn cho sinh viên. Đồng thời, các thầy cô giáo cũng tiếp cận nhiều xu thế mới, trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng mới mà khi còn trước đây họ chưa có cơ hội trải nghiệm.
Nguyễn Hoàng Lâm là giảng viên bộ môn tiếng Nhật, FPT Edu. Từng có thời gian khá dài du học tại Nhật, ngoài kiến thức chuyên môn, Lâm am hiểu về cuộc sống, văn hóa đất nước mặt trời mọc và nắm được những kỹ năng hữu ích để có thể sống, làm việc tại đây. Khi giảng dạy tại FPT Edu, giảng viên trẻ sinh năm 1996 này nhanh nhạy ứng dụng các kiến thức, kỹ năng sống mình có được vào hoạt động học tập trải nghiệm cho sinh viên.
Lâm cho biết: “Mình có thể am hiểu văn hóa Nhật hơn một số sinh viên nhưng qua việc học, tiếp xúc với các bạn, mình lại học hỏi được từ sinh viên nhiều kỹ năng, trải nghiệm sống mới mẻ ở Việt Nam mà trước đây mình chưa được biết tới. Dạy và học ở trường học FPT Edu là cách để mình tiếp tục trải nghiệm, học hỏi cùng sinh viên.”
Được trở thành “người bạn lớn” của sinh viên
Trường học trải nghiệm là nơi chứa đựng cả cuộc sống đời sinh viên sôi động với những câu chuyện tình bạn, tình thầy trò đáng nhớ. Ở đây, học sinh, sinh viên được tôn trọng cá tính cá nhân, được chủ động thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình với bạn bè, thầy cô. Có lẽ vì thế mà khoảng cách thầy trò thu hẹp lại. Hình ảnh người thầy uy nghiêm, xa cách dần thay đổi trở thành “người bạn lớn” am hiểu tri thức, gần gũi với học sinh, sinh viên.
Tinh thần học tập, trải nghiệm dựa trên sự chia sẻ khiến học trò cảm thấy được tôn trọng đồng thời khiến các thầy cô giáo cảm thấy kiến thức, kỹ năng sống mình trao đi được đón nhận hào hứng và tích cực vận dụng. Trở thành “người bạn lớn” của học sinh, sinh viên là niềm vui trong công việc của nhiều giáo viên, giảng viên ở FPT Edu. “Sinh viên có băn khoăn gì trong giờ học cũng mạnh dạn nói với cô. Nhiều khi, cô trò tranh luận công bằng và thẳng thắn, không còn khoảng cách giữa người dạy và người học. Mình và sinh viên cũng rất “bình đẳng” khi tham gia trải nghiệm, có lúc trò sai thì cô hướng dẫn cho đúng, có khi cô chưa đúng thì sẵn sàng nhận và học hỏi từ sinh viên.” Chị Hạnh Thảo chia sẻ.
Phía sau giảng đường, nhiều thầy cô giáo FPT Edu trở thành những người đồng hành cùng học sinh, sinh viên của mình qua những giai đoạn trong cuộc sống. Về sau này, học trò nói về họ như những người có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống, tương lai của mình. Đó có lẽ là điều truyền cảm hứng khiến giáo viên, giảng viên thêm yêu công việc ở trường học trải nghiệm.
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình. Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình. Tìm hiểu về Trường học trải nghiệm và FPT Edu tại đây. |
Ngọc Trâm
Tổ chức Giáo dục FPT - fpt.edu.vn